Chống lãng phí ngay trong Quốc hội

11:58 | 04/11/2013

832 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), đại biểu (ĐB) Quốc hội đều bức xúc trước thực trạng “sáng cắp ô đi, tối cắp về” của một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức Nhà nước, hay chế độ xe công, lãng phí do phình biên chế.

“Không phải đa số, nhưng có một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức Nhà nước làm việc không hiệu quả hoặc thờ ơ với công việc trong giờ làm việc, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) lên tiếng mạnh mẽ. “Họ vẫn có mặt đúng giờ, không vắng mặt bất cứ cuộc họp nào, nhưng hiệu quả công việc thì cực thấp. Dự thảo Luật phải làm sao đưa vào những điều đánh thẳng vào những bất cập trên, tạo thiết chế mạnh nhằm ngăn chặn tình trạng gây bức xúc cho cử tri và người dân”.

Liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu, ĐB Trần Hồng Thắm (TP Cần Thơ) bổ sung, nếu để tình trạng cán bộ công chức dư thừa thời gian để cà phê, chơi game, làm việc riêng… thì người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm. “Dự thảo Luật cần tập trung nhiều hơn cho công tác quản lý nhân sự, sử dụng tài sản, tài chính công, sử dụng người lao động… làm sao để đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh, điều hành cao”. ĐB chỉ ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng hiệu quả sử dụng lao động và thời gian lao động chưa cao.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum).

“Mặc dù đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” đã được các cấp, các ngành nỗ lực, cố gắng triển khai thực hiện, song công tác cải cách hành chính của không ít cơ quan, đơn vị vẫn còn chậm, kết quả chưa cao, tình trạng chưa chấp hành nghiêm kỷ luật, thời gian làm việc vẫn diễn ra. Cơ chế khoán biên chế và giao quyền tự chủ về tài chính còn nhiều hạn chế bất cập, chưa khuyến khích các đơn vị thực hiện giảm biên chế”.

ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) nhấn mạnh, thực trạng lãng phí xảy ra tràn lan ở khu vực hành chính công. Tuy nhiên tình trạng thấy sai phạm mà không xử lý cũng… tràn lan không kém. Đây chính là trách nhiệm của người đứng đầu.

“Thực trạng lãng phí trên, tất cả chúng ta ai cũng đều cảm nhận và thấy được, nhưng dường như “cuộc chiến” với lãng phí vẫn bế tắc, chưa tìm ra lời giải thỏa đáng. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sao khó thế? Phải chăng đây là “bài toán” khó tìm ra đáp số?” - ĐB Kim Chi băn khoăn.

Liên quan đến vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị, cần bổ sung vai trò của lực lượng này trong việc tham gia phát hiện lãng phí. “Có một sự thật là lâu nay, đa số những vụ án tham nhũng, lãng phí lớn đều do các cơ quan thông tấn, báo chí phanh phui chứ không phải lực lượng chức năng. Chung quan điểm, ĐB Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) khẳng định vai trò của báo chí, truyền thông: vừa là phản ánh, vừa là cung cấp thông tin cho tổ chức, vừa điều tra, tìm hiểu dễ gây hoài nghi về tính công tâm, chính xác của một bộ phận báo chí.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh).

ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) lưu ý ngay Quốc hội cũng cần nêu gương tiết kiệm. Hiện nay, mỗi ngày họp Quốc hội “ngốn” 1 tỉ đồng, mỗi đại biểu khoảng 2 triệu đồng. “Nếu chúng ta ngồi đây và đưa ra những quyết sách đúng đắn, làm lợi nhiều điều cho đất nước và nhân dân thì con số đó không lớn. Tuy nhiên, nhiều ĐB là lãnh đạo địa phương, thường xuyên phải đi-về để giải quyết công việc quan trọng trong ngày hoặc vào mỗi cuối tuần kéo theo tốn phí tàu xe đưa đón, trợ lý, rồi tốn kém thời gian, không toàn tâm toàn ý với nhiệm của một đại biểu dân cử”.

ĐB đề nghị: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu để rút ngắn thời gian của các kỳ họp thì có lẽ Quốc hội sẽ là cơ quan gương mẫu nhất trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…”.

Lê Tùng