Cần phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có ga!

09:53 | 11/06/2016

1,257 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Người tiêu dùng đang bị đầu độc bởi các loại nước ngọt có ga, trong khi ngân sách nhà nước hầu như không thu được gì từ những Coca-Cola hay Pepsi vì doanh nghiệp báo lỗ triền miên. Mất nhiều hơn được, hại nhiều hơn lợi như vậy thì tại sao các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách lại không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này?
can phai danh thue tieu thu dac biet voi nuoc ngot co ga
Ảnh minh họa.

Chuyện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại nước ngọt có ga không phải chuyện mới ở Việt Nam. Từ năm 2014, khi Bộ Tài chính đưa dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, nước ngọt có ga đã được liệt vào danh sách những mặt hàng phải bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất là 10%.

Cái lý của Bộ Tài chính đưa ra khi đó là trong nước ngọt có ga không cồn có chứa các chất công nghiệp như hương vị, chất màu, chất bảo quản... Và những chất chất này đều đã được các chuyên gia y tế cảnh báo là có khả năng gây tác hại đến sức khỏe con người nếu sử dụng hàng ngày hoặc qua mức như gây béo phì, mỡ máu, tiểu đường, bệnh gút, tăng nguy cơ ung thư... Việc định hướng thới quen tiêu dùng với sản phẩm này vì thế là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe người dân.

Dẫn chứng về việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt có ga, Bộ Tài chính cho hay, trên thế giới, một loạt các quốc gia như Anh, Pháp, Hy Lạp, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỹ, Hungary, Phần Lan, Iceland; các nước châu Á như Thái Lan, Campuchia, Lào, Malaysia, các nước châu Mỹ như Peru, Chile,  Hoa Kỳ hiện đang áp dụng thuế TTĐB để định hướng tiêu dùng loại nước uống này. Và lý do đánh thuế tại những quốc gia này cũng vì những lo ngại về sức khỏe của người dân khi sử dụng nước ngọt có ga.

Thậm chí tại Pháp, đầu năm 2014, trước những cảnh báo về tác hại của nước ngọt có ga đối với sức khỏe con người, Thượng viện Pháp đã đề nghị tăng 4 lần thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với mặt hàng này, từ mức 5,5% lên 20%. Mục đích chính của việc này là làm giá đồ uống có ga đắt hơn, người sử dụng sẽ phải suy tính nhiều hơn khi quyết định mua và nếu có mua thì số lượng cũng ít hơn. Và thứ nữa, việc tăng thuế sẽ góp phần tăng thu cho ngân sách, giảm các chi phí hỗ trợ điều trị bệnh béo phì và bệnh tim mạch...

Đề cập như vậy để khẳng định rằng, việc đưa mặt hàng đồ uống có ga vào danh mục các mặt hành phải chịu tiêu thụ đặc biệt như đề xuất của Bộ Tài chính khi xây dựng dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là hoàn toàn hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhưng đề xuất này của Bộ Tài chính đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của đại diện một số Hội, Hiệp hội và bản thân các doanh nghiệp đang có mặt trên thị trường đồ uống Việt Nam. Cái lý của họ đưa ra là tác hại của việc dùng đồ uống có ga là chưa rõ ràng và sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư của Việt Nam cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đưa ra lý do là vậy nhưng phần lớn những ý kiến này lại mới chỉ đi sâu phân tích đến khả năng tác động của việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hoạt động doanh nghiệp, tới môi trường đầu tư mà không đề cập đến vấn đề sức khỏe của người sử dụng. Theo đó, những ý kiến này cho rằng với việc 90% doanh nghiệp sản xuất nước ngọt có ga là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ 10% là doanh nghiệp trong nước, việc áp thuế sẽ tạo tâm lý phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện các chính sách thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, với những dẫn chiếu trên của Bộ Tài chính cũng như những cảnh báo được giới chuyên gia, các nhà nghiên cứu cả trong và ngoài nước phát đi thời gian gần đây, đặc biệt là những nghi vấn đề chuyển giá, trốn thuế ở Coca – Cola hay Pepsi đang dần hiện rõ thì cái lý về việc không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có ga là không chấp nhận được.

