Dạy tiếng Anh trong trường mầm non:

"Cấm" rồi lại "thả"?!

11:40 | 21/03/2014

1,682 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ trong vòng 1 tháng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có tới hai công văn - một “cấm”, một “mở” về vấn đề tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ.

Cấm do nhiều bất cập

Ngày 18/2, Bộ GD-ĐT ban hành Công văn số 694/BGDĐT-GDMN yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non tuyệt đối không tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

Những lý do khiến việc dạy ngoại ngữ trong trường mầm non bị Bộ GD-ĐT ra lệnh cấm thì rất nhiều. Không ít trường mầm non có cơ sở vật chất chật chội, thiếu thốn, nhưng cứ dạy tiếng Anh là đàng hoàng gắn biển "trường Quốc tế". Chất lượng giáo viên tiếng Anh cũng rất mù mờ, không theo quy chuẩn, bởi hiện nay chưa có bất cứ quy định nào về trình độ đối với giáo viên dạy tiếng Anh ở mầm non. Vì vậy, hiện nay các cơ quan chức năng khó kiểm soát được chương trình đưa vào giảng dạy tại các trường mầm non.

Trong năm học 2012-2013, Hà Nội có khoảng 30 trường thí điểm chương trình dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non. Số giáo viên này được chọn từ nguồn sẵn có của các trường. Xuất phát điểm của những giáo viên này chỉ là: Có chứng chỉ A, B, C tiếng Anh, được nhà trường và Phòng GD-ĐT cử tham gia khóa bồi dưỡng tiếng Anh cơ bản và phương pháp giảng dạy mầm non do Sở GD-ĐT phối hợp với công ty phát triển công nghệ giáo dục Việt Nam tổ chức.

Việc cho trẻ mầm non làm quen với ngoại ngữ hiện có nhiều bất cập.

Do các trường liên kết với các trung tâm ngoại ngữ nên mức học phí cũng không theo quy định mà chủ yếu phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa nhà trường và đối tác. Vì thế, các phụ huynh vẫn phải đóng từ 150– 450 nghìn đồng/tháng cho việc học tiếng Anh của con tại các trường công lập. Còn mức học phí sẽ cao hơn đối với trường ngoài công lập, với những trường quảng cáo là đào tạo song ngữ, nhưng thực chất việc dạy tiếng Anh chỉ khoảng 1giờ/ngày.

Bên cạnh đó, mặc dù việc tổ chức dạy tiếng Anh hoàn toàn dựa trên nhu cầu tự nguyện của phụ huynh; nhưng nhiều phụ huynh cho biết, nói là tự nguyện nhưng khi đóng tiền học phí, các cô thu học phí viết luôn cả hóa đơn học tiếng Anh mà không cần hỏi xem phụ huynh có nhu cầu cho con học hay không.

Sau khi Bộ GD-ĐT ra yêu cầu này, dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên bỏ hoạt động làm quen với ngoại ngữ trong trường mầm non. Một số phụ huynh đồng tình với lệnh cấm vì cho rằng, nhiều trẻ nói tiếng Việt còn chưa sõi nên khó học tiếng Anh. Đặc biệt, nhiều phụ huynh cho biết một số trường đã thu tiền để dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non nhưng chất lượng không đảm bảo, thậm chí còn làm các con nói sai...

Tuy nhiên, phần lớn ý kiến đều cho rằng, Bộ GD-ĐT không nên cấm tuyệt đối bởi nhiều cơ sở được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, nhất là những cơ sở có giáo viên là người bản địa và có phương pháp sư phạm tốt.

Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, việc cấm cho trẻ mầm non làm quen với ngoại ngữ là đi lại với xu thế phát triển, hội nhập bởi trên thực tế, nhiều trẻ được làm quen với ngoại ngữ trong độ tuổi mầm non đã đạt được những kết quả rất tốt. Những ý kiến này đều cho rằng, việc cấm chỉ nên áp dụng với những đơn vị không đủ điều kiện về vật chất cũng như giáo viên giảng dạy.

