Cái nghèo và câu chuyện đi học bằng đèn pin

06:55 | 22/03/2014

1,836 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Con đường đất, trời mưa sình lầy, trời nắng bụi bay mịt mù, ổ voi, khe rãnh sâu hoắm, chỉ cần sơ sẩy một giây té gãy chân, gãy tay ngay, nhìn thấy cảnh tượng học sinh đạp xe đi học trên con đường nham nhở này như làm xiếc. Cực khổ hơn để đến được trường an toàn mấy em phải dùng đèn pin để bật soi sáng đường đi, kể cả đi bộ. Chưa có cảnh nào cực khổ như học sinh cùng người dân kể cả khách thập phương có dịp đi trên con đường “có một không hai” này. Đó là hình ảnh đang diễn ra ở làng Trường Thạnh xã Tam Thạnh, huyện Núi Thành, Quảng Nam.

Đường như suối lầy

Muốn đến được miền núi xã Tam Thạnh, chúng tôi phải vượt đường đèo dốc gần 70km, từ TP Tam Kỳ của Quảng Nam, chỉ cách UBND xã Tam Thạnh khoảng 50m là ngã ba đường nhựa dẫn vào thôn Trường Thạnh của xã này, con đường kéo dài khoảng 7km. Nhưng, đúng là con đường trời ơi, ngồi trên xe máy mà tay lái lúc nào cũng run bần bật, sơ ý một giây là cả người và xe rớt xuống rãnh mương sâu hoắm giữa đường ngay. Còn ổ voi, ổ gà chằng chịt khắp nơi.

Học sinh Trường Thạnh đi học vô cùng vất vả dù nắng hay mưa.

Con đường dài khoảng 7km, nhưng chỉ có vài đoạn làm bê tông nhưng thuộc địa phận của thôn 2 xã Tam Thạnh, còn toàn bộ diện tích còn lại của Trường Thạnh là đường đất. Mùa này ở Tam Thạnh nắng đổ lửa, vậy mà đường vẫn nham nhở, hỏi ra mới biết: hậu quả do các xe ô tô tải lớn nhỏ ra vào tấp nập để chở cây keo của người dân. Trời mưa cũng chở mà trời nắng cũng chở, người dân nói ngày trước con đường cũng dễ đi, dễ thở nhưng thời gian gần đây, đúng trận bão cuối năm ngoái, các vườn keo gãy đổ, người dân thu hoạch bán vậy là xe tải vào chở keo cày nát con đường dân sinh chính của dân nơi đây.

Cũng vì chở quá tải, con đường đất lại mềm, lại yếu, đồi dốc nên bị băm nát, các rãnh sâu hoắm lằn bánh xe tải ấn lún sâu xuống gần cả mét, chỗ cạn nhất cũng gần tới đầu gối. Mà con đường rộng chỉ 3m.

Đi học bằng đèn pin

Khổ cực, khó đi vậy nên các em học sinh đi học buổi sáng, phải thức dậy bắt đầu rời nhà đến trường từ hơn 4h sáng. Còn buổi chiều là 10h sáng đã bắt đầu đi học. 4h30 bắt đầu xuất phát từ nhà phải mất gần 2 tiếng đồng hồ, hơn 6h các em mới đến được lớp. 11h trưa tan học, nếu đi xe đạp thì đến 1h chiều mới về đến nhà. Dù từ nhà đến trường chỉ khoảng 7km.

Em Phương được ba mẹ mua cho chiếc đèn pin 30.000 đồng để soi sáng đường đi học.

Con đường như nỗi kinh hoàng của người dân Trường Thạnh, nên vợ Bí thư Chi bộ Trường Thạnh, chị Trương Thị Linh nói: "Đường xá nắng bụi mưa lầy như trâu đầm bùn. Tội nghiệp các cháu học sinh ở làng phải thức dậy đi học từ 4 giờ sáng. 11h tan học nhưng về đến nhà là 1h chiều, có em đi dọc đường đói bụng lả đi phải bẻ chuối trộm của dân ăn cầm hơi dọc đường”.

“Đã vậy, con đường bị hư hỏng nát bét, hầm hố tùm lum, đi xe đạp, đi xe máy như làm xiếc, đánh võng. Đã có mấy cháu học sinh cấp 2 đi học bị té gãy tay vì con đường nham nhở này. 4h sáng đi học các cháu học phải cầm đèn pin để soi sáng đường mới thấy đường mà đi. Chiều các em đi học về cũng dùng đèn pin soi nữa. Tội nhất là mùa mưa trời tối, hai bên đường là cây cối, rừng, dốc các em bật đèn pin suốt từ nhà đến trường”, chị Linh nói.

