Chuyện bên lề... "cửa Mẫu"

14:37 | 22/03/2013

8,697 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sự biến tướng trong “ngôi nhà Mẫu” không chỉ ở những khâu căn bản mà còn ở những chi tiết rất nhỏ, chỉ xảy ra bên lề tưởng như không ai chú ý tới. Nhưng khi biến tướng càng ở những chuyện rất nhỏ thì sự nghiêm trọng của nó càng lớn.

Tìm hiểu về thế giới hầu đồng tại một số đền, phủ như Thanh Hà, Bạch Mã, Phủ Dày nhiều chuyện khá thú vị xoay quanh những người hầu đồng như cấp bậc hầu đồng, phong cách hầu đồng, đồng đua - đồng đú hay lý giải về những vấn hầu tiền tỉ.

Trong các hội đồng tại các đền thường tự đặt ra cách phân biệt các “cấp đồng” để phân biệt tân đồng và thanh đồng. Tân đồng chỉ người mới ra hầu, chưa thể hiện được nhiều giá hầu khác nhau. Bởi hầu đồng phải hầu từ cao xuống thấp, có thể thực hiện một số giá đồng chỉn chu trong tổng số 36 giá, thường kéo dài từ 3 đến 6 giờ đồng hồ. Chính vì vậy, những thanh đồng có thể hầu đủ các giá đồng phải là người có thâm niên, đặc biệt sức khỏe phải cực tốt.

Bình thường ngay cả các thanh đồng cứng cũng chỉ hầu trung bình từ 16 đến 18 giá. Giải thích cho việc giảm số lượng các giá hầu này, thanh đồng gọi là hầu “đại diện”. Trong đó, ngoài những giá hầu bắt buộc như hầu tứ phủ, tam tòa Thánh Mẫu, Đức Thánh Trần. Khi hầu quan, hầu phủ, hầu hoàng thì ai “hợp căn hợp cốt” với quan nào, hoàng nào thì hầu quan đấy, hoàng đấy. Có thể lược bỏ các quan, hoàng trong hệ thống các quan, hoàng tương ứng. Trong thực tế, các thanh đồng thường chọn ra các giá hầu đại diện như ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Mười, Cô Bé, Cậu Bé…

Các thanh đồng được đánh giá và phân biệt từ phong cách. Phong cách mỗi người ra hầu rất đa dạng, có người nhanh nhẹn, hoạt bát, có người trầm tĩnh, nhẹ nhàng nhưng nhìn chung tính cách trong đời sống thực thế nào thì ra hầu thể hiện gần giống như vậy. Người trầm tĩnh thì hầu nhẹ nhàng, những động tác tay chân bay múa uyển chuyển. Người nóng nảy thì lên đồng liền bốc lửa, mắt sắc như dao, đảo như rang lạc, động tác thì mạnh mẽ có uy…

Trong một giá hầu đồng, chi phí thường du di với biên độ cực lớn. Có những vấn hầu chỉ vài triệu đồng, có những vấn hầu lên đến tiền tỉ. Sự chênh lệch này chủ yếu do chi phí sắm lễ và lượng tiền lộc. Còn lượng tiền để sắm sanh lễ lạt, vàng mã, mượn người hát văn, đánh đàn, tay quỳnh - tay quế, nhang đèn cho nhà đền… đều có giá cả riêng. Theo ông Cảnh, thủ đền Thanh Hà cho biết, tiền nhang đèn thường vào khoảng dăm ba trăm ngàn đồng, mỗi mâm lễ gồm bánh trái, hoa quả, nước ngọt… cũng chỉ trên dưới 1 triệu đồng. Hát văn, đánh đàn, tay quỳnh tay quế cũng vào khoảng 2-3 triệu đồng. Vàng, mã đủ bộ cũng chỉ 2 triệu là thoải mái. Để lần đầu ra hầu, tiền sắm sanh nhiều nhất là tiền may quần áo, váy, mũ mã, cờ quạt, kiếm cung… Để sắm đủ bộ lễ ra hầu ít nhất cũng là 30 triệu đồng. Đặc biệt, trong giới hầu đồng, có những mối quan hệ đặc biệt như mẹ con có thể “truyền thừa” trang phục cho nhau, thầy trò có thể cho “mượn” lễ phục để ra hầu.  

Những năm qua tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã xuất hiện nhiều vấn hầu tiền tỉ với mỗi mâm tiền lộc cả trăm triệu đồng. Gần đây nhất là giá hầu của tân đồng Huy với mỗi mâm tiền lộc sấp xỉ 200 triệu. Thanh đồng Lê, một trong những người tham gia vấn hầu trên cho biết, cả vấn hầu có liên tiếp 7 giá phát lộc, tiền lộc được phát mỗi giá một mâm toàn tiền polymer, vun thành ngọn. Riêng tiền lộc cả vấn hầu đã hơn 1 tỉ đồng. Mỗi thân bằng quyến thuộc, tham gia đều phải góp từ 10 đến 20 triệu đồng tiền lộc. Tay quỳnh tay quế, thân bằng quyết thuộc dự đồng khi ra về người nào cũng được dăm, bảy triệu đồng. Tiền nhang đèn cho nhà đền, cung văn... mỗi người cũng được ngót chục triệu.

Bên cạnh đó, tâm lý của nhiều thanh đồng, là bốc đồng, thoáng vui thoáng buồn, nóng giận bất kỳ, thích “ngọt” hơn là những lời thẳng thắn. Khi nghe cung văn hát ngọt ngào như rót mật vào tai như dương phúc âm đức mười đời, trăm đời phù trợ… không quản ngại đường xa, công vụ bận rộn về tận tổ đền thờ mẫu xin ra hầu thành…” thì đều bốc lên bừng bừng, tiền bạc ngoại thân chẳng xá gì. Cộng thêm người mới ra hầu đồng có tâm lý “quyết làm một lần cho vua biết mặt, chúa biết tên…” nên sự “thăng” tiền hầu là chuyện bình thường.

