Chống cạnh tranh không lành mạnh - Lấp kín kẽ hở luật pháp

10:00 | 02/08/2019

904 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cạnh tranh lành mạnh giúp doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực quản lý, chất lượng sản phẩm, uy tín, sự chuyên nghiệp… Còn nếu cạnh tranh không lành mạnh, cả DN “tung đòn” và DN “dính đòn” sẽ “lưỡng bại câu thương” - cả hai cùng thua thiệt. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Hải - Phó trưởng phòng Cạnh tranh DN, Cục An ninh, Bộ Công an - về nhiều vấn đề xung quanh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường Việt Nam.

PV: Thưa ông, thế nào gọi là cạnh tranh không lành mạnh?

chong canh tranh khong lanh manh lap kin ke ho luat phap

Ông Nguyễn Hồng Hải: Trước hết, tôi muốn nói đến khái niệm thế nào là cạnh tranh lành mạnh để trên cơ sở đó, chúng ta đề cập tiếp đến cạnh tranh không lành mạnh để có thể thấy được sự khác biệt giữa hai hành vi đối lập nhau.

Cạnh tranh lành mạnh là sự ganh đua giữa các chủ thể kinh tế để nắm lấy vị thế trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm thu lợi ích nhiều nhất cho mình. Cạnh tranh buộc các DN phải tối ưu hóa các yếu tố đầu vào của sản xuất kinh doanh, không ngừng sáng tạo, tìm tòi đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nắm bắt thông tin thị trường kịp thời… Cạnh tranh quy định vị thế của DN trên thương trường.

Còn cạnh tranh không lành mạnh là vì lợi ích riêng, cục bộ, không chính đáng, DN bất chấp, sử dụng mọi thủ đoạn, mọi hình thức kinh doanh không hợp lý, hợp pháp để đạt được ý muốn.

Theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2004 và Luật Cạnh tranh 2018 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2019), cạnh tranh không lành mạnh bao gồm 6 nhóm hành vi: Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó; ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của DN khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với DN đó; cung cấp thông tin không trung thực về DN khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực để gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của họ; gây rối hoạt động kinh doanh của DN khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của của DN này; lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức: so sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của DN khác; bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành để loại bỏ DN khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.

Luật Cạnh tranh 2018 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, quy định điều chỉnh cả hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam, dù diễn ra ở trong hay ngoài lãnh thổ; điều chỉnh mức phạt tiền tối đa đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh lên tới 2 tỉ đồng.

Tóm lại, cạnh tranh không lành mạnh là sự ganh đua giữa các nhà kinh doanh hoạt động trong cùng lĩnh vực, ngành nghề, trong đó, nhà kinh doanh để giành giật thị phần đã thực hiện hành vi trái với quy định của pháp luật, ngược với truyền thống và tập quán kinh doanh lành mạnh.

PV: Theo khái niệm đó thì hiện nay ở thị trường Việt Nam, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh diễn ra như thế nào? Ông có thể nêu vài ví dụ điển hình về cạnh tranh không lành mạnh?

Ông Nguyễn Hồng Hải: Hiện nay, DN Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh mẽ về số lượng, đã tới con số hơn 700 nghìn. Để có sự phát triển như vậy, theo tôi, đã có sự cạnh tranh rất khốc liệt giữa các DN, trong đó, tồn tại cả cạnh tranh không lành mạnh ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế…

Điển hình như vụ Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) công bố hàm lượng arsen trong nước mắm, hay còn gọi là “nước mắm arsen”, một cách mập mờ do không nói rõ arsen hữu cơ và vô cơ. Báo cáo của VINASTAS đã công bố như thế này: “Các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỷ lệ có hàm lượng arsen hữu cơ vượt ngưỡng càng tăng, cụ thể 95,65% số mẫu có độ đạm từ 40% đều có hàm lượng arsen vượt ngưỡng”. Điều này cho thấy có sự cấu kết giữa DN làm ăn bất chính với một bộ phận truyền thông làm “sân sau” và một số cán bộ quản lý Nhà nước biến chất, mọi sự được dàn dựng tinh vi, bài bản, làm méo mó thị trường.

chong canh tranh khong lanh manh lap kin ke ho luat phap

Sản xuất nước mắm truyền thống lao đao sau công bố “nước mắm arsen” của VINASTAS mà thực tế là sự cạnh tranh không lành mạnh

Vụ thứ hai là bia Huda của Huế bị tung tin đồn bán cho Trung Quốc với động cơ hạ thấp uy tín thương hiệu bia Huế, phá hoại môi trường kinh doanh lành mạnh. Hậu quả là sau khi tin đồn tung ra, sản lượng bia Huda tiêu thụ trên thị trường giảm nghiêm trọng. Cũng may hậu quả này diễn ra không dài do người dân nhận ra đó là tin đồn thất thiệt nên đã quay trở lại uống bia Huda.

Tính đến hết năm 2018, theo Luật Cạnh tranh 2004, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã tiếp nhận hơn 360 khiếu nại, tiến hành điều tra hơn 200 vụ và ra quyết định xử phạt khoảng 190 vụ.

Vụ thứ ba là Tập đoàn CJ của Hàn Quốc thực hiện tập trung kinh tế để thâu tóm ngành điện ảnh Việt Nam. CJ thông qua các công ty con đã nắm giữ 40% rạp chiếu phim và hơn 60% thị phần phát hành phim. Việc DN nước ngoài thực hiện các hoạt động tập trung kinh tế này mà không tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về việc phải thông báo đến cơ quan quản lý, là minh chứng về âm mưu thôn tính thị trường. Trước đó, nhiều lần Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam đã tố CGV - thương hiệu do Tập đoàn CJ Hàn Quốc sở hữu - có dấu hiệu lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường để chèn ép các DN Việt.

Cụ thể, đối với phim Việt Nam do CGV phát hành tại các rạp không nằm trong hệ thống của CGV, CGV đòi tỷ lệ phân chia doanh thu cao cho CGV. Trong khi đó, đối với phim Việt Nam do DN khác phát hành tại rạp của CGV, CGV lại yêu cầu tỷ lệ phân chia doanh thu thấp cho nhà phát hành. Theo Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam, DN Việt Nam đã bị bóp nghẹt lợi nhuận và dần không còn đủ sức đầu tư, cạnh tranh trên thị trường. Hiện CGV đang chiếm 40% số phòng chiếu phim tại Việt Nam. Còn lại do khoảng 10 DN Việt Nam nắm giữ.

PV: Thưa ông, pháp luật đã quy định rất rõ ràng về khái niệm, hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Vậy tại sao những vụ cạnh tranh không lành mạnh vẫn diễn ra ngày càng nhiều?

Ông Nguyễn Hồng Hải: Mặc dù pháp luật đã quy định rõ ràng về hành vi, khái niệm cạnh tranh không lành mạnh, nhưng hệ thống pháp luật vẫn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, tính khả thi thấp và chậm đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, cơ chế xây dựng, sửa đổi luật còn bất hợp lý và chưa được coi trọng đổi mới, nhất là hoàn thiện các quy định về kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Đây chính là kẽ hở để các DN trong nước lợi dụng, “tung đòn” cạnh tranh không lành mạnh nhằm giành giật thị phần, loại bỏ đối thủ. Các DN nước ngoài cũng lợi dụng để chèn ép, loại bỏ DN bản địa. Ngoài ra, chưa kể đến đạo đức kinh doanh và ý thức tuân thủ pháp luật của nhiều DN chưa cao, kinh doanh quá mạo hiểm, nhiều rủi ro. Trong khi đó, mức xử phạt đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh còn quá thấp. Các hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh chưa được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết một cách nhanh chóng và triệt để nhằm răn đe, phòng ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

chong canh tranh khong lanh manh lap kin ke ho luat phap

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, cạnh tranh không lành mạnh diễn ra ngày càng nhiều một phần là do các DN chưa thấu hiểu pháp luật. Ý kiến của ông như thế nào?

Ông Nguyễn Hồng Hải: Đúng vậy. Chất lượng nguồn nhân lực của các DN về chuyên môn, pháp luật… còn yếu. Cụ thể, khi thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, các DN không tính đến hậu quả xảy ra không những với DN đối thủ, khách hàng, cả thị trường, mà ngay cả với bản thân họ. Chắc chúng ta không thể không biết đến DN đứng đằng sau vụ nước mắm arsen đã chịu hậu quả như thế nào. Uy tín và thương hiệu của họ bị giảm sút nghiêm trọng, thậm chí người tiêu dùng còn đòi tẩy chay sản phẩm của DN này. Thực sự, những DN “tung đòn” cạnh tranh không lành mạnh chẳng khác nào “cầm dao tự đâm mình”.

Tuy Việt Nam có nền kinh tế thị trường nhưng cơ chế xin - cho vẫn còn rất nặng nề. Chính điều này cùng với lợi ích nhóm, hành vi tham nhũng… là tiền đề cho các DN thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm Luật Cạnh tranh vì đã có “bảo kê”, “chống lưng”.

Bên cạnh nguyên nhân nói trên, một nguyên nhân khác, đó là sự hiểu biết pháp luật về cạnh tranh còn hạn chế. Đầu năm 2019, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) tiến hành khảo sát các DN về mức độ hiểu biết Luật Cạnh tranh, kết quả có trên 70% DN Việt Nam không biết nội dung của luật này. Nhiều DN chỉ biết kinh doanh thì cần khuyến mãi chứ không biết rõ bản chất của hoạt động khuyến mãi là gì, những hoạt động khuyến mãi nào bị cấm, không nhận biết được chiêu khuyến mại của đối thủ thực chất là hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh... Chính vì thế, DN không thể tự bảo vệ mình, bảo vệ quyền lợi của mình.

Một điểm nữa không thể không nhắc đến: Cơ sở cho hành vi cạnh tranh không lành mạnh là tuy Việt Nam có nền kinh tế thị trường nhưng cơ chế xin - cho vẫn còn rất nặng nề. Chính điều này cùng với lợi ích nhóm, hành vi tham nhũng… là tiền đề cho các DN thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm Luật Cạnh tranh vì đã có “bảo kê”, “chống lưng”.

PV: Để giải quyết vấn nạn đó, cũng chính là giảm thiểu tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, theo ông, cần phải làm những gì?

Ông Nguyễn Hồng Hải: Giải quyết tình trạng cạnh tranh không lành mạnh không thể làm được trong ngày một ngày hai. Bởi với nhiều nguyên nhân như tôi đã đề cập ở trên, từ kẽ hở trong pháp luật đến ý thức, sự hiểu biết của DN Việt Nam, cộng đồng xã hội về cạnh tranh.

Trước hết, chúng ta phải tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết của DN về Luật Cạnh tranh. Nhưng để bảo vệ mình, chính DN cũng phải chủ động tìm hiểu, học hỏi về pháp luật cạnh tranh. Bên cạnh đó, các hình thức xử lý những hành vi cạnh tranh không lành mạnh phải điều chỉnh, bổ sung để đủ sức răn đe và phòng ngừa, xử lý nghiêm…

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Ông Kajiwara Junichi - Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam: Quảng cáo “dìm” sản phẩm của đối thủ

Tại Hội thảo về an toàn thực phẩm do Bộ Công Thương tổ chức diễn ra mới đây, trong bài phát biểu về những vấn đề còn tồn tại trong ngành sản xuất mì ăn liền, ông Kajiwara Junichi - Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam - cho biết: Quảng cáo mì ăn liền hiện nay ở Việt Nam đang có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh.

Ông Kajiwara Junichi dẫn chứng, có DN quảng cáo với ngôn từ lập lờ, ám chỉ như: “Sản phẩm mì ăn liền của công ty chúng tôi được chiên bằng dầu mới”. Điều này sẽ làm người tiêu dùng nghĩ rằng sẽ có mì ăn liền được chiên bằng dầu cũ.

Ông Kajiwara Junichi cho hay, trong sản xuất mì ăn liền có công đoạn sấy khô để bảo quản sợi mì được dài ngày bằng hai phương pháp: Chiên sợi mì bằng dầu chiên và sấy khô bằng gió nóng. Với công nghệ chiên bằng dầu hiện nay, dầu mới luôn tự động cấp vào hệ thống sản xuất và định lượng sử dụng hết cho một quá trình nên không có sử dụng dầu cũ. Đây là công nghệ rất phổ biến và là kiến thức phổ thông của các nhà sản xuất mì ăn liền, ai trong nghề cũng biết. Chính vì vậy, cách quảng cáo rằng mì ăn liền của DN nọ được chiên bằng dầu mới, an toàn sẽ khiến khách hàng hoang mang, hiểu rằng loại mì của công ty khác được chiên bằng dầu đã qua sử dụng, không an toàn.

Ông Kajiwara Junichi nói: “Hành vi cố tình làm người tiêu dùng hiểu lầm thông qua quảng cáo phóng đại, không đúng thực tế là hành vi lừa dối”. Ông cũng nói thêm: “Càng ngày càng nhiều những thông tin sai lệch, vô căn cứ và gây bất an cho người tiêu dùng kiểu như vậy. Đó là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh”.

Hậu quả của việc quảng cáo có mục đích “dìm” sản phẩm của công ty đối thủ trên đây, theo ông Kajiwara Junichi, sẽ gây ra hậu quả rất lớn không chỉ cho DN làm ăn chân chính mà còn cho cả một ngành công nghiệp có nguy cơ suy thoái, sau đó là tổn thất lợi ích kinh tế quốc gia. Bởi không ai muốn mở rộng đầu tư trong môi trường mà cạnh trạnh không lành mạnh không được phân minh và xử lý dứt điểm.

Theo ông Kajiwara Junichi, để giải quyết vấn đề trên cần sự hợp lực của nhiều cơ quan quản lý Nhà nước, các hiệp hội, tổ chức, trong đó đặc biệt là sự phối hợp của Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ… Phải có các quy định, quy chế bảo vệ người tiêu dùng một cách rõ ràng, các quy định chặt chẽ về quảng cáo để bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Nguyễn Hưng