Công nghệ TP Hồ Chí Minh

Chuyển hướng công nghệ cao, sản xuất thông minh

13:00 | 04/01/2020

561 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế thành phố, thế nhưng, vì thiếu đất, giá đất xây dựng nhà xưởng cao, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP HCM đã chuyển đầu tư về các tỉnh lân cận, nhiều người gọi là “chảy máu” vốn đầu tư. Vì vậy, vấn đề đặt ra là TP HCM cần có những khu công nghiệp chất lượng cao, phát triển công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất thông minh... Phóng viên Báo Năng lượng Mới lược ghi một số ý kiến của các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, đại diện hội ngành nghề tại Hội thảo “Công nghiệp TP HCM - Vai trò và tiềm năng phát triển”, do UBND TP HCM tổ chức mới đây.   

Bà Lý Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM: Nhiều doanh nghiệp chuyển đầu tư về các tỉnh

chuyen huong cong nghe cao san xuat thong minh

Trong năm 2018, chỉ số sản xuất ngành chế biến thực phẩm TP HCM tăng 8,22% so với năm 2017 và chỉ số sản xuất đồ uống tăng gần 5%, cho thấy tốc độ phát triển và đóng góp rất lớn của ngành này vào sự phát triển kinh tế của thành phố. Hầu hết các doanh nghiệp có thương hiệu uy tín trong ngành công nghiệp thực phẩm, đồ uống Việt Nam tập trung chủ yếu ở TP HCM và số lượng doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực này tại thành phố tăng khá nhanh, bình quân tăng 13,7%/năm trong 5 năm qua.

Tuy nhiên, nhiều công ty chế biến thực phẩm đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư cơ sở sản xuất, chế biến về các tỉnh lân cận để tận dụng lợi thế về giá thuê đất, dẫn đến chỉ số sản xuất của ngành chế biến thực phẩm TP HCM giảm xuống. Những doanh nghiệp đã dịch chuyển có thể kể tới như: Công ty CP Uniben, Công ty CP Thực phẩm CJ Cầu Tre, Công ty CP Sữa Việt Nam... Ngay cả Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) - doanh nghiệp chế biến thực phẩm lâu đời của TP HCM - cũng đang đầu tư một cụm công nghiệp sản xuất chế biến với số vốn lên tới 1.500 tỉ đồng tại tỉnh Long An. Ngoài ra, một số doanh nghiệp sản xuất trứng gia cầm cũng đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư cở sở sản xuất về Long An, Bình Dương...

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM: Thiếu đất, giá thuê đất đắt đỏ

chuyen huong cong nghe cao san xuat thong minh

Trong giai đoạn 2011-2017, tại TP HCM, vốn đầu tư vào khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng khá cao, bình quân trên 70%, trong khi đó, vốn đầu tư vào khu vực công nghiệp chiếm tỉ trọng bình quân chỉ 28%. Vốn đầu tư thấp nên khu vực công nghiệp cũng tăng trưởng chậm hơn so với khu vực dịch vụ. Vốn của ngành công nghiệp TP HCM sụt giảm là do doanh nghiệp công nghiệp đã và đang chuyển về các tỉnh. Đơn cử, nhiều doanh nghiệp ngành hóa dược - cao su - nhựa trong thời gian qua đã chuyển đầu tư sản xuất về các tỉnh với quy mô lớn như: Công ty CP Phân bón Bình Điền chuyển đầu tư về Bình Dương, Công ty TNHH Sơn KOVA chuyển đầu tư về Đồng Nai...

Tôi cho rằng, chi phí đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn TP HCM có xu hướng tăng cao. Theo đó, tiến trình đô thị hóa trên địa bàn thành phố diễn ra nhanh chóng, giá thuê đất ngày càng tăng, dẫn đến chi phí đầu tư cho công nghiệp trên địa bàn thành phố ngày càng gia tăng và cao hơn nhiều so với các tỉnh lân cận, dẫn đến các nhà đầu tư có xu hướng chuyển đến các tỉnh gần TP HCM. Ngoài ra, các khu công nghiệp hiện nay chủ yếu thu hút các doanh nghiệp lớn, nên quy hoạch khu công nghiệp thường phân lô lớn từ 5.000m2 đến vài héc-ta. Đối với các phân khu quy mô nhỏ, chi phí đầu tư hạ tầng sẽ tăng cao dẫn đến giá cho thuê đối với các lô nhỏ cao hơn so với mặt bằng chung. Trong khi đó, nhu cầu đất sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp nhỏ và vừa từ chỉ từ 500-5.000m2, với giá thuê phù hợp. Vì vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP HCM khó tiếp cận mặt bằng sản xuất phù hợp trong các khu công nghiệp để đầu tư, mở rộng sản xuất.

