Các nước thuộc Nam Tư cũ trong thế kẹt giữa châu Âu, Nga và Trung Quốc

19:26 | 08/10/2021

212 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sáu nước phía tây vùng Balkan (thuộc Nam Tư cũ) sẽ chưa thể gia nhập Liên minh châu Âu; Tổng thống Pháp đã không thuyết phục được các nước thành viên Liên minh châu Âu về kế hoạch phòng thủ chung châu Âu. Đây là 2 chủ đề chính thất bại tại Thượng đỉnh châu Âu - Balkan diễn ra ngày 6/10 tại Slovenia.
Các nước thuộc Nam Tư cũ trong thế kẹt giữa châu Âu-Nga và Trung Quốc
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (giữa) bên cạnh Thủ tướng Slovenia Janez Jansa (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong cuộc họp báo tại hội nghị thượng đỉnh châu Âu - Balkan ở Slovenia ngày 6/10/2021

Chủ đề chính đầu tiên của cuộc họp này đương nhiên là việc 6 nước phía tây vùng Balkan muốn gia nhập Liên minh châu Âu (EU) như tiêu đề của thượng đỉnh lần này: Thượng đỉnh châu Âu - Balkan. Đây không phải là lần đầu các nước vùng Balkan này muốn gia nhập EU. Viễn cảnh gia nhập EU đã được đề ra ngay từ năm 1999 (tức sau khi cuộc chiến Kosovo chấm dứt). Từ nhiều năm qua, trong số 8 quốc gia vùng Balkan thì chỉ có Slovenia và Croatia đã gia nhập EU. 6 nước còn lại, trong đó đa phần là thuộc Nam Tư cũ như Serbia, Bosnia-Herzegovina, Montenegro, Bắc Macedonia, Kosovo, cùng với Albania đang còn chờ, nhưng đã hết kiên nhẫn. Thái độ mất kiên nhẫn được thể hiện rõ trong nhóm đi đầu gồm Albania, Serbia và Montenegro đã đàm phán với Bruxelles từ nhiều năm nay. Ngay 3 nước này cũng lo bị các nước láng giềng chậm chân gây chậm trễ lan truyền. Bosnia-Herzegovina và Macedonia chưa bắt đầu đàm phán gì cả. Kosovo còn chưa có được quy chế ứng cử viên “ảo”.

Cũng giống như những lần thượng đỉnh trước, kết quả lần này không ngoài dự đoán. Từ lâu nay, Bruxelles chỉ dừng lại ở những hành động hình thức ủng hộ các dự án của châu Âu, được xem như là để bảo đảm ổn định trong khu vực. Phát biểu tại Slovenia ngày 6/10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khuyến khích 6 nước trên “đừng bỏ cuộc”, “mục đích đang trong tầm tay”. Dĩ nhiên lãnh đạo của 6 nước ứng viên không che giấu thất vọng nhưng vẫn giữ hy vọng EU giữ ý định mở rộng. Điều trớ trêu là xu hướng nghiêng theo châu Âu của giới lãnh đạo Balkan xảy ra vào lúc viễn cảnh gia nhập xa dần. Tất cả các nhà lãnh đạo trong vùng, kể cả phe dân tộc chủ nghĩa tại Serbia, đều lấy mục tiêu gia nhập EU làm chính sách. Điều an ủi duy nhất của lần thượng đỉnh châu Âu - Balkan này là khối 27 nước đã chấp nhận đưa thêm vào tuyên bố chung “cam kết của EU về tiến trình mở rộng khối” để tránh 6 nước ứng viên bị mất niềm tin. Tuy nhiên, tuyên bố chung không hề đề cập đến đề nghị của Slovenia, nước giữ chức chủ tịch luân phiên, là cam kết thời hạn kết nạp từ giờ đến năm 2030.

Các nước thuộc Nam Tư cũ trong thế kẹt giữa châu Âu-Nga và Trung Quốc
Các nước thuộc Nam Tư cũ trong thế kẹt giữa châu Âu và Nga

Lập trường của EU là 6 nước miền tây Balkan phải tiến hành thành công các cải cách để ổn định chính trị, làm trong sạch ngành tư pháp, khu vực công, đẩy lùi nạn tham nhũng và giúp cho các chuẩn mực và giá trị của châu Âu được tôn trọng. Nội bộ EU có nhiều bất đồng lớn về việc kết nạp thêm 6 nước Balkan. Việc kết nạp được Áo, Hungary và Slovenia ủng hộ. Một số nước lo ngại làn sóng di dân, số khác cho rằng các nước ứng viên không có những cải cách quan trọng, như về nhà nước pháp quyền hoặc chống tham nhũng. Ngoài ra, vùng Balkan cũng trở thành địa bàn chiến lược của Nga và Trung Quốc. Hai nước không ngừng tìm cách mở rộng ảnh hưởng thông qua ngoại giao vắc-xin Covid-19. Trước đó, Bắc Kinh cho Montenegro vay 1 tỉ đô la để đầu tư cơ sở hạ tầng.

