Chứng khoán sẽ là kênh đầu tư “vàng” trong năm 2013?

11:00 | 22/02/2013

803 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Giới đầu tư đang rất chờ đợi những liều “doping chính sách” như Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ; mở room tín dụng cho chứng khoán của Ngân hàng Nhà nước; quy định kinh doanh vàng miếng;… sẽ phát huy tác dụng. Tuy nhiên, theo ghi nhận trên thị trường thì chỉ mới có thị trường chứng khoán (TTCK) biểu hiện “ngấm thuốc”.

Vàng và đất: Nhà đầu tư khó lòng yên tâm!

Cùng với TTCK thì thị trường vàng và bất động sản (BĐS) chính là những kênh đầu tư “vua”, có khả năng sinh lợi lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế vừa trải qua một năm đầy khó khăn, thị trường vàng biến động thất thường, còn thị trường BĐS thì tiếp tục tình trạng đóng băng, ế ẩm kéo dài.

Trên thị trường BĐS, câu chuyện nợ xấu, thanh khoản kém, lòng tin của người tiêu dùng giảm sút đã được nhắc tới từ lâu và thực tế cũng đã được các chủ đầu tư, các doanh nghiệp nỗ lực giải quyết, xong kết quả lại rất khiêm tốn và nó vẫn sẽ là vấn đề mà thị trường BĐS sẽ phải đối diện trong năm 2013. Thậm chí, trong một nhận định gần đây, Công ty TNHH Knight Frank Việt Nam còn cho rằng: Các loại hình chiết khấu, khuyến mại được thị trường đón nhận khá tích cực và được xem là dấu hiệu tốt để đưa giá BĐS trở về giá trị thực, nhưng việc hàng loạt chung cư ồ ạt chiết khấu cũng làm gia tăng tâm lý chờ đợi của những người có nhu cầu mua nhà để ở.

TTCK đang giành được ưu thế trong cuộc đua hút vốn đầu tư

Cùng chia sẻ những vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội cho rằng: BĐS năm 2013 sẽ khó có đột biến và đây sẽ là năm của tái cấu trúc và thanh lọc thị trường.

Nói như vậy để thấy rằng, BĐS giờ không khác “con bệnh” ốm nặng cần phải được điều trị theo một phác đồ lâu dài và đây chính là rào cản lớn nhất khiến những liều “doping chính sách” phát huy tác dụng.

Riêng với thị trường vàng, mặc dù vẫn được đánh giá là kênh đầu tư ưa thích, có khả năng bảo toàn vốn cao nhất, xong với những diễn biến tăng - giảm thất thường gần đây lại đang khiến nhà đầu tư thấy… sợ! Dự báo “hụt” sau “cơn sốt” vào tháng 7/2011 với mức giá kỷ lục được xác lập lên tới gần 50 triệu đồng/lượng và sau đó là thông tin vàng có thể lên tới 2.000USD/ounce, thậm chí là 2.500USD/ounce chính là bài học nhãn tiền với giới đầu tư. Và tình cảnh tương tự đã, đang diễn ra trên thị trường vàng khi mức chênh lệch giá vàng SJC với giá vàng thế giới đang bị kéo giãn, xác lập ở mức gần 5 triệu đồng/lượng vào ngày 19/2.

Theo ghi nhận trên sàn Kitco sáng ngày 19/2 thì, trong khi giá vàng giao ngay được giao dịch ở mức 1.614,34USD/ounce, tăng gần 2USD/ounce so với phiên giao dịch trước đó thì giá vàng SJC trong nước lại tăng tới 220.000 đồng/lượng, sau khi quy đổi theo tỷ giá được Ngân hàng Vietcombank niêm yết là 20.865 đồng/USD thì mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới là 4,9 triệu đồng/lượng.

