Chuyên gia 'mổ xẻ' những dụng ý của Mỹ trong vòng xoáy đối đầu mới với Trung Quốc

11:36 | 26/07/2020

229 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vô hiệu hóa lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc, đạt được nhượng bộ trong đàm phán thương mại và giải quyết các nhiệm vụ của chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ... là những động lực chính của vòng xoáy đối đầu mới với Trung Quốc do Mỹ khởi động.    
chuyen gia mo xe nhung dung y cua my trong vong xoay doi dau moi voi trung quoc
Cạnh tranh Mỹ-Trung. (Nguồn: Reuters)

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây đã đặt ra một mục tiêu mới cho liên minh quốc tế nhằm kiềm chế Trung Quốc. Ông kêu gọi các đồng minh vận dụng "những cách sáng tạo và quyết đoán hơn" để buộc Trung Quốc phải thay đổi chính sách.

Trên thực tế, Ngoại trưởng Mỹ đã thừa nhận sự gia tăng sức mạnh chính trị và quân sự của Trung Quốc trên thế giới, đồng thời lưu ý rằng nếu "thế giới tự do" không thay đổi thái độ đối với Trung Quốc, thì Trung Quốc sẽ thay đổi thế giới. Ông Pompeo nhận định các lực lượng vũ trang Trung Quốc đã trở nên "mạnh mẽ và ghê gớm hơn".

Giáo sư Shi Yinhong - chuyên nghiên cứu các vấn đề quan hệ quốc tế, làm việc tại trường Đại học Nhân dân Trung Quốc, cố vấn Hội đồng Nhà nước Trung Quốc - xem phát biểu trên của Mike Pompeo là nỗ lực mới để gây áp lực với Trung Quốc.

"Chính quyền Mỹ đang xây dựng các hành động liên quan đến Trung Quốc dựa trên những tính toán chính trị trước thềm cuộc bầu cử. Đây là chiến lược của Washington nhắm tới tương lai và bản chất của đường lối chính trị. Luận điểm chống Trung Quốc phục vụ lợi ích của (Tổng thống Mỹ Donald) Trump trong cuộc bầu cử sắp tới", Giáo sư Shi Yinhong nói.

Dựa theo bài phát biểu trên của ông Pompeo, chính quyền Trump rõ ràng đang gây áp lực lên Trung Quốc, "dùng đến các biện pháp trừng phạt và các biện pháp cưỡng chế để kìm hãm sự phát triển và tăng trưởng hơn nữa của Trung Quốc. Điều này sẽ giúp Mỹ dễ dàng hơn trong việc duy trì quyền kiểm soát ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới".

Leo thang căng thẳng trong quan hệ Trung-Mỹ xuất hiện sau quyết định của Washington đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston trong tuần này. Đáp trả động thái này, Trung Quốc yêu cầu Mỹ đóng cửa Tổng lãnh sự quán nước này tại Thành Đô.

Phân tích động cơ ẩn giấu sau động thái này, Alexei Biryukov, cộng tác viên chính của Trung tâm An ninh Thông tin và Chính sách Khoa học và Quốc tế tại MGIMO cho rằng thay vì phát triển hợp tác, Mỹ lại đang phá hủy quan hệ Trung-Mỹ.

Ông nói: "Mỹ đang tranh cãi với một quốc gia đang phát triển rất nhanh về mọi mặt, đang dần mạnh lên và tăng khả năng cạnh tranh trong những lĩnh vực mà trước đây Washington là thủ lĩnh. Cố gắng vô hiệu hóa một đối thủ cạnh tranh toàn cầu là mục tiêu chính của người Mỹ. Nỗ lực vô hiệu hóa một đất nước Trung Quốc đang tiến nhanh, phát triển năng động là bản chất trong chiến lược của Washington".

Ở khía cạnh khác, Andrei Manoilo, Giáo sư Khoa Chính trị học tại Đại học Quốc gia Moscow cho rằng Mỹ cần những con át chủ bài mới trong vòng đàm phán thương mại tiếp theo với Trung Quốc. Chuyên gia này phân tích: "Mỹ dự định sẽ ép thỏa thuận thương mại theo hướng để Trung Quốc đồng ý với tất cả các điều khoản của mình. Để đạt được điều này, vì đàm phán thương mại chưa có kết quả cụ thể, chính quyền Trump đang tăng mức độ căng thẳng với Bắc Kinh".

Mỹ đang gây áp lực lên Trung Quốc để sau đó dùng vị thế của kẻ mạnh đưa ra các điều kiện cho thỏa thuận thương mại. "Tuy nhiên, sách lược này sẽ không có kết quả với Trung Quốc".

Ngoài ra, chuyên gia Manoilo còn nêu một mục tiêu khác mà chính quyền Trump đang hướng tới thông qua việc gia tăng đối đầu với Trung Quốc. Ông phân tích, đây là nỗ lực nhằm chuyển hướng sự chú ý khỏi các vấn đề nội bộ ở Mỹ, từ tình trạng bất ổn chủng tộc và bạo lực ở từng bang, những thiệt hại kinh tế do đại dịch cho đến những căng thẳng liên quan đến làn sóng Covid-19 thứ hai. Trung Quốc là một cái cớ thuận tiện cho việc này, Tổng thống Trump đang lợi dụng điều đó, đặc biệt là có lợi cho ông này cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.

Theo Hồng Phúc (Báo Quốc tế)m