chuyen huong cong nghe cao san xuat thong minh
Đầu tư sản xuất công nghiệp TP HCM đang trở nên kém hấp dẫn vì chi phí đắt đ

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM: Khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ cao

chuyen huong cong nghe cao san xuat thong minh

Thời gian qua, kinh tế TP HCM tăng trưởng bình quân 7,55%/năm, trong đó, khu vực công nghiệp đóng góp 1,73 điểm phần trăm, khu vực dịch vụ đóng góp 4,99 điểm phần trăm. Xét về tỷ lệ đóng góp, công nghiệp chỉ đóng góp 22,9%, khu vực dịch vụ đống góp tới 66,12%. Xét trong phạm vi của TP HCM, khu vực công nghiệp đứng vị trí thứ hai về cơ cấu giá trị tăng thêm.

Tuy nhiên, khu vực công nghiệp TP HCM năm 2018 giảm tỷ trọng 1,12% so với năm 2016 trong cơ cấu giá trị tăng thêm của cả nước. Sự sụt giảm này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân các ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố dịch chuyển đầu tư ra các tỉnh. Giá trị sản xuất của doanh nghiệp các tỉnh đầu tư vào TP HCM khoảng 39.000 tỉ đồng, giá trị sản xuất doanh nghiệp TP HCM đầu tư ra các tỉnh lên đến 103.000 tỉ đồng. Như vậy, chênh lệch giá trị sản xuất giữa doanh nghiệp TP HCM đầu tư ra các tỉnh và doanh nghiệp các tỉnh đầu tư vào TP HCM ngày càng lớn.

Hiện nay, giá trị sản xuất công nghiệp TP HCM chiếm khoảng 32,3% giá trị công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Giai đoạn 2015-2018, giá trị công nghiệp TP HCM tăng bình quân 6,95%/năm, đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Việc dịch chuyển đầu tư công nghiệp ra các tỉnh, cộng với tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghiệp công nghệ cao đã từng bước định hình xu hướng phát triển công nghiệp TP HCM trong tương lai. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, sự tập trung phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu không còn phù hợp đối với TP HCM. Xét trên phương diện tổng thể, thành phố cần thay đổi hướng tiếp cận trong việc khuyến khích phát triển công nghiệp thay cho việc lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển. TP HCM cần khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ cao để sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao. Việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao sẽ có tác động lan tỏa đến hầu hết các ngành công nghiệp, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Phát triển công nghiệp trên địa bàn TP HCM trong thời gian tới có vai trò to lớn, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng hiệu quả và bền vững. Phát triển công nghiệp thời gian tới cần dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số, gắn với kinh tế vùng.

chuyen huong cong nghe cao san xuat thong minh
TP HCM đang khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ cao

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM: Nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ mới, tối ưu

chuyen huong cong nghe cao san xuat thong minh

Sự phát triển của ngành công nghiệp đã tác động tích cực đến các ngành dịch vụ như: Logistics, thương mại, tài chính - ngân hàng - bảo hiểm... Đây chính là các ngành thuộc 9 ngành dịch vụ ưu tiên phát triển của TP HCM. Phải thừa nhận rằng, công nghiệp góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển, song có những điểm yếu khiến thành phố không còn hấp dẫn nhà đầu tư sản xuất công nghiệp. Sự cạnh tranh của các tỉnh, thành phố trong cả nước về thu hút đầu tư ngày càng cao, đặc biệt trong vấn đề cung cấp đất sạch cho nhà đầu tư. TP HCM hiện đang thiếu quỹ đất thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và chính sách ưu đãi về thuê đất cho các doanh nghiệp lớn trong nước, nước ngoài. Giá thuê đất, mặt bằng sản xuất ở TP HCM còn cao so với các khu chế xuất, khu công nghiệp ở các khu vực lân cận, khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô nhà xưởng, tăng công suất sản xuất và có xu hướng chuyển đầu tư ra khu vực tỉnh, thành phố lân cận.

