Cảnh sát Interpol Việt Nam khẳng định vị thế trên trường quốc tế

14:41 | 05/10/2011

2,471 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo hồ sơ vụ án của cảnh sát Interpol Việt Nam, thời gian gần đây, hoạt động tội phạm người nước ngoài vào Việt Nam có xu hướng biến đổi nhiều về phương thức hành động và phương thức phạm tội. Những cuộc truy bắt tội phạm người nước ngoài cũng vì thế mà gặp những khó khăn nhất định.

Gian nan với những tên trùm ma túy

Vượt qua những khó khăn, trở ngại trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm người nước ngoài, lực lượng Cảnh sát Interpol Việt Nam luôn nỗ lực hết mình trong công tác bảo vệ ANTT và an ninh quốc gia. Các chiến sĩ trong đội luôn là những chiến sĩ đi đầu trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm.

Theo tài liệu của Cảnh sát Interpol Việt Nam, từ năm 1996 đến nay, tội phạm ma túy trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu. Cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy trong nước và xuyên quốc gia luôn được chú trọng.

Thiếu tướng Vũ Hồng Vương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm khẳng định những chiến công của Cảnh sát Interpol Việt Nam là vô cùng quan trọng.

Không để tội phạm ma túy coi Việt Nam là nơi dừng chân sau những cuộc chạy trốn, Văn phòng Interpol Việt Nam phối hợp chặt chẽ với tổ chức Interpol quốc tế để hoàn thành những nhiệm vụ hết sức khó khăn, gian khổ. Những ông trùm ma túy nổi tiếng khắp các châu lục luôn tìm cách ẩn náu, biến hình. Bọn chúng trà trộn vào khắp các khu vực khác nhau trong đó có Việt Nam.

Điển hình, ngày 25/4/1996, Hải quan Nội Bài khi làm thủ tục cho hành khách xuất cảnh đi Hong Kong đã phát hiện hai mẹ con là Trần Thị Cam (85 tuổi) và Nguyễn Thị Hiệp (55 tuổi) quốc tịch Canada thực hiện hành vi vận chuyển trái phép 5,45kg heroin được cất giấu trong tranh sơn mài.

Văn phòng Interpol Việt Nam đã phối hợp thu thập, trao đổi thông tin giữa cơ quan An ninh điều tra, Công an Hà Nội và Cảnh sát quốc gia Canada. Căn cứ lời khai của đối tượng Hiệp, Cảnh sát Canada đã mở rộng điều tra, phát hiện bắt giữ các đối tượng Phú Văn Hoa, Trần Thị Phả khi đang thực hiện hành vi phạm tội và các đối tượng có liên quan Chu Dong, Trần Văn Coi. Riêng đối tượng Hiệp bị kết án tử hình và đã thi hành án.

2 năm sau, năm 1998, Văn phòng Interpol Việt Nam cùng với Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm và Cảnh sát Australia tiến hành theo dõi, giám sát, xác minh lai lịch, nhân thân và mối quan hệ của đối tượng Võ Quang Vinh (Việt kiều Australia) là đối tượng cầm đầu tổ chức người Việt buôn bán heroin của vùng Sedney – Australia. Qua thông tin trao đổi của văn phòng Interpol ViệtNam. Ngày 17/8/1998 Cảnh sát Việt Nam đã bắt giữ Võ Quang Vinh cùng 21 đối tượng khác trong đó có vợ của Vinh là Nguyễn Thị Vân.

10 năm sau, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ công an phối hợp với Công an, Hải quan Quảng Ninh, Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan và Cục cảnh sát biển, kiểm tra lô hàng gồm 2 container hàng số GLDU 7376200 và WHLU 5086522 tại kho của Công ty TNHH Vũ Hải (Quảng Ninh) bắt giữ 5 đối tượng mang quốc tịch Trung Quốc. Thu giữ gần 8 tấn nhựa cần sa…

Đây được xem là vụ án ma túy với số lượng lớn gây chấn động trong suốt thời dài. Qua đó cũng thấy được bản lĩnh của các chiến sĩ Cảnh sát Việt Nam trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia.

Hợp tác song phương với Interpol quốc tế

Theo tài liệu của lãnh đạo Văn phòng Interpol cung cấp cho báo chí mới đây, Văn phòng Interpol Việt Nam đã phát lệnh truy nã đối tượng Lê Quốc Thụy, nguyên là Phó Chủ nhiệm kỹ thuật Quân chủng Phòng không, phạm các tội lạm dụng chức vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã bỏ trốn sang Bulgaria và bị truy nã từ mấy năm nay.

Trước đó, Thụy đã hành vi lừa đảo, chiếm đọat tài sản của nhiều đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam. Tháng 10/1996 Thụy đã trốn sang Nga. Đến năm 2004, Bộ Quốc phòng quyết định khởi tố và ra quyết định truy nã Thụy.

Nguyên Tổng Bí Thư Đỗ Mười và Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh đã đề nghị Bộ Quốc phòng phải truy bắt đối tượng Lê Quốc Thụy.

Tháng 8/2004, theo yêu cầu của Văn Phòng Interpol Việt Nam, Ban tổng thư ký Interpol ra lệnh truy nã quốc tế số A-1230/8-2004 đối với Thụy đồng thời đề nghị cảnh sát nước Nga, Bulgaria, Belarus… truy bắt đối tượng.

Ngày 12/4/2005 Cảnh sát Bulgaria đã bắt Thụy tại Sophia. Một năm sau, đoàn công tác gồm Cán bộ Văn phòng Interpol và Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã sang Bulgaria để dẫn độ đối tượng về Việt Nam xét xử.

Không chỉ dừng lại ở những chiến công trong việc truy bắt những đối tượng tầm nã trong lĩnh vực buôn bán, vận chuyển ma túy, Cảnh sát Interpol Việt Nam còn được mệnh danh là những “sát thủ” trong cuộc chiến truy bắt những tội phạm chuyên mua bán gái mại dâm, giết người…

Theo đó, chỉ từ những lá thư nặc danh tố cáo đường dây mua bán phụ nữ Việt Nam sang Nga làm gái mại dâm, cùng với việc lãnh đạo văn phòng Interpol nhận được những tin nhắn cầu cứu qua điện thoại di động từ các số máy ở Nga của 3 phụ nữ bị bán sang Nga làm gái mại dâm, Cảnh sát Interpol đã vào cuộc điều tra, triệt phá chuyên án “Thuấn tóc dài”.

Bằng các nghiệp vụ đấu tranh, điều tra và sự phối hợp chặt chẽ với tổ chức Cảnh sát Nga, Cảnh sát Interpol Việt Nam đã nhanh chóng nhập cung cấp tài liệu giúp Cảnh sát Nga giải cứu 3 cô gái Việt Nam đang làm gái mại dâm ở khu Rưbak – Matxcơva sau đó đưa về nước.

Qua lời khai của các nạn nhân và chứng cứ thu thập tài liệu của Cảnh sát Nga, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố và bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Thuấn là đối tượng chính trong đường dây này.

Cũng trong năm 2005, Văn phòng Interpol Việt Nam đã phối hợp với Công an Hà Nội điều tra vụ án 043B đối với đường dây đưa 50 phụ nữ Vịêt Nam đi Ma Cao, Hong Kong với thủ đọan dụ dỗ phụ nữ tìm việc làm (bán quần áo, thợ may với mức lương 5 triệu/tháng). Sau đó bọn chúng đã bán các nạn nhân này ép làm gái mại dâm tại các ổ chứa. Đường dây này đã được triệt phá, giải cứu các nạn nhân về nước an toàn.

Để cuộc chiến phòng chống tội phạm xuyên quốc gia đạt đựợc những thành tựu mới, trong thời gian tới Cảnh sát Interpol Vịêt Nam tiếp tục tập trung tuyển chọn, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, hiểu biết sâu về pháp luật của Việt Nam và quốc tế, có trình độ ngoại ngữ và giàu kinh nghiệm hợp tác quốc tế đấu tranh chống tội phạm, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Cảnh sát Việt Nam trên trường quốc tế.

Thiên Minh