Chiến lược năng lượng hạt nhân và tham vọng của Bắc Kinh

18:30 | 22/02/2013

1,809 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Khủng hoảng hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản đã làm ngưng trệ chương trình phát triển năng lượng hạt nhân của Trung Quốc trong một thời gian không ngắn. Tuy nhiên, nhu cầu năng lượng cao để vận hành một nền kinh tế lớn với đầy tham vọng đã khiến cường quốc châu Á không thể không đầu tư vào một chiến lược phát triển năng lượng hạt nhân an toàn, hiệu quả. Hiện số lò phản ứng hạt nhân hiện đang được xây dựng sẽ đủ để Trung Quốc trở thành cường quốc năng lượng hạt nhân lớn thứ ba thế giới trong vòng 5 năm tới.

Mục tiêu lớn…

Hiện nay, than đá vẫn chiếm hơn 70% nguồn cung năng lượng của Trung Quốc nhưng đó là nguồn gây ô nhiễm cao và sản lượng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới dù trên thực tế, họ đồng thời là nước sản xuất năng lượng nhiều nhất thế giới. Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển và gã khổng lồ châu Á vẫn phải đối mặt với vấn đề thiếu năng lượng trầm trọng nếu “ăn bữa nay không lo bữa mai”.

Giáo sư Xu Yuming, Phó tổng thư ký Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc cho biết: “Nếu không phát triển năng lượng hạt nhân, thứ nhất Trung Quốc không thể đáp ứng nhu cầu năng lượng phục vụ sự phát triển trong tương lai. Thứ hai, mặc dù có thể sản xuất được nguồn năng lượng cần thiết từ than đá nhưng sẽ vấp phải vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ nguồn này”. Tỉ lệ CO2 phát thải do đốt than đá cao nhất trong các loại năng lượng và lượng khí thải này ảnh hưởng lớn tới khí hậu. Nếu phát triển năng lượng hạt nhân, Trung Quốc có thể giảm sử dụng than và đây được coi như là một phần biện pháp chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tuy là nước đi sau trong lĩnh vực điện hạt nhân nhưng Trung Quốc đã có những bước tiến nhảy vọt

Tuy nhiên, sau sự cố Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima-1 tại Nhật, Chính phủ Trung Quốc đã tạm dừng lại việc nghiên cứu và triển khai những lò phản ứng hạt nhân mới, đồng thời kiểm tra lại các quy tắc an toàn cũ, soạn thảo và chuẩn bị ban hành các quy tắc mới. Bên cạnh đó, việc khai thác, phát triển các nguồn năng lượng khác như than đá, dầu mỏ, khí đốt, năng lượng gió, mặt trời và thủy điện, mặc dù đều đã được phát triển trên quy mô lớn vẫn được tiếp tục khuyến khích đầu tư, mở rộng.

Những tưởng, dù có không từ bỏ theo đuổi chương trình phát triển điện hạt nhân thì những bước đi của Trung Quốc cũng phải từ từ, chậm rãi. Nhưng kể từ khi cho phép tiếp tục khởi động lại chương trình điện hạt nhân tháng 10/2012, Trung Quốc đã liên tục có những động thái cho thấy Bắc Kinh đang cực kỳ sốt sắng, muốn phát triển đột phá và thậm chí còn hướng tới mục đích xuất khẩu năng lượng hạt nhân.

Đầu tiên là quyết định tái khởi động việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử thế hệ thứ 4 ở cạnh vịnh Thạch Đạo, thuộc thành phố Vinh Thành, tỉnh Sơn Đông. Đây chính là dự án điện nguyên tử lớn nhất của Trung Quốc từ trước đến nay, được tự hào là “dự án kỹ thuật nguyên tử thế hệ thứ tư được thương mại hóa thành công nhất thế giới”, do chính các chuyên gia Trung Quốc nghiên cứu thiết kế và xây dựng.

