“Cạm bẫy” khi áp trần giá dầu Nga

12:54 | 18/10/2022

2,230 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Bất chấp các lệnh trừng phạt từ phương Tây, Nga vẫn tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ. Kể từ khi nổ ra chiến tranh Nga - Ukraine, Nga đã thu được 158 tỉ USD lợi nhuận. Vì vậy, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đặt mục tiêu thiết lập giới hạn giá dầu của Nga, với hy vọng kiềm chế được cuộc khủng hoảng năng lượng. Tuy nhiên, hy vọng khó thành hiện thực.
“Cạm bẫy” khi áp trần giá dầu Nga
Bất chấp các lệnh trừng phạt từ phương Tây, Nga vẫn tiếp tục thu về 158 tỉ USD từ bán dầu

Việc châu Âu dần giảm phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga đã tạo điều kiện cho biện pháp áp trần giá dầu Nga. Tuy nhiên, đây là một chính sách với nhiều “cạm bẫy”.

Trên hết, nguy cơ châu Âu bị Nga trả đũa là rất cao, gây ảnh hưởng nặng nề lên những quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Trong bối cảnh này, Trung Quốc và Ấn Độ là một trong những yếu tố giúp G7 thắng được “ván cược” đầy mạo hiểm này - hoặc gây được áp lực tài chính lên Nga, hoặc đẩy nhanh tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu.

Theo Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA), tình trạng giá năng lượng bùng nổ đã mang về nhiều lợi ích lớn cho Nga, với lợi nhuận hơn 158 tỉ USD kể từ khi nổ ra chiến tranh Nga - Ukraine.

Mặt khác, những gói trừng phạt do Liên minh châu Âu (EU) thông qua đang lộ rõ những điểm hạn chế trong ngắn hạn. Hiện nay, EU đặt mục tiêu hạn chế phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga và đặt ra những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn.

“Cạm bẫy” khi áp trần giá dầu Nga
Nhóm G7 quyết định áp trần giá dầu của Nga

Một châu Âu ít phụ thuộc vào dầu Nga

Cuộc chiến Nga - Ukraine đã tạo ra thực trạng năng lượng mong manh của EU. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong nửa đầu năm 2021, 48,4% lượng khí đốt và 25,4% lượng dầu do châu Âu nhập khẩu có xuất xứ từ Nga.

Đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng ở quy mô chưa từng có, EU đã đề ra chính sách giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga qua chương trình REpowerEU (Tái cung cấp năng lượng cho EU), được thông qua vài tuần sau khi bắt đầu xung đột Nga - Ukraine.

Về nhập khẩu, châu Âu đã giảm lượng dầu Nga nhập khẩu từ 2,6 triệu thùng/ngày xuống còn 1,7 triệu thùng/ngày. Đây là mức giảm đáng kể đối với EU - thị trường lớn nhất của dầu thô Nga. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, để thay thế dầu Nga, châu Âu sẽ nhập 800.000 thùng/ngày từ Mỹ, còn Na Uy sẽ bù đắp khoảng 1/3 nhu cầu còn lại.

Tuy nhiên, áp trần giá dầu của Nga vẫn đang là một chiến lược đặc biệt phức tạp.

Giá trần nào hợp lý?

Để bảo đảm chiến lược sẽ thành công, EU cần phải xác định ngưỡng giá phù hợp cho dầu thô Nga. Hiện nay, các lô hàng từ Nga đã được bán với mức giá giảm mạnh, từ 30-40 USD/thùng.

Nếu giá trần quá thấp, có nguy cơ Nga sẽ “trả đũa” bằng cách ngừng sản xuất một phần, đẩy mặt bằng giá dầu thô lên cao. Nếu giá trần quá cao, Nga sẽ tiếp tục thu về lợi nhuận cao.

Ông Ehsan Khoman - Trưởng ban Nghiên cứu thị trường mới nổi tại Ngân hàng MUFG (Nhật Bản) đã xác nhận tầm quan trọng của mức trần giá dầu Nga: “Nếu mức trần gần chạm chi phí biên, đây sẽ trở thành một lệnh cấm vận. Mặt khác, Nga sẽ không bán dầu với giá tùy ý mà sẽ cố định giá theo thị trường”.