Trong lúc đi thực tế, lúc này hơn 12 rưỡi trưa, chúng tôi bắt gặp một em học sinh nam lưng đeo cặp, ngồi thở ở nhánh cây gãy gã ở ven đường. Hỏi ra mới biết em đi học về mệt, đói bụng quá phải ngồi nghỉ. Em Sỹ, lớp 9 Trường THCS Hoàng Diệu ở xã Tam Thạnh nói: “Em đi học từ nhà đến trường hơn 7km, đi về đến đầu dốc này đói bụng mệt quá, phải ngồi nghỉ”. Sỹ nói mùa đông đi học không gì khổ cực bằng, trong cặp lúc nào cũng có một đèn pin mua 30.000 đồng. Mùa nắng xe chạy bụi mịt mù. “Đường rất khó đi, rãnh nhiều sâu hoắm luôn. Nếu đi bộ còn đỡ nguy hiểm, chứ đi xe đạp mà lái không vững là té xuống gãy tay, gãy chân liền”, Sỹ vừa thở vừa nói.

Chiếc đèn pin luôn được các em học sinh Trường Thạnh bỏ trong cặp để rọi sáng khi trời tối.

Em gái của Sỹ, năm nay học lớp 7 cùng trường với anh trai cũng được ba mẹ trang bị cho một đèn pin 30.000 đồng luôn bỏ sẵn trong cặp để rọi đường đi học. Cứ pin hết điện các em lại cắm vào ổ điện sạc.

"Trường Thạnh khổ lắm chú ơi!"

Trước nỗi cực khổ của người dân cùng học sinh, ông Hồ Minh Cảnh – Bí thư Chi bộ Trường Thạnh đã viết một lá thư thỉnh cầu gửi đính danh Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải để trình bày khó khăn, nghèo khổ lâu nay của Trường Thạnh, chính là mong Nhà nước quan tâm đầu tư làm con đường đi bê tông cho con em học sinh đi đến lớp đỡ vất vả. Vì con em Trường Thạnh rất hiếu học, mỗi năm đỗ đại học 6-7 sinh viên.

Vừa hút thuốc, ông Bí thư Chi bộ Trường Thạnh nói: "Thấy dân Trường Thạnh sống khổ quá, nghèo nhất xã, gần cuối năm vừa rồi được công nhận diện hưởng chương trình 135 của Chính phủ. Thấy mấy cháu học sinh đi học vất vả, cực khổ quá chừng, trời mưa lội bộ bùn lút tới đùi gối. Đường mà mưa xuống nước ứng đọng chảy như suối. Mùa nắng đi học bụi, ghập nghềnh chông chênh thấy lo lắng lắm, sảy tay lái là té gãy tay chân ngay. Người lớn đi xe mà con sợ té nói gì đến mấy cháu nhỏ học sinh, đang tuổi ăn tuổi học chứ. Trường Thạnh khổ lắm chú ơi!".

Con đường đất duy nhất của người dân Trường Thạnh bị xe chở keo phá nát, rãnh sâu hoắm.

Đang nói chuyện bất ngờ ông chỉ tay ra phía đường đất, nói mấy đứa nhỏ đi học xuống là 10h rồi đó. Với ông và với vợ ông, cũng như người dân nơi đây chuyện đếm thời gian ở Trường Thạnh được ông lấy chuyện đi học của các em học sinh làm việc. Cứ sáng sớm, gà vừa dứt tiếng gáy, ngoài đường lấp lánh ánh đèn pin là ông biết khoảng 4h đến 4h30, vì giờ này học sinh đang rọi đèn pin đến lớp học. Còn buổi chiều thấy học sinh đi học về đến làng là ông biết hơn 1h chiều. Và, tối cũng vậy!

Ông kể, sau khi nhận được lá thư thỉnh cầu của mình, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đã chỉ đạo gấp cho chính quyền huyện Núi Thành, lên làm việc với Trường Thạnh và chính quyền xã Tam Thạnh. Ông kể: “Tại cuộc làm việc này do ông Trần Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành chủ trì, tại cuộc làm việc ông Tùng hỏi Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã Tam Thạnh là Trường Thạnh khó khăn, nghèo khó, đường xá nham nhở vậy sao lâu nay không đưa vào kế hoạch hàng năm để làm đường bê tông. Bất ngờ, lãnh đạo xã Tam Thạnh nói với ông Tùng là phải chờ… “dự án cơ hội” về làm! Nghe lãnh đạo xã trả lời vậy, ông Tùng hỏi ngược lại: Mấy anh định nghĩa “dự án cơ hội” là gì?...”.

Trường Thạnh ngày nay có hơn 220 hộ dân, nhưng có đến 68 hộ nghèo, 58 hộ cận nghèo. Thu nhập chính của người dân là làm rừng, diện tích đất trồng lúa rất ít.

 

          Đông Phú