Cần hiểu đúng về đèn vàng khi tham gia giao thông

18:00 | 03/08/2016

1,821 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cơ quan chức năng khẳng định phạt lỗi vượt đèn vàng là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, quy định này không khả thi, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng cảnh sát giao thông xử lý tùy tiện.

Chưa có khái niệm rõ ràng…

Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/8/2016, trong đó tăng nặng mức xử phạt với hành vi vượt đèn vàng đối với ôtô lên 2 triệu đồng, xe máy là 400.000 đồng.

Mặc dù quy định này mới đi vào cuộc sống chưa đầy 1 tuần, nhưng đã vấp phải một ý kiến trái chiều. Cơ quan chức năng khẳng định phạt lỗi vượt đèn vàng là đúng. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, quy định này không khả thi, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng cảnh sát giao thông xử lý tùy tiện, đặc biệt là chưa có khái niệm rõ ràng thế nào là vượt đèn vàng.

can hieu dung ve den vang khi tham gia giao thong
Đèn tín hiệu chuyển sang màu vàng nhưng người tham gia giao thông vẫn ung dung đi- Ảnh IT.

Nhận định về quy định xử phạt lỗi vượt đèn vàng, Luật sư Ngô Thế Thêm - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, quy định này chưa rõ ràng. Ranh giới xác định việc vượt hay không vượt với cảnh sát giao thông bằng mắt thường là rất khó. Cơ quan chức năng cần có thông tư hướng dẫn cụ thể để Nghị định đi vào cuộc sống, tạo đồng thuận của nhân dân cũng là nâng cao tính thượng tôn pháp luật.

Theo anh Trần Đức Phú (ở Hoàng Mai, Hà Nội), Nghị định 46 quy định như thế này thì gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Đèn vàng là đèn báo thay đổi trạng thái từ đèn xanh sang đèn đỏ, nhưng người dân rất khó chứng minh mình không vượt đèn vàng hoặc khi đi qua vạch đèn mới chuyển vàng vì đèn vàng thường chỉ 3 giây. Nếu bị phạt, người dân cũng khó mà tâm phục được.

Còn theo anh Hưng (ở phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) phân tích, nếu người lái xe ở tốc độ 40km/h, khi đến cách trụ đèn khoảng 5m mà thấy đèn vàng bật sáng thì khó mà dừng xe trước vạch sơn được. Nếu đi tiếp lại bị lỗi vượt đèn vàng, nếu dừng gấp thì nhiều khả năng bị tông từ phía sau.

Lỗi vượt đèn vàng không phải mới

Theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an), Nghị định 46 quy định, người tham gia giao thông bị xử phạt trong 3 trường hợp không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông là vượt đèn vàng, vượt đèn đỏ và đèn xanh phương tiện không đi. Cả ba trường hợp trên bị phạt như nhau và nội dung này được quy định từ trước chứ không phải Nghị định 46 mới có.

Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, đèn tín hiệu giao thông có ba màu, đèn xanh là được đi, đỏ là cấm đi và tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng. Trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy thì được đi, nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Nhiều người cho rằng đèn vàng được phép hoặc nếu vi phạm chỉ bị nhắc nhở chứ không xử phạt. Về việc này, đại diện Cục Cảnh sát giao thông khẳng định đây là cách hiểu không đúng.

Theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, phạt lỗi vượt đèn vàng hoàn toàn phù hợp với pháp luật hiện hành, phù hợp với quy định của quốc tế.

can hieu dung ve den vang khi tham gia giao thong
Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CGST phát biểu trong ngày ra quân xử phạt vi phạm giao thông theo Nghị định 46/2016.

Liên quan đến vấn đề này, Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội cũng cho rằng, xử phạt lỗi vượt đèn vàng không phải là quy định mới trong Nghị định 46 mà đã được quy định rất rõ ràng trong Luật Giao thông đường bộ từ năm 2008. Điểm mới ở đây là Nghị định 46 tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm tín hiệu đèn giao thông cao hơn so với mức phạt ở Nghị định 171 và Nghị định 107 trước đó. Mục đích tăng nặng nhằm răn đe và nâng cao ý thức tham gia giao thông.

Trước ý kiến của dư luận về vượt đèn vàng bị phạt như đèn đỏ thì nên bỏ luôn đèn vàng, Đại tá Đào Vịnh Thắng khẳng định, không thể đưa ra quy định như vậy. Không thể bỏ tín hiệu đèn vàng. Lý do vì tín hiệu đèn vàng là dự lệnh để cho người tham gia giao thông khi qua các ngã ba ngã tư nhận biết rằng đang chuẩn bị chuyển sang đèn đỏ, khi đó phải dừng xe để nhường đường cho người đi bộ, nhường đường cho phương tiện ở hướng đường khác di chuyển.

Thiên Minh