Mặt khác, chiến lược áp đặt mức trần giá dầu của Nga cũng bao gồm việc ban hành lệnh cấm lên các công ty bảo hiểm vận chuyển dầu thô. Theo đó, bên thuê tàu có quyền cấm vận chuyển nếu phát hiện giá dầu thô gần bằng hoặc cao hơn giá trần. Hiện nay, 90-95% cổ đông trong thị trường bảo hiểm hàng hải đến từ châu Âu. Do đó, họ phải tuân thủ chính sách này.

Mục tiêu hạ thấp giá trị dầu Nga

Hiện nay, G7 đang đặt nỗ lực hạ thấp giá trị hàng hóa xuất khẩu từ Nga. Hơn nữa, G7 dường như đang đặt cược vào khả năng Nga chuyển hướng dầu của mình sang thị trường châu Á thay vì ngừng sản xuất. Trên thực tế, hoạt động xuất khẩu năng lượng chiếm hơn một nửa ngân sách của chính phủ Nga.

Mặt khác, khó có khả năng Trung Quốc và Ấn Độ sẽ ủng hộ ý tưởng áp trần giá dầu Nga. Nếu G7 thành công trong việc áp trần giá dầu Nga, một lượng lớn khách hàng châu Á sẽ có cơ hội mua dầu Nga với giá hời. Như vậy, châu Á sẽ thương lượng giá dầu Nga với mức thấp hơn, góp phần làm giảm giá trị dầu thô Nga trên thị trường toàn cầu.

“Cạm bẫy” từ chính sách

Tỷ lệ thành công của chính sách áp trần giá dầu Nga phụ thuộc vào khả năng đoàn kết của G7. Trên thực tế, những điểm hạn chế từ chiến lược này đang dần lộ diện, trong bối cảnh EU áp đặt nhiều gói trừng phạt với Nga. Ngoài ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cảnh cáo rằng, Nga sẽ ngừng xuất khẩu dầu sang những quốc gia áp đặt giá trần.

Vì vậy, điều tối quan trọng bây giờ đối với G7 là chuyển hướng xuất khẩu dầu sang các đồng minh của Nga. Nếu Trung Quốc và Ấn Độ vi phạm bảo hiểm hàng hải, tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn. Theo nhận định của các chuyên gia, Trung Quốc và Ấn Độ có thể sẽ mua bảo hiểm tàu từ Nga.

Mặt khác, những điểm hạn chế về thương mại trong thị trường châu Á có thể sẽ có lợi cho kế hoạch của G7. Ví dụ, nhu cầu dầu của thị trường Trung Quốc đã sụt giảm sau nhiều lần giãn cách xã hội. Tổ chức nghiên cứu thị trường S&P Global Platts Analytics dự đoán nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 95.000 thùng/ngày, tức “âm” 0,6%.

Ngoài ra, kể từ khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra, Nga đã tăng gấp đôi sản lượng dầu xuất khẩu sang Ấn Độ và Trung Quốc, gây áp lực quá tải lên những nhà máy lọc dầu của Nga.

Tóm lại, ý tưởng áp trần giá dầu Nga, tuy có thể kìm giảm doanh thu xuất khẩu dầu của Nga, vẫn là một biện pháp với kết quả không chắc chắn. Phản ứng từ các đồng minh của Nga và thái độ cứng rắn của Tổng thống Vladimir Putin sẽ quyết định kết quả của chính sách này.

Châu Âu đã giảm lượng dầu Nga nhập khẩu từ 2,6 triệu thùng/ngày xuống còn 1,7 triệu thùng/ngày, mức giảm đáng kể đối với EU - thị trường lớn nhất của dầu thô Nga. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, để thay thế dầu Nga, châu Âu sẽ nhập 800.000 thùng/ngày từ Mỹ, còn Na Uy sẽ bù đắp khoảng 1/3 nhu cầu còn lại.

Để bảo đảm chiến lược áp trần giá dầu Nga sẽ thành công, EU phải xác định ngưỡng giá phù hợp. Hiện nay, các lô hàng từ Nga đã được bán với mức giá giảm mạnh, chỉ từ 30-40 USD/thùng. Nếu giá trần quá thấp, có nguy cơ Nga sẽ “trả đũa” bằng cách ngừng sản xuất một phần, đẩy mặt bằng giá dầu thô lên cao. Nếu giá trần quá cao, Nga sẽ tiếp tục thu về lợi nhuận cao.

S.Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc