Chiến tranh thương mại leo thang: Doanh nghiệp Việt nên lo hơn mừng!

14:50 | 08/09/2019

726 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đó là cảnh báo của nhiều chuyên gia đưa ra trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang căng thẳng trong thời gian gần đây và chưa cho thấy các dấu hiệu nhượng bộ của các bên.    
chien tranh thuong mai leo thang doanh nghiep viet nen lo hon mung3 động lực chính thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu ở nước ta
chien tranh thuong mai leo thang doanh nghiep viet nen lo hon mungHai quan điểm đối lập ở Trung Quốc về chiến tranh thương mại
chien tranh thuong mai leo thang doanh nghiep viet nen lo hon mungTrung Quốc tin có thể "đi đường riêng" trong thương chiến với Mỹ

Ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại Việt Nam cho rằng, bên cạnh một số thuận lợi như nhiều hàng hóa của Việt Nam sẽ thay thế hàng Trung Quốc tại thị trường Mỹ, tạo điều kiện cho nước ta tăng xuất khẩu vào Mỹ hay các dòng vốn đầu tư rút khỏi Trung Quốc sẽ tìm đến Việt Nam như một điểm đến tiềm năng thì những tác động tiêu cực rất đáng lo ngại.

Trong đó, Trung Quốc sẽ tìm các thị trường tiêu thụ thay cho thị trừơng Mỹ. Việt Nam là thị trường thuận lợi nhất. Điều quan ngại hơn là đồng Nhân dân tệ giảm giá làm hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn và Việt Nam sẽ là thị trường xuất khẩu các mặt hàng và công nghệ không cao đang dư thừa ở Trung Quốc, gây khó khăn cho sản xuất trong nước, làm tăng nhập siêu từ Trung Quốc. Điều này sẽ gây sức ép lên tỉ giá VND/USD. Nếu xử lý không tốt sẽ làm lạm phát tăng, làm giảm giá trị đồng nội tệ, đe dọa ổn định vĩ mô.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Trung Quốc có thể “thông đồng” với một số doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam rồi tìm cách xuất sang Mỹ (kể cả lợi dụng cơ chế tạm nhập tái xuất hoặc có thể gia công thêm một vài công đoạn đơn giản, không bảo đảm tiêu chuẩn quy tắc xuất xứ). Đây là điều rất nguy hiểm, có thể tạo cớ cho Mỹ đánh thuế bổ sung đối với hàng hóa của Việt Nam (như vụ thép và nhôm).

chien tranh thuong mai leo thang doanh nghiep viet nen lo hon mung
Trong những tháng đầu năm doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào ngành chế biến gỗ nước ta tăng cao (ảnh minh họa)

TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cũng cho rằng, khi thương chiến kéo dài, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn là thuận lợi. Cụ thể, trong nhiều nhóm hàng mà hàng Việt Nam có ưu thế (như quần áo, đồ gỗ), doanh nghiệp FDI đang lấn sân và giành nhiều đơn hàng xuất khẩu trong vòng một năm qua.

Đơn cử như ngành hàng đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có nhiều điều kiện thông thoáng, Trung Quốc nắm bắt điều này đã đổ vốn vào ngành gỗ của Việt Nam. Đối với ngành gỗ - một trong những ngành được dự báo từ sớm là hưởng lợi nhờ thương chiến - trong sáu tháng đầu năm 2019, trong tổng số 44 dự án FDI đăng ký đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam, doanh nghiệp Trung Quốc áp đảo với tỷ trọng xấp xỉ 66% (29 dự án), chủ yếu là các dự án sản xuất gỗ dăm, gỗ dán.

Số liệu cũng ghi nhận trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và lâm sản sang thị trường Mỹ của Việt Nam đã đạt 3,1 tỉ USD, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, có thể thấy các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã tìm cách đầu tư qua Việt Nam để tranh thủ tránh thuế.

Theo TS. Phạm Sỹ Thành, thương chiến còn có một tác động tiêu cực mà ít người chú ý đó là nó làm suy giảm hiệu ứng hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam. Lợi thế về thuế suất ưu đãi khi ký FTA (mà việc ký kết đánh đổi bằng nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài) chỉ phát huy khi doanh nghiệp có chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) hợp lệ. Nhưng việc hàng hóa Trung Quốc gian lận xuất xứ là hàng Việt Nam đã khiến các “bên quản lý thị trường của Mỹ” xem nhẹ giá trị của các C/O và cảnh giác hơn với hàng Việt Nam. Nếu không có biện pháp xử lý tốt, các thị trường khác như châu Âu hoặc Nhật Bản cũng sẽ có cách tiếp cận khác với hàng xuất khẩu Việt Nam.

Đặc biệt, chiến thuật thúc đẩy xuất khẩu đồng thời giảm hoặc ngừng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ gây khó khăn cho nhiều quốc gia đang xuất khẩu hàng hóa và tìm cách mở rộng thị trường sang Trung Quốc. Tác động này đối với doanh nghiệp Việt đã thấy rõ khi trong những tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hàng điện tử, điện thoại di động và linh kiện của Việt Nam... sang Trung Quốc đã giảm mạnh hơn 50%, nhiều hàng hóa của nước ta lâm vào cảnh khốn đốn, rớt giá mạnh khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu.

M.P