Đặc điểm nổi bật của lò phản ứng nơtron nhanh, hay lò thế hệ thứ 4 này là hệ làm mát sử dụng khí ở nhiệt độ cao. Nhờ đó, loại lò này có tính an toàn thụ động, tức có thể tự động đóng sập lò tức thời trong trường hợp khẩn cấp nhằm bảo đảm an toàn để không gây ra tan chảy lõi lò và không làm rò rỉ chất phóng xạ ra ngoài như trường hợp xảy ra ở các nhà máy điện hạt nhân ở Chernobyl hay Fukushima. Với vốn đầu tư ban đầu là 3 tỉ nhân dân tệ (480 triệu USD), Nhà máy Điện nguyên tử vịnh Thạch Đạo dự kiến sẽ cung cấp lượng điện bổ sung cho mạng điện toàn quốc từ năm 2017 với công suất tối đa là 6.600MW.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tuyên bố sẵn sàng xuất khẩu một lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 3 “made in China”, mang tên CAP1400, mà trong tương lai gần có thể cạnh tranh với lò phản ứng AP1000 của Mỹ và EPR của Pháp. Theo Tổng giám đốc Công ty Công nghệ Năng lượng hạt nhân Nhà nước Trung Quốc, việc thăm dò thị trường thế giới cho lò phản ứng hạt nhân CAP1400 sẽ được khởi động trong năm 2013, cùng với Westinghouse (công ty Mỹ chế tạo lò phản ứng AP1000). Ngoài ra, hiện Trung Quốc và Argentina đã ký 2 thỏa thuận trong lĩnh vực hạt nhân, mở ra cơ hội cho Trung Quốc tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Argentina cũng như hai nước hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho các quốc gia khác.

Hiện đất nước đông dân nhất thế giới đang vận hành 15 lò phản ứng hạt nhân với tổng công suất 12,5GW ở 3 địa điểm cách biệt. Ngoài ra, 26 lò nữa đang được xây dựng tại các vùng duyên hải dự kiến sẽ bổ sung thêm 30GW vào lưới điện quốc gia. Như vậy, tính sơ sơ, trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ có 41 lò phản ứng hạt nhân, đưa nước này trở thành nước sản xuất năng lượng hạt nhân lớn thứ 3 thế giới trong 3 năm tới. Theo Hiệp hội Năng lượng nguyên tử thế giới, việc xây dựng bổ sung lò phản ứng hạt nhân của Trung Quốc đã được lên kế hoạch, trong đó có những lò sẽ áp dụng công nghệ tiên tiến nhất thế giới, giúp gia tăng công suất điện hạt nhân của nước này lên gấp 5-6 lần. Mục tiêu là đạt 60GW vào năm 2020, tiến tới là 200GW vào năm 2030 và 400GW vào năm 2050.

…Lo ngại cũng không nhỏ

Không ít chuyên gia tỏ vẻ hoài nghi về khả năng của Tổng Công ty Công nghệ Năng lượng Hạt nhân Nhà nước của Trung Quốc khi họ mạnh miệng tuyên bố đã sẵn sàng xuất khẩu lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 3 “made in China”, mang tên CAP1400, trong khi việc xây dựng lò phản ứng loại này mới chỉ được bắt đầu từ năm 2013 tại tỉnh Sơn Đông và dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2017. Mặc dù Bắc Kinh quảng cáo là lò phản ứng thế hệ mới này an toàn hơn và bền hơn các lò phản ứng hiện nay nhưng trên thực tế hiện giờ chưa có lò phản ứng thế hệ thứ ba nào được đưa vào hoạt động trên thế giới.

Bên cạnh đó, ngay cả khi chính phủ tuyên bố các nhà máy mới đều sử dụng các lò phản ứng chỉ thuộc thế hệ thứ 3 trở lên và chỉ được phép xây dọc bờ biển, đi kèm theo những yêu cầu an toàn nghiêm ngặt thì người dân cũng không khỏi lo ngại về một trận động đất tương tự như ở Fukushima hay đặt dấu hỏi về việc xử lý rác thải hạt nhân. Hơn nữa, chính trong bản báo cáo vào tháng 10/2012, Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc nhận định tình hình an toàn của các nhà máy điện nguyên tử nước này là “không lạc quan” và việc sử dụng nhiều loại lò phản ứng khác nhau tại các nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc khiến cho lĩnh vực này trở nên “khó quản lý”.

Theo Giáo sư Yuming, thách thức lớn nhất là tái tạo niềm tin cho công chúng về mức độ an toàn của các lò phản ứng hạt nhân. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp hạt nhân Trung Quốc cũng cần làm tăng độ an toàn và tin cậy của công nghệ này.

Linh Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc