Cần bổ sung thông tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

07:00 | 23/10/2013

4,263 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự việc SGK Lịch sử không nhắc tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tạo nên một làn sóng phản đối khá gay gắt trong dư luận. Rất nhiều chuyên gia khẳng định rằng nhân vật lịch sử kiệt xuất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp không nằm trong SGK là sự thiếu sót.

>> Soạn sách giáo khoa Lịch sử phản... lịch sử!

>>  Cần một lời xin lỗi của Bộ Giáo dục và Đào tạo!

Trao đổi với chúng tôi, PGS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng rất cần thiết phải đưa các vị Tướng tài ba của dân tộc vào SGK.

PGS cho hay: “Qua đám tang của Đại tướng ai cũng thấy nhân dân thương tiếc như thế nào và cả thế giới ca ngợi Đại tướng như thế nào. Nếu không có chiến thắng Điện Biên Phủ, nếu không có Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì ngay cả tôi cũng không có được ngày nay. Nhờ có hòa bình, nên Bác Hồ mới đưa chúng tôi ra miền Bắc để đào tạo và ngày nay mới trưởng thành, bản thân tôi vô cùng biết ơn, vô cùng nhớ Đại tướng”.

Bộ GD-ĐT cần cân nhắc đưa hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào SGK Lịch sử.

Nguyên lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng khẳng định: Trong sách lịch sử mà không viết về Đại tướng là điều thiếu sót, không đúng, cho nên sắp tới cần phải bổ sung. Vì SGK lịch sử không thể không nói về hai cuộc chiến thắng của dân tộc, đó là chiến thắng Điện Biên Phủ và chiến thắng mùa Xuân năm 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhân vật hoàn toàn xứng đáng được đề cập khi nhắc về những nhân vật xuất sắc của Việt Nam và trên thế giới.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng) cũng đề nghị, Bộ GD-ĐT nên cân nhắc việc đưa hình ảnh và thông tin về Đại tướng vào SGK Lịch sử.

Theo quan điểm của TS. Tùng Lâm, "trong thời gian tới khi chúng ta biên soạn lại sách nên đưa thông tin về Đại tướng để học sinh được học, được hiểu. Nhất là chương trình lịch sử về trận chiến thắng Điện Biên Phủ phải nói rõ vai trò của Đại tướng như thế nào, thậm chí phải có hẳn một mục về Đại tướng.

Ông cũng cho rằng, ngoài sách lịch sử thì môn văn học và môn giáo dục công dân cũng nên đưa hình ảnh của Đại tướng vào qua những đoạn vă hay, xúc động về Đại tướng để thầy cô giáo có thể giảng cho học sinh nghe và hiểu rõ hơn.

PGS. TS Đỗ Ngọc Thống, Thường trực Ban soạn thảo Đề án Đổi mới chương trình SGK phổ thông sau 2015 (Bộ GD-ĐT) cho biết, bản thân ông chưa khảo sát hết nhưng có xem qua sách thì thấy tuy không nhắc tới Đại tướng, nhưng hình ảnh Đại tướng ở Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Đại tướng bên cạnh Bác Hồ trong chiến dịch Biên giới năm 1950 vẫn có.

Hiện nay riêng sách Ngữ văn lớp 12 đã đưa vào một bài nói về con người Đại tướng trích trong Hồi kí “Những năm tháng không thể nào quên” và có chụp hình Đại tướng rất trang trọng.

PGS. Đỗ Ngọc Thống khẳng định: “Sắp tới chúng tôi sẽ cân nhắc làm sao đưa được những phần chọn lọc, tinh túy nhất, kể cả các sự kiện lẫn nhân vật lịch sử và sẽ khắc phục tình trạng này. Nếu đưa Đại tướng vào thì cũng phải cân nhắc các nhân vật khác như Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn..., Do đó mở rộng các nhân vật lịch sử thì cần gắn với từng sự kiện...”

Khánh An