Ngoài ra, việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất của các doanh nghiệp còn hạn chế, chưa theo kịp xu hướng phát triển của thế giới, nhất là trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ hiện nay.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của TP HCM cho công nghiệp dù được quan tâm nhưng chưa thật sự mạnh mẽ, chưa khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, trong khi nhiều khó khăn, vướng mắc từ các cơ chế, quy định pháp luật về đầu tư sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm chưa được giải quyết căn cơ.

Giá trị sản xuất của các doanh nghiệp đầu tư vào TP.Hồ Chí Minh khoảng 39.000 tỉ đồng, giá trị sản xuất doanh nghiệp TP.HCM đầu tư ra các tỉnh lên đến 103.000 tỉ đồng. Như vậy, chênh lệch giá trị sản xuất giữa doanh nghiệp TP.HCM đầu tư ra các tỉnh và doanh nghiệp các tỉnh đầu tư vào TP.HCM ngày càng lớn

Sắp tới, TP HCM sẽ hoàn thành công tác điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp thành phố; xây dựng khu công nghiệp mới với hơn 360ha để tạo quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo hướng tự động hóa, quy trình sản xuất thông minh và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

TP HCM khẩn trương triển khai và sớm hình thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao ở phía Đông nhằm tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp công nghệ cao có thể phát triển như: robot, tự động hóa, năng lượng thông minh, phần mềm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ... trong khu đô thị sáng tạo.

Về chính sách phát triển, TP HCM sẽ tiến hành rà soát toàn bộ các chính sách hỗ trợ của thành phố đối với các ngành công nghiệp, từ đó nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ mới, tối ưu nhất thuộc thẩm quyền của chính quyền thành phố. Riêng các chính sách vượt thẩm quyền, chính quyền thành phố sẽ chủ động kiến nghị Trung ương, Chính phủ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển.

TP HCM khẩn trương triển khai và sớm hình thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao ở phía Đông nhằm tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp công nghệ cao có thể phát triển như: robot, tự động hóa, năng lượng thông minh, phần mềm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ...

Xây dựng khu công nghiệp chất lượng cao

Vừa qua UBND TP HCM đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định loại hình cần chuyển đổi cho từng khu chế xuất, khu công nghiệp thành khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với khu công nghiệp hiện hữu; xây dựng mới 1 khu công nghiệp có chất lượng cao và tính cạnh tranh cao phù hợp với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tính đến ngày 30-9-2019, các khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP HCM đã thu hút 1.607 dự án đầu tư (còn hiệu lực) với tổng vốn đăng ký 10,71 tỉ USD. Hơn 1.200 dự án đã đi vào sản xuất, thu hút hơn 290.000 lao động. Lực lượng lao động chủ yếu là lao động trẻ, có độ tuổi trung bình 18-25; lao động nhập cư chiếm trên 70% và lao động nữ chiếm khoảng 60% tổng số lao động.

Sự phát triển của các khu chế xuất, khu công nghiệp TP HCM đã hình thành lực lượng lao động kỹ thuật cao, năng động, có ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp và hiểu biết pháp luật, từng bước tiếp cận với khoa học công nghệ, thích nghi với nền kinh tế thị trường và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề chiếm 94,25%, một số doanh nghiệp có tỷ lệ lao động trình độ đại học trên 90%. Có nhiều lượt công nhân ưu tú được doanh nghiệp đưa sang các quốc gia có trình độ công nghiệp phát triển như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan... để đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý và điều hành.

Ngoài ra, đội ngũ chuyên gia, lao động kỹ thuật là người nước ngoài cũng đóng góp đáng kể cho việc đào tạo các nhà quản lý và công nhân kỹ thuật lành nghề người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư và sự phát triển của các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Lực lượng lao động trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP HCM (cơ khí, điện - điện tử, hóa dược, chế biến lương thực thực phẩm) luôn chiếm trên 30% tổng số lao động trong giai đoạn 2007-2018.

Số lao động trong nhóm ngành dệt may - da giày vẫn chiếm tỷ trọng cao, khoảng 45% tổng số lao động đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Thanh Hồ