Thượng đỉnh lần này còn bị phủ bóng 2 vấn đề lớn khác có quan hệ mật thiết với nhau: vị trí của EU trước 2 siêu cường đối thủ Mỹ và Trung Quốc; việc xây dựng hệ thống phòng thủ châu Âu. Liên quan đến vấn đề thứ hai, Tổng thống Pháp đã không thuyết phục được các nước thành viên EU về kế hoạch phòng thủ chung châu Âu. Theo nguyên thủ Pháp, EU có thể giữ một vai trò chiến lược cùng với Mỹ tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương trong nhiều lĩnh vực: thương mại, an ninh, quốc phòng và bảo vệ tự do lưu thông hàng hải. Tuy nhiên, theo quan điểm của Reuters, chiến lược “tự chủ quốc phòng” mà Pháp đề xướng từ nhiều năm qua, vẫn khó thuyết phục nhiều nước Trung - Bắc Âu, vẫn muốn duy trì quan hệ đối tác quốc phòng với Washington. Những người thân cận của Tổng thống Pháp nói về “một mức hội tụ cao, không có bất đồng” giữa các nước EU. Thế nhưng cũng có những phát biểu phấn khởi hơn, ví dụ, theo ông Clément Beaune, Bộ trưởng Ngoại giao các vấn đề châu Âu trong chính phủ Pháp, “buổi tranh luận không phải là vô ích”. Ông Beaune nhắc lại ý tưởng không phải là để NATO đối lập với lực lượng phòng thủ tương lai của châu Âu. Như muốn trấn an các nước vùng Balkan rất gắn bó với liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, ông Beaune nói: “Phải vượt qua được những đối lập và những mâu thuẫn đã cản trở chúng ta trong các cuộc tranh luận cấp châu Âu hơi khó hiểu hoặc hơi lý thuyết. Khi nói đến an ninh mạng, khi nói đến cam kết ở vùng Sahel, chúng ta có gần 10 nước châu Âu cùng sát cánh, ví dụ trong Task Force của lực lượng đặc biệt Takuba. Mọi việc được nói rõ. Vì thế hãy thoát khỏi những cuộc thảo luận ít nhiều mang tính lý thuyết và cùng hành động một cách cụ thể”.

Vấn đề cuối cùng, như trong thư mời họp tại Slovenia, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel kêu gọi “một cuộc thảo luận chiến lược về vai trò của EU trên trường quốc tế”. Đến tháng 3/2022, khi Pháp làm chủ tịch luân phiên EU, nhóm 27 nước này sẽ phải thông qua “La bàn chiến lược của EU”, được xem như sách trắng về quốc phòng của châu Âu. 27 thành viên sẽ phải đạt được đồng thuận để tiến bước sau bài học rút ra từ các sự kiện đã xảy ra gần đây. Thế nhưng, các chuyên gia nhận định điều này diễn ra chậm chạp. Đường lối với Bắc Kinh là rất khác nhau giữa các quốc gia thành viên EU. Trong khi Litva đã bước vào thế đối đầu với Trung Quốc, thì Hungary vẫn tiếp tục “quyến rũ” Bắc Kinh. Thủ tướng Orban Victor bị xem là lãnh đạo chính trị thân Trung Quốc nhất ở EU. Vì thế, châu Âu sẽ không thể có sự đồng thuận để cùng Mỹ chống Trung Quốc. Trong khi thỏa thuận đầu tư EU và Trung Quốc ký kết hồi tháng 12/2020 vẫn đang bị đình hoãn, một số nước cho rằng có thể đã đến lúc phải tìm cách tái kích hoạt thỏa thuận này. Một cuộc trao đổi giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 10 này.

Tổng thống Pháp Macron lưu ý châu Âu phải khẳng định quyền tự chủ chiến lược và có tính đến sự phát triển các mối ưu tiên của Mỹ. Ông Macron nhấn mạnh trong hơn 10 năm qua, Mỹ tập trung trước hết vào chính mình và có những mối quan tâm chiến lược hướng tới Trung Quốc và Thái Bình Dương, vì thế sẽ là ngây thơ, thậm chí là phạm sai lầm khủng khiếp nếu châu Âu không biết tự rút ra bài học. Theo ông, EU phải trở nên năng động hơn và hiệu quả hơn khi nhắc lại những diễn biến tại Afghanistan, thông báo thành lập liên minh AUKUS giữa ba nước Anh - Mỹ - Úc gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao với Pháp, cũng như là mối quan hệ với Trung Quốc. Ông Macron cho rằng cuộc khủng hoảng tầu ngầm vừa