Cận Tết, ATM và Internet Banking lại đua nhau báo lỗi

23:12 | 30/01/2019

568 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều khách hàng phải đi 3-4 ATM mới rút được tiền vì máy thường báo lỗi hoặc lượng khách giao dịch quá đông. 

Trước Tết khoảng một tháng, hầu hết nhà băng đều khẳng định đã "chuẩn bị mọi phương án" để lo đủ nhu cầu tiền mặt, đảm bảo sự thông suốt tại các máy ATM.

Tuy nhiên, phản ánh với VnExpress, nhiều người cho biết mấy ngày nay khá chật vật khi muốn rút, chuyển tiền tại các điểm giao dịch tự động. Chị Mai, quận Bình Tân, TP HCM sáng nay đi 4-5 cây ATM của Vietcombank, Agribank, DongA Bank, Vietinbank... nhưng không rút được tiền. "Máy thì báo lỗi, máy thì bấm rút hai triệu đồng mà báo vượt quá 35 tờ. Còn máy rút được thì có hàng dài người đang chờ đợi nên quá nản và đành ra về", chị chia sẻ.

Cận Tết, ATM và Internet Banking lại đua nhau báo lỗi
ATM trên phố Cầu Giấy (Hà Nội) liên tục báo lỗi dù đang trong những ngày cận Tết. Ảnh: Anh Tú.

Trong khi đó, một khách hàng tên Tú cho hay phải đi ba cây ATM của DongA Bank mới rút được tiền. "Tôi tới 2 cây ATM trên đường Nguyễn Thị Minh Khai đều báo hết tiền. Chạy đến cây thứ ba trên đường Nguyễn Đình Chiểu, gần ngã tư Cách Mạng Tháng 8 mới rút được vài triệu", anh bộc bạch.

Tương tự tại Hà Nội, chị Minh (Cầu Giấy) cho biết phải đi tới 4 điểm rút tiền khác nhau mới có thể rút đủ 20 triệu đồng để sắm Tết.

Vào giờ cao điểm, đầu phố Láng Hạ có ba cây ATM xếp cạnh nhau nhưng chị Hạnh (Huỳnh Thúc Kháng) phải chờ 15 phút mới có thể rút được tiền, dù chỉ là 3 triệu đồng, vì có quá nhiều người chờ. Thậm chí, tầm đầu giờ sáng hoặc tối muộn, ATM báo "ngừng hoạt động" diễn ra càng phổ biến.

Theo nhân viên của ngân hàng tại đây, bình thường, hai ngày một lần mới tiếp quỹ cho các điểm ATM. Tuy nhiên, trong thời gian cao điểm hiện tại một số điểm ATM phải tiếp quỹ cả tỷ đồng mỗi ngày mà vẫn không đủ giao dịch.

Nhân viên này khuyên khách hàng nên ưu tiên những điểm rút tiền tại các trung tâm thương mại, những chung cư hoặc gần các ngân hàng vì những điểm ATM này thường được "ưu ái" và "chăm sóc" kỹ lưỡng hơn.

Khổ nhất vẫn là công nhân ở các khu công nghiệp vì liên tục xảy ra hiện tượng ATM hết tiền, quá tải, ngừng hoạt động. Anh Thanh, công nhân làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) trưa nay đã phải xếp hàng gần hai giờ đồng hồ để rút được lương, thưởng Tết công ty vừa chuyển vào tài khoản để kịp có tiền về quê vào sáng sớm mai. "Có 3 trụ ATM đặt cùng chỗ nhưng có hai máy bị lỗi hoặc hết tiền. Còn lại có một máy giao dịch được nên lượng người bị ùn ứ", anh nói.

Cận Tết, ATM và Internet Banking lại đua nhau báo lỗi
ATM tại khu công nghiệp Thăng Long luôn đông người tới xếp hàng. Ảnh: Anh Tú.

Trong một tuần qua, các ATM tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) gần như hoạt động hết công suất. Hầu hết chủ thẻ ở khu vực này là công nhân của khu chế xuất nên sau giờ tan ca (14h30, 17h30 và 22h) họ thường tập trung chờ rút tiền. Do đo, những lúc này ghi nhận lượng người xếp hàng chờ rút tiền rất đông.