Thứ nhất, dưới góc độ khoa học, không phải đến bây giờ tác hại của việc sử dụng nước ngọt có ga mới được đưa ra, được cảnh báo. Ví như ở Pháp, chẳng phải vì lo ngại việc sử dụng và sử dụng quá nhiều đồ uống có ga, nước này đã tăng thuế giá trị gia tăng tới 4 lần hồi đầu năm 2014 hay sao.

Mới đây, một Tạp chí khoa học của Mỹ đã đề cập đến tác hại của đồ uống có ga như sau: “Bạn đã bao giờ thử cho một miếng bít tết vào trong một bát nước Coca-Cola chưa? Nếu chưa thì hẳn bạn sẽ rất ngạc nhiên vì nó sẽ biến mất sau 2 ngày, mà không phải do chuột hay bất cứ con động vật nào ăn vụng.

Nếu nhà bạn hết nước tẩy rửa toa-lét, bạn thử đổ lon Coca-Cola vào và ngâm trong 1 tiếng, sau đó xả nước. Bạn sẽ thực sự ngạc nhiên khi bồn cầu đã trắng sáng như mới. Nguyên nhân là do axit citric trong Coca Cola đã tẩy rửa mọi vết bẩn ở bồn cầu làm bằng sứ.

Một ví dụ khác, nếu bạn muốn loại bỏ mỡ khỏi quần áo, hãy đổ một lon Coca vào chỗ quần áo dính mỡ và cho xà phòng vào, nhấn nút chạy cho máy giặt như bình thường. Nó sẽ giúp loại bỏ vết mỡ bẩn.

Nhiều bang ở nước Mỹ, khi cảnh sát đi tuần tra trên đường cao tốc luôn có 2 gallon, tức là khoảng gần 8 lít Coca Cola trong xe tải để tẩy rửa máu trên đường cao tốc sau một vụ tai nạn xe hơi.

Đáng sợ hơn nếu ta để một cục xương vào bát đựng Coca-Cala thì cục xương sẽ tan rã trong hai ngày”.

Cảnh bảo về tác hại của nước ngọt có ga như vậy là rất rõ ràng và cái lý chưa chứng minh được tác hại của loại đồ uống này giờ không thể chấp nhận được.

Thứ hai, về vấn đề môi trường đầu tư, kinh doanh, đúng là những năm qua, trong nỗ lực thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, Việt Nam đã có rất nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư. Nhưng chúng ta phải khẳng định rằng, những chính sách ưu đãi, khuyến khích đó không phải bằng mọi giá, không phải là bán rẻ sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người dân.

Và thứ nữa, chúng ta ưu đãi, khuyến khích đầu tư để tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước, vậy thử hỏi những Coca – Cola hay Pepsi đã đóng góp được gì vào sự phát triển này. Hay cái Coca – Cola, Pepsi đóng góp chỉ là giải quyết việc làm cho vài ngàn công nhân lao động. Là những doanh nghiệp chi phối gần như hoàn toàn thị trường đồ uống có ga, có năm lên tới trên dưới 80% với doanh thu lên tới hàng ngàn tỉ đồng nhưng lại liên tục báo lỗ. Nhưng lỗ rồi, lỗ triền miên mà họ vẫn không ngừng đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Nghịch lý như vậy chẳng nhẽ các nhà làm luật, làm chính sách lại không nhìn ra?

Cái lý về không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt để tránh ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp vì thế là không thể chấp nhận.

Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại đồ uống có ga vì thế là vấn đề cấp bách đòi hỏi các cơ quan quản lý, các nhà lập pháp cần sớm vào cuộc để trước hết là bảo vệ sức khỏe người dân, qua đó giảm các chi phí bảo hiểm y tế đối với các bệnh do nước ngọt có ga gây ra!

Thanh Ngọc