Chuyển đổi số ngành thuế và hải quan, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

13:10 | 09/11/2023

313 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 8/11, Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2023 với chủ đề "Chuyển đổi số ngành thuế và hải quan, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp”.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam Phạm Thu Phong cho biết, nhiều năm qua, Bộ Tài chính đã tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa trong lĩnh vực quản lý, giúp tăng cường hiệu quả, minh bạch trong quản lý tài chính - ngân sách, hướng đến nền tài chính số tiên tiến, hiện đại, phục vụ đắc lực cho phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Liên tục 7 năm qua, Bộ Tài chính luôn dẫn đầu trong xếp hạng về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (chỉ số ICT Index). Về xếp hạng theo chỉ số đánh giá chuyển đổi số DTI, năm 2022, Bộ Tài chính đứng top 2 trong số các bộ, ngành cung cấp dịch vụ công.

Chuyển đổi số ngành thuế và hải quan, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
Toàn cảnh diễn đàn thuế, hải quan năm 2023.

Những kết quả tích cực trong chuyển đổi số của ngành Tài chính đã được người dân, doanh nghiệp, tổ chức đánh giá cao. Đặc biệt, các lĩnh vực thuế, hải quan luôn tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số với các kết quả ấn tượng. Điển hình như: Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc; trên 99% doanh nghiệp sử dụng khai, nộp và hoàn thuế điện tử.

Trong lĩnh vực hải quan, đã có 250 thủ tục hành chính (của 13 bộ, ngành) được thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia... Các nền tảng xây dựng và quản trị dữ liệu được xây dựng theo hướng tăng cường sự tương thích giữa các cơ sở hạ tầng thông tin của các cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước và giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân; đảm bảo việc chia sẻ dữ liệu của ngành Tài chính cho các bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu khai thác, sử dụng…

Chia sẻ rõ hơn về chuyển đổi số của ngành Hải quan, Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) Lê Đức Thành cho biết: hiện nay, ngành Hải quan đang tập trung nguồn lực thực hiện Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 với mục tiêu: xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh... Cụ thể hóa Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, thực hiện chính sách, chủ trương của Đảng, Chính phủ và lãnh đạo các cấp về đẩy mạnh số hóa, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành Hải quan số; đến năm 2030 hoàn thành Hải quan thông minh…

Chuyển đổi số ngành thuế và hải quan, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
Các đại biểu thảo luận tại diễn đàn.

Trong lĩnh vực thuế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, trong những năm qua, ngành Thuế luôn nỗ lực cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý, từ việc hoàn thiện môi trường pháp lý đến phát triển hạ tầng, cung cấp các dịch vụ thuế điện tử theo hướng tích hợp, tập trung, đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh: “Với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế và chuyển đổi số một cách toàn diện. Tổng cục Thuế xác định mục tiêu chiến lược là cần phải cung cấp dịch vụ điện tử và các công cụ hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp để giúp họ tham gia quá trình chuyển đổi số”.

Tại diễn đàn, thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Bắc Hà - Trưởng ban Hội viên và Đào tạo (VCCI) cho biết, việc thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã đạt được những kết quả rất rõ nét, đặc biệt là nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân không ngừng được nâng cao. Với Bộ Tài chính, công cuộc chuyển đối số trong lĩnh vực thuế và hải quan đã đạt được những cơ sở ban đầu quan trọng.

Để có được sự thành công trong chuyển đổi số của ngành Thuế và ngành Hải quan, yếu tố đóng vai trò quyết định là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, sự vào cuộc của cả hệ thống Thuế, Hải quan với những giải pháp đồng bộ từ xây dựng, hoàn thiện văn bản chính sách, nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức, quy trình quản lý đến ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, hải quan. Cùng với đó là sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp trong chuyển đổi số, qua đó tạo động lực thúc đẩy sự phát triển và sự thành công của chuyển đổi số ngành Thuế, ngành Hải quan.

Thảo luận tại diễn đàn, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá, chiến lược cải cách và quản lý thuế, hải quan cũng đã được ban hành cụ thể với các nội dung bài bản. Nhìn chung chuyển đổi số các lĩnh vực thuế, hải quan đã để lại nhiều ấn tượng.

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, chiến lược cải cách và quản lý thuế, hải quan đã được ban hành cụ thể và điều này thể hiện các ngành Thuế và Hải quan đã có những chiến lược bài bản. Trong đó, những chỉ tiêu rất quan trọng về chuyển đổi số cũng được vạch ra, chẳng hạn 85% cá nhân sẽ khai và nộp thuế điện tử, đây là các con số tích cực.

Để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số của thuế, hải quan, cần phải có chiến lược, quy trình, tự động hóa thêm và phải giảm thiểu rủi ro trong sai sót, tác nghiệp. Bên cạnh đó là giải pháp về công nghệ, chọn loại công nghệ nào và đầu tư vào công nghệ như thế nào cho phù hợp. Đây là bài toán cần phải tính toán rất kỹ lưỡng, gắn với các câu chuyện về công nghệ và an ninh mạng, do đây là vấn đề rất quan trọng và mức độ ảnh hưởng lớn.

Đặc biệt, TS Cấn Văn Lực cho rằng cần quan tâm tới khách hàng trong việc sử dụng dịch vụ nền tảng số của các cơ quan được dễ dàng, tiện lợi.

Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho rằng, nếu không có chuyển đổi số, không có hóa đơn điện tử, các doanh nghiệp rất khó thực hiện khi kê khai hải quan, làm thủ tục liên quan tới thuế do phải mất nhiều thời gian và thủ tục giấy tờ. Hóa đơn điện tử giúp tiết kiệm chi phí cho cả xã hội về nhiều mặt, kể cả về nghiên cứu cơ sở dữ liệu. Đây chính là hiệu quả của chuyển đổi số, vừa mang lại thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và hải quan.

Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc hy vọng, thời gian tới, mã số công dân sẽ được sử dụng trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến thuế và hải quan. Mã số công dân sẽ theo công dân từ lúc sinh ra tới lúc mất đi nên sẽ dùng cho cả thuế, hải quan, thừa kế, bảo hiểm xã hội… Đó chính là số hóa hướng tới minh bạch, dễ dàng, có lợi cho nhân dân, hướng tới chính phủ điện tử.

Chương trình diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2023 với chủ đề "Chuyển đổi số ngành thuế và hải quan, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp” có sự đồng hành của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo).

N.H

Yêu cầu kiểm soát chặt, chống thất thu thuế trên môi trường sốYêu cầu kiểm soát chặt, chống thất thu thuế trên môi trường số
Giải pháp số giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận dịch vụ thành lập doanh nghiệpGiải pháp số giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận dịch vụ thành lập doanh nghiệp
Kiến nghị giảm thuế cho doanh nghiệp bất động sảnKiến nghị giảm thuế cho doanh nghiệp bất động sản
Chính phủ đề xuất gia hạn giảm 2% VAT đến hết tháng 6/2024Chính phủ đề xuất gia hạn giảm 2% VAT đến hết tháng 6/2024