Cách làm của Bộ GD-ĐT khiến môn Sử... 'chết lâm sàng'

07:10 | 12/11/2015

4,092 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đó là ý kiến của GS. Phạm Tất Dong khi biết Bộ GD&ĐT lồng ghép môn lịch sử vào cách dạy tích hợp và đưa môn này trở thành môn tự chọn ở cấp THPT trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể…
cach lam cua bo gd dt khien mon su chet lam sang Đừng để học sinh 'quay lưng' với môn Lịch sử
cach lam cua bo gd dt khien mon su chet lam sang Thôi đừng bất nhẫn với lịch sử!

Đề cập đến mục tiêu đổi mới giáo dục, GS. Phạm Tất Dong nhận xét: Ở đây dường như mọi người không phân biệt được mục tiêu chương trình khác với mục tiêu giáo dục.

GS.Phạm Tất Dong dẫn dắt: Trong bức thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên Bác Hồ đã viết “…Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em…”.

Điều đó có nghĩa là Bác Hồ mong muốn nền giáo dục sẽ giúp các em phát triển những khả năng của bản thân chứ không phải bắt các em phải thành những con mọt sách với một mớ kiến thức như hiện nay.

cach lam cua bo gd dt khien mon su chet lam sang
GS. Phạm Tất Dong

Đối với phương pháp dạy tích hợp trong dự thảo mới thì tôi chưa hiểu giáo trình viết kiểu gì? Mà nếu có thì phải đào tạo lớp sư phạm rất chuyên thì mới dạy được. Ví như các thầy khoa Toán nếu dạy Lý thì dạy Vật lý cơ học thôi chứ đi vào Vật lý phân tử làm sao giảng được.

Phải hiểu rõ khoa học có mối liên hệ chứ không thể tổng hợp tất lại với nhau. Riêng với môn Sử, chúng ta luôn giáo dục thế hệ trẻ nêu cao lòng yêu nước nhưng quên môn Lịch sử thì đó là cái chết.

Thử hỏi bây giờ chúng ta dạy Sử cho trẻ thế nào? Ngày xưa các thầy dạy Sử hay lắm. Tôi say sưa nghe, nhớ đến mức độ thuộc lòng được. Cũng nhờ những bài học Lịch sử mà trong chúng tôi tình yêu nước, cảm hứng dân tộc luôn tràn đầy.

Giờ chính những người làm giáo dục lại coi quá nhẹ, cho tự chọn lại càng chết, xem như là xóa bỏ môn Sử.

"Cá nhân tôi luôn cho rằng biện pháp bắt buộc học và thi sử cũng là một cách sửa sai của giáo dục khi để cho giáo trình và cách học sử trở nên nhàm chán, nguội ngắt như hiện nay. Chứ không phải xếp nó vào môn học tự chọn".

Khi đã bắt buộc thi thì các em phải cố học và khi học thì mới có thể yêu hay không. Mất tính dân tộc là vô cùng nguy hại khi trẻ chỉ thích và hiểu sử Hàn, Trung Quốc, Nhật… Một dân tộc mà lớp trẻ hoàn toàn mù tịt về nguồn gốc thì xem như dân tộc đó không còn?

Nói đến nhiệm vụ của việc đổi mới giáo dục hiện nay, theo GS. Phạm Tất Dong thì: Cần khái quát chương trình để làm sao thiết thực tinh giản mà quên mất nguyên tắc văn hóa, trước hết là phải dân tộc.

Dạy mà tính dân tộc mất đi thì không thể dạy được. Tính dân tộc là cái quan trọng nhất phải dạy cho mỗi thế hệ học sinh. Thậm chí kể cả các môn học cũng phải giáo dục tính dân tộc từ trong âm nhạc, hội họa, ngữ văn… tính dân tộc phải được đề cao.

Cùng chung quan điểm này, Nhà giáo Trần Trung Hiếu, Trường chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An cũng cho rằng: Cần phải thay đổi cách nhìn nhận về vị thế và vai trò của môn sử.

Theo thầy Trần Trung Hiếu thì Dự thảo chương trình GDPT TT vừa được Bộ GD&ĐT đưa ra chưa có sự tham chiếu và tính ứng dụng. Chưa kể đến những vấn đề khác riêng việc triển khai dạy các môn theo kiểu tích hợp với vận dụng kiến thức liên môn trong giảng dạy là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

cach lam cua bo gd dt khien mon su chet lam sang
Giáo viên Trần Trung Hiếu

Các giáo viên đang rất phản đối việc dạy tích hợp này, bởi phương pháp vận dụng kiến thức liên môn trong giảng dạy thì chúng tôi cũng vận dụng lâu rồi nhưng phương pháp dạy tích hợp lại là việc làm phản khoa học.

Một thầy cô được đào tạo chuyên ngành dạy Sử, hay Văn, hay Địa, thì ra trường chỉ có trách nhiệm dạy môn đó cho sâu hơn, chứ không thể đang dạy Sử sang dạy Địa, đang dạy Lý sang dạy Hóa…

Những điều này là phản khoa học, không tuân thủ quy định giáo dục. Nếu cứ bắt buộc làm thì tôi e rằng, các thầy cô sẽ chỉ làm theo kiểu đối phó.

Việc xếp môn Sử vào một bộ môn tích hợp, thầy Hiếu cũng cho rằng đó là điều không hợp lý: “Nói đúng ra là trong dự thảo chương trình GDPT TT này, Bộ GD&ĐT đang dần khai tử môn Sử ra khỏi hệ thống các môn học phổ thông” – thầy Hiếu khẳng định.

Trong dự thảo Bộ GD&ĐT quy định 8 môn học tích hợp gồm: Ngôn ngữ và Văn học, Toán học, Đạo đức công dân, Thể chất, Nghệ thuật, Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên, Công nghệ tin học... Môn Sử nằm trong môn học khoa học xã hội, chứ không phải một môn độc lập.

Theo thầy Trần Trung Hiếu thì: "Điều này rất nguy hiểm, bởi lâu nay học sinh của ta đã rất ngại học môn Sử rồi. Việc thông hiểu lịch sử nước nhà của học sinh rất yếu. Nói thẳng một thực tế đau lòng mà chúng ta vẫn phải thừa nhận là: Nhiều học sinh đang quay lưng với Sử. Ngay như trong kỳ thi THPT quốc gia 2015, khi Sử được xếp vào là một môn tự chọn, đã rất nhiều học sinh nói “không” với môn này.

Thế mà Bộ GD&ĐT lại xếp môn Sử vào một môn thi tự chọn hay để môn môn Sử vào một môn tích hợp như một sự “a dua” thì tôi thấy thực sự lo ngại".

Môn Lịch sử là một bộ môn quan trọng, đóng vai trò lớn trong việc giáo dục tình yêu nước trong lòng thế hệ trẻ. Ngày nay nó càng trở nên quan trọng khi, hiểu biết của thế hệ trẻ về sử Việt luôn bị “xâm hại” bởi những nguồn tin tức không chính thống, nhiều thế lực thù địch chỉ nhăm nhe xuyên tạc sử Việt với những trang web xấu, đặc biệt là khi mạng xã hội nở rộ… việc tiếp cận với những thông tin không chính thống càng dễ dàng.

Điều gì sẽ xảy ra nếu những người trẻ không nắm vững kiến thức lịch sử? Đương nhiên họ sẽ hiểu sai lệch về lịch sử Việt Nam, từ đó mất niềm tin vào thể chế này… Dẫn đến hoang mang, rồi nảy sinh những vấn đề làm nguy hại đến sự tồn vong của thể chế chính trị.

Rõ ràng, đó là một hệ lụy khôn lường nếu môn Sử không được chú trọng.

“Hiện tại với dự thảo chương trình GDPT TT, tôi có cảm giác như GD&ĐT đang copy một đề án giáo dục nào đó ở nước ngoài nhưng lại chưa có sự ứng dụng linh hoạt vào môi trường của Việt Nam.

Trong quãng thời gian này Bộ GD&ĐT cần nghiêm túc, thẳng thắn công bố cụ thể dự thảo đổi mới trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng để trưng cầu ý kiến giới chuyên môn, dư luận.

Đặc biệt là chính các giáo viên đang dạy chương trình phổ thông, bởi vì họ chính là người đối mặt với sự thay đổi này, họ sẽ thấy được đâu là thuận lợi, khó khăn ở dự thảo này” - thầy Trần Trung Hiếu khẳng định.

Huy An