Biết ATM sẽ quá tải vào những ngày cuối năm, nhiều khách hàng đã chủ động tìm đến Internet Banking hoặc Mobile Banking nhưng tình hình cũng chẳng khá hơn mấy. Chị Mai, quận 6 (TP HCM) cho biết truy cập vào trang web của một ngân hàng có vốn nhà nước chi phối để chuyển khoản nhưng liên tục bị lỗi kết nối. "Lúc vào được, gõ lệnh chuyển khoản thì chờ mãi không thấy hệ thống trả về mã số OTP để hoàn tất. Cuối cùng giao dịch lại bất thành", chị kể.

Trong khi đó, anh Hoàng, nhân viên IT của một công ty truyền thông cho biết, anh chuyển liên ngân hàng 40 triệu đồng nhưng bị treo. "Khi tôi gọi điện lên ngân hàng phát hành thẻ thì được hẹn là sẽ tra soát trong vòng 15 ngày rồi báo kết quả. "Dịp Tết cần tiền chi tiêu, mua sắm mà gặp tình trạng này thật sự khóc dở, mếu dở", anh nói.

Trao đổi với VnExpress, đại diện Vietcombank thừa nhận nhu cầu rút tiền của người dân rất lớn. "Tối đa mỗi máy ATM khi nạp đủ tiền khoảng 2 tỷ đồng một lần nhưng tần suất rút tiền tăng 3-4 lần so với ngày thường khiến lực lượng tiếp quỹ làm liên tục cũng không đáp ứng kịp", vị này cho biết.

Ngoài ra, ngân hàng luôn có trung tâm giám sát lượng tiền tại các máy ATM. Theo đó, khi ATM gần hết tiền (còn khoảng 300-400 triệu đồng), các bộ phận này sẽ nhận được tin nhắn tiếp quỹ. Tuy nhiên, mấy ngày nay đường phố liên tục xảy ra tình trạng xe kẹt nên dù tần suất tiếp quỹ tăng gấp nhiều lần so với ngày thường và không phân biệt giờ giấc nhưng vẫn không đáp ứng kịp.

Một lãnh đạo ACB thì cho hay, cũng như mọi năm, đã chuẩn bị một lượng tiền để phục vụ Tết nguyên đán. Song vấn đề không phải thiếu tiền, mà là nhu cầu sử dụng ATM của người dân vào dịp Tết quá lớn, nên việc mỗi máy chỉ chứa được tối đa 2 tỷ đồng tiền mặt sẽ không đáp ứng được hết. "Vì thế, chúng tôi kêu gọi khách hàng chuyển sang thanh toán thẻ và mong siêu thị, điểm bán hàng tích cực hỗ trợ việc thanh toán thẻ để giảm tải rút tiền mặt", ông nói.

Ông Võ Văn Thuần, Phó cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), cho biết đã có nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng bảo đảm hệ thống ATM hoạt động ổn định, thông suốt trong dịp Tết. ATM nào hết tiền quá 24 giờ, nhà băng đó sẽ bị xử phạt. Các ngân hàng thương mại phải tăng cường kiểm tra bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống ATM.

Tuy nhiên, theo ông tình trạng nghẽn mạng, hết tiền cục bộ trong vài giờ là khó tránh khi nhu cầu rút tăng đột biến. Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản cảnh báo, nhắc nhở và đôn đốc để tránh sự cố tắc nghẽn, hết tiền. Riêng các khu vực nhu cầu rút tiền tăng rất cao như các khu chế xuất, khu công nghiệp sẽ bổ sung ATM lưu động.

Theo VNE

Nhóm cướp háo sắc khi thấy nữ chủ nhà xinh đẹp
Mở "tiệc ma túy" đãi bạn, 10 thanh niên bị bắt
Trét ớt vào mắt người đi rút tiền ở trụ ATM để cướp
ATM - Cỗ máy giao dịch đa năng