Những người hầu đồng xưa có câu “một đồng nam bằng một trăm đồng nữ” thể hiện sự phân biệt giới tính ngay trong thế giới tín đồ cấu thành nên đạo Mẫu. Trong giới hầu đồng vẫn lan truyền câu chuyện nam giới “có căn” là do phạm tội trên thiên đình nên bị “phạt vạ”. Những người này chỉ còn có 8 “vía” chứ không 7 hoặc 9 “vía” nên không ra nam, không ra nữ (nay được gọi ái nam ái nữ).

Trong xã hội trước đây, nhiều người không dám công khai khi gặp vấn đề về giới tính. Khoa học phát triển đã giải thích đó là những trường hợp người có cùng lúc 2 giới tính (lưỡng tính), một số căn bệnh rối loạn nội tiết. Những người có biểu hiện bên ngoài là những người đàn ông nhưng có nhiều hành vi nữ tính như giọng nói, điệu bộ… thường bị chê bai, dè bỉu có khi còn bị đánh đập ngay trong gia đình, bạn bè. Hiện nay, xã hội nhận thức đúng về vấn đề này, những người loạn giới tính được nhìn nhận và tồn tại công bằng, bình thường. Vì vậy, phần lớn họ theo đuổi tín ngưỡng đạo mẫu, tham gia hầu đồng. Từ đó, tỷ lệ các đồng nam tăng lên đáng kể và không còn hiếm như trước đây nữa.

Thanh đồng Nguyễn Thúy Hường, đền Thanh Hà chia sẻ, những năm gần đây xuất hiện nhiều “đồng đua”, “đồng đú” hầu đồng chỉ nhằm mục đích vung tiền ra “nhảy nhót tung giời” rồi “xin lộc thánh”. Với những người này, trong giới hầu đồng dễ dàng nhận ra và tất nhiên mọi người đều xa lánh. Vì vậy, bản thân “đồng đua”, “đồng đú” làm vài vấn hầu cũng tự bỏ. Nói đến hiện tượng “đồng đua”, “đồng đú” phải kể đến những người “ăn mày cửa thánh” chuyên “xin” lộc rơi lộc vãi. Đội quân này luôn túc trực đông đảo tại các đền thánh, tham gia tất cả các vấn hầu. Thường cứ đến giá hầu ông Hoàng Bảy là họ xúm lại, dâng lên các mâm tiền để xin “ban cho một số” nhằm về đánh bạc, lô đề sẽ trúng. Đội quân này cũng nhiều người trở thành “đồng đua”, “đồng đú” sau những cú “thắng đậm” từ cờ bạc.

Nói chung, những chuyện bên lề “ngôi nhà Mẫu” cho thấy từ sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng đậm bản sắc văn hóa dân gian, hầu đồng đã bị biến tướng thành trò mê tín dị đoan, “buôn thần bán thánh” của nhiều người trong giới hầu đồng nhằm cầu tài cầu lộc bất minh.

Các giá trong một vấn hầu đồng Tứ phủ

Thỉnh Tam tòa Quốc Mẫu

Nhà Trần: Đức ông Trần Triều hiển thánh nhân võ Hưng Đạo Đại Vương; Tứ vị Vương Tử gồm Hưng Vũ Vương, Hưng Hiến Vương, Hưng Nhượng Vương, Hưng Trí Vương; Nhị vị Vương cô gồm Quyên Thanh Công Chúa, Đại Hoàng Công Chúa.

Hội đồng Chúa: Tam vị Chúa Mường (tam tòa Chúa Bói) gồm Chúa Tây Thiên đệ nhất, Chúa Nguyệt Hồ đệ nhị, Chúa Lâm Thao đệ tam.

Ngũ vị tôn Ông: Quan lớn đệ nhất Thượng Thiên, quan lớn đệ nhị Giám Sát, quan lớn đệ tam Thoải Phủ, quan lớn đệ tứ Khâm Sai, quan lớn đệ ngũ Tuần Tranh.

Thập nhị chầu Bà: Chầu đệ nhất, chầu đệ nhị, chầu đệ tam, chầu đệ tứ, chầu ngũ Suối Lân, chầu lục Cung Nương, chầu thất Kim Giao, chầu bát Nàng Tiên La, chầu cửu Tỉnh Sòng Sơn, chầu mười Đồng Mỏ, chầu Bé Bắc Lệ.

Tứ phủ ông Hoàng: Ông Hoàng cả Quận Vân, ông Hoàng đôi Người Mán, ông Hoàng Bơ Thoải Cung, ông Hoàng tư, ông Hoàng năm, ông Hoàng lục Thanh Hà, ông Hoàng bảy Bảo Hà, ông Hoàng bát Quốc (quan Bắc Quốc), ông Hoàng chín Cờn Môn, ông Hoàng mười Nghệ An.

Tứ phủ tiên Cô: Cô cả Thượng Thiên, cô đôi Thượng Ngàn, cô Bơ Bông, cô bơ Tây Hồ, cô tư Ỷ La, cô năm Suối Lân, cô sáu Lục Cung, cô bảy Kim Giao, cô tám Đồi Chè, cô chín Thượng Ngàn… cô đôi Cam Đường.

Tứ phủ thánh Cậu: Cậu Hoàng cả Phủ Dày, cậu Hoàng cả Sòng Sơn, cậu Hoàng đôi, cậu Hoàng Bơ, cậu Hoàng tư, cậu Hoàng năm, cậu Hoàng bé Đồi Ngang, cậu Bé bản Đền.


Thành Công

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.