Cánh diều vàng… "đứt dây"!

09:52 | 18/03/2014

1,477 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thiếu dòng phim chính luận, thiếu kịch bản hay, phim Việt thiếu chất Việt… và nhất là thiếu cả nhiệt huyết nên cứ mỗi năm “cất cánh” Cánh diều vàng đều… chấp chới vì thiếu thốn và chắp vá.

>> "Thần tượng" thắng lớn tại Cánh Diều Vàng 2013

>> Dàn sao rạng rỡ dự Cánh Diều Vàng 2013

Thảm họa cánh diều

Trở thành thông lệ khi mỗi tháng 3 của năm lại có lễ trao giải Cánh diều của Hội điện ảnh Việt Nam. Năm nay, tham dự giải cánh Diều 2013 có 13 phim truyện điện ảnh, 15 phim truyện truyền hình, 14 phim hoạt hình, 50 phim tài liệu, 12 phim khoa học, 45 phim ngắn và 4 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh. Dòng phim nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận nhất vẫn là dòng phim điện ảnh. Tuy nhiên, trong số 12/13 phim điện ảnh tham dự giải cánh diều vàng năm nay đều là phim của hãng tư nhân, duy nhất chỉ có một phim do nhà nước sản xuất là “Những người viết huyền thoại”. Sự lấn lướt một cách áp đảo này khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Lễ trao giải Cánh diều 2013

Trước thềm lễ trao giải, những khái niệm “thảm họa”, “siêu thảm họa” dành cho dòng phim giải trí đã được gắn cho nhiều cái tên trong danh mục đề cử như: “Gác kiếm, Săn đàn ông, Tiền chùa, Tía ơi” Về chất lượng phim phải nói rằng, thêm một năm vẫn chưa có tiến bộ nào cho nền điện ảnh Việt. Điều này thể hiện ngay trong phần công bố nhiều hạng mục giải thưởng cánh diều vẫn bỏ trống, không tìm được cánh diều Vàng cho phim ngắn và phim tài liệu truyền hình là một ví dụ. Điều đó cho thấy phim Việt vốn đã chậm phát triển hơn so với các nước bạn còn phát triển không đồng đều.

Phim được chú ý đầu tư như điện ảnh và truyền hình thì nội dung lại không có gì  mới, thậm chí không có gì nổi bật. Chủ đề của các phim vẫn là các đề tài về yêu đương tay ba, ghen tuông rồi bạo lực đâm chém, thêm cả nhiều phim hài nhảm xem giải trí, những nhân vật xoay quanh giới người mẫu, ca sĩ… Điều này khiến chính biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát trước đêm trao giải còn than thở: Dường như các nhà biên kịch, đạo diễn hết ý tưởng rồi sao đó, tâm hồn và ý tưởng nghèo nàn thế sao mà cứ quanh đi quẩn lại với những đề tài đã thành… muôn thủa?.

Điệp khúc thiếu và…yếu

Thiếu phim chính luận- nghệ thuật, thiếu kịch bản hay, thiếu phim đậm chất Việt… đã là bệnh mãn tính của điện ảnh Việt. Chính vì thế, những thành viên trong BTC cánh diều vàng đành “vơ bèo, vạt tép”, chiêu cho đủ số lượng phim về dự giải và vô hình trung chính những dễ dãi này đã khiến giải cánh diều ngày càng… mất giá.

"Thần tượng" chiến thắng với 6 giải thưởng

Cái thiếu đầu tiên là thiếu phim của nhà nước. Cánh diều vàng năm nay “Người viết huyền thoại” cô độc một mình một chợ, là phim duy nhất do nhà nước đặt hàng sản xuất và cũng là bộ phim chính luận, cách mạng duy nhất trong hạng mục phim điện ảnh. Rà soát các phim điện ảnh có trong đề cử thấy rằng ngay cả những phim đạt doanh thu cao trong dịp ra rạp như “Âm mưu giày gót nhọn, Tèo em, Cô dâu đại chiến”… đều không phải những phim thuần Việt. Những bộ phim này đều hao hao giống phim Hollywood và phong cách đã được tây hóa. Chưa kể đến những phim thảm họa như “Gác kiếm, Săn đàn ông” thì cũng nửa tây, nửa ta.

Chính sau đêm trao giải, NSƯT Thế Anh đã phải thốt lên rằng: “Không thể phủ nhận tài năng của những đạo diễn Việt Kiều nhưng những sản phẩm mà họ đem về nước Tây hóa lắm. Không biết có phải do tôi đã già hay chưa, nhưng phim Việt mà toàn hotboy với chân dài… thì không biết một thời gian nữa khán giả Việt sẽ được xem cái gì từ điện ảnh Việt?”. Trăn trở của người nghệ sĩ già là có cơ sở, bởi thực chất những năm gần đây, dòng phim giải trí đang chiếm thế thượng phong trong thị trường phim Việt.

Xét cho cùng, những cái thiếu kể trên chính yếu vẫn là xuất phát từ lý do thiếu nhiệt huyết của những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh ở hiện tại. Các nhà sản xuất phim thờ ơ với cánh diều đã đành, tham dự giải rồi được giải cũng thờ ơ nốt. Trong đêm trao giải vừa qua, có những cá nhân dù đoạt giải xuất sắc nhưng không đến nhận giải. Điều gì khiến người làm điện ảnh lại lạnh nhạt với chính giải thưởng điện ảnh như thế? Phải chăng đó chính là sự nhàm chán cỗ hữu của một giải thưởng?

Chính người trong cuộc, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đã phải thừa nhận: “Cái gì qua thời gian cũng cũ và lạc hậu, với cánh diều vàng, hơn chục năm qua đã bay mãi rồi, đến lúc cũng phải mỏi thôi”.  Nhưng khi đề cập đến vấn đề nên chăng phải mạnh dạn loại bỏ những giải vàng, giải bạc mà chỉ trao bằng khen nếu không tìm được phim xứng đáng thì bà Ngát cho rằng: Cần phải động viên nghệ sĩ nên sẽ xét cái nào nhỉnh hơn thì trao giải, không nhất thiết phải quá khắt khe. 

Thế nên, thiếu kiên quyết cũng là lỗi của BTC. Động viên nghệ sĩ là cần thiết nhưng động viên theo kiểu trao lấy được lại là không được. Như năm nay, cánh diều vàng được trao cho “Thần tượng” nhận được sự đồng thuận từ nhiều phía. Tuy nhiên, xét trên phương diện đoạt giải cao nhất cánh diều vàng thì chưa hẳn xứng đáng. “Thần tượng” chỉ là bộ phim nhỉnh hơn so với những bộ phim cùng dự giải khác mà thôi.

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn - Trưởng ban giám khảo phim điện ảnh

Trưởng ban giám khảo phim Điện ảnh, Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn đã có ý kiến: “ Thần tượng là bộ phim xuất sắc nhất cánh diều vàng năm nay, nhưng xét trên ý tưởng thì bộ phim cũng không mới”. Vậy mới nói, với tinh thần rệu rã của cánh diều vàng như hiện tại, đã đến lúc cần “đổi gió” bằng cách hành động một cách quyết liệt hơn, thúc nghệ sĩ lao động và sáng tạo hơn.

Huyền Thanh

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...