Cần nghiên cứu kỹ trước khi ra văn bản

Xuất phát từ thực tế đó, ngày 18/3, Bộ GD-ĐT lại có Công văn 1303/BGDĐT- GDMN cho phép những cơ sở có đủ điều kiện được phép tổ chức cho trẻ mầm non làm quen với ngoại ngữ. Công văn nhấn mạnh: Những nơi có đủ nội dung chương trình cho trẻ làm quen với ngoại ngữ phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ (phát triển về thể lực, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, thẩm mỹ), sẽ được Sở GD-ĐT thẩm định và cho phép tổ chức dạy ngoại ngữ.

Ngoài ra, những cơ sở được dạy ngoại ngữ cho trẻ mầm non phải có giáo viên hướng dẫn có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm ngoại ngữ (hoặc cao đẳng ngoại ngữ) trở lên, đạt năng lực ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm mầm non. Đồng thời, có phòng tổ chức hoạt động đầy đủ trang thiết bị giúp trẻ được tiếp cận với ngôn ngữ mới một cách chuẩn mực, phương tiện nghe nhìn, tranh ảnh, đồ chơi... phù hợp sẽ được tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ.

Trên thực tế, quyết định ngày 18/2 và sau đó là quyết định ngày 18/3 về việc tổ chức dạy ngoại ngữ trong các trường mầm non không “ảnh hưởng nghiêm trọng” tới hoạt động giáo dục nói chung, tuy nhiên việc ra một công văn mới để sửa lại công văn cũ đã thể hiện một sự lúng túng của Bộ GD-ĐT trong chỉ đạo.

Bà Phan Thị Lan Anh - Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT).

Lý giải về công văn ngày 18/2, bà Phan Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Mầm non (Bộ GD-ĐT) cho biết, văn bản được ban hành xuất phát từ thực trạng một số cơ sở giáo dục mầm non tổ chức dạy ngoại ngữ cho trẻ có thu tiền của phụ huynh, nhưng không đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Người dạy chưa đảm bảo về trình độ ngoại ngữ hoặc chưa có nghiệp vụ sư phạm, các trường thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ, nội dung tài liệu chưa phù hợp với độ tuổi, gây căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ và việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non.

Cũng theo bà Phan Thị Lan Anh, "học" ngoại ngữ ở độ tuổi mầm non chỉ nên dừng lại ở mức độ cho trẻ làm quen, với mục đích giúp trẻ nhận ra, thích thú khi được làm quen với ngôn ngữ mới, vui sướng khi được tham gia vào các hoạt động trải nghiệm.

Bà cho rằng: “Những hoạt động này phải góp phần giúp trẻ phát triển những năng lực và phẩm chất cần thiết như: Sự nhạy cảm của các giác quan, linh hoạt trong tư duy và nhận thức, tăng khả năng giải quyết vấn đề, phát triển tính sáng tạo, nâng cao tính tự tin trong giao tiếp, tự trọng...”.

Đây không phải lần đầu tiên Bộ GD-ĐT gặp vấn đề trong việc ra các quy định. Trước đó, năm 2013, Bộ này đã khiến dư luận bức xúc khi ra quyết định “cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng khi thi đại học”. Ngay sau khi Thông tư ra đời, trước sự phản ứng của dư luận, Bộ GD-ĐT đã phải rút bỏ quy định này. 

Sự thay đổi trong quyết định của Bộ GD-ĐT chỉ trong vòng một tháng một mặt cho thấy Bộ đã lắng nghe và tiếp thu ý kiến phản hồi của dư luận xã hội, nhưng mặt khác cũng cho thấy Bộ đã thiếu nghiên cứu, cân nhắc một cách cẩn trọng khi ban hành các văn bản.

Nhã Anh