Hiện tượng này cho thấy sự bất thường của thị trường vàng Việt Nam bởi theo những thông tin được đăng tải gần đây thì chi phí gia công vàng miếng chỉ khoảng 50.000 ngàn đồng/lượng. Vậy khoản chênh lệch lên tới vài triệu đồng/lượng trên đang rơi vào tay ai chính là điều mà rất nhiều nhà đầu tư đặt ra và đây chính là rào cản khiến dòng tiền đầu tư khó đổ vào thị trường vàng trong năm 2013.

Niềm tin chứng khoán!

Có thể nói, năm 2012 là năm đầy biến cố của cả thị trường vàng, chứng khoán và BĐS. Trong khi thị trường vàng luôn khiến giới đầu tư lo sợ bởi sự biến động thất thường của mình và theo cách lý giải của giới chuyên gia thì đã có dấu hiệu đầu cơ, thao túng trên thị trường. Còn đối với thị trường BĐS, những khó khăn thách thức dường như lại tăng lên gấp bội so với những gì mà thị trường này đã phải đối diện trong năm 2011. Thị trường dù đã ghi nhận được những chuyển biến tích cực từ giới đầu tư trong việc giải quyết bài toán đầu ra cho thị trường với một loạt các giải pháp như giảm giá, tung chiêu khuyến mại khủng, hỗ trợ vốn… nhưng vẫn chưa đủ.

Lòng tin của người tiêu dùng vẫn chỉ dừng ở mức cải thiện rất khiêm tốn. Điều này được thể hiện thông qua một loạt những con số thống kê buồn mà các cơ quan chức năng đã đưa ra vào cuối năm 2012 và đặc biệt là những dự cảm không mấy lạc quan cho khả năng phá băng của thị trường BĐS trong năm 2013.

Với riêng TTCK, mặc dù được đánh giá là không bết bát bằng thị trường vàng, BĐS nhưng cũng đã trải qua một năm đầy “ác mộng”. Nếu như TTCK Việt Nam nửa đầu năm 2012 là xu hướng đi lên của hầu hết các mã chứng khoán thì đến nửa cuối của năm với cột mốc là sự kiện “bầu” Kiên bị bắt lại là hiện tượng sụt điểm liên tiếp. Tuy nhiên, khác hẳn với thị trường vàng, BĐS, TTCK đã kịp bật dậy vào tháng cuối cùng của năm 2012 khi đã biết cách hấp thụ những “liều thuốc doping” chính sách.

Điểm sáng quan trọng nhất của TTCK năm 2012 là việc hai doanh nghiệp lớn niêm yết là Tập đoàn Bảo Việt (BVH) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) tìm được đối tác chiến lược là hai cổ đông Nhật Bản. Sumitomo Life đã đồng ý mua 18% cổ phần của HSBC tại Bảo Việt với giá 340 triệu USD trong khi Tokyo Mitsubishi-UFJ mua 20% cổ phần của CTG với giá 743 triệu USD.

Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước thông báo mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2013 đạt 12-13%, trong đó không hạn chế dòng tiền vào các lĩnh vực không khuyến khích như chứng khoán hay BĐS cũng được coi là liều “doping” cho TTCK trỗi dậy trong năm 2013.

Một điểm sáng khác trên thị trường phải kể tới là dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào TTCK năm 2012 đã tăng mạnh. Cụ thể: Theo thống kê của giới chuyên gia, tại sàn HoSE, khối ngoại đã mua ròng tới 3.350 tỉ đồng. Còn tại sàn Hà Nội, khối ngoại cũng mua ròng hơn 1.200 tỉ đồng. Trong khi đó, con số này của năm 2011 chỉ là 1.153 tỉ đồng trên sàn HoSE.

Trong một nhận định gần đây, Công ty Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) cho rằng: Đợt tăng giá hiện tại sẽ còn kéo dài sau tết Nguyên đán, trong bối cảnh nhà đầu tư trong nước sẽ đẩy mạnh mua vào, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài vẫn sẽ tiếp tục mua. Khả năng giảm lãi suất cộng với một loạt những dấu hiệu lạc quan đến từ nền kinh sẽ là động lực khuyến khích nhà đầu tư.

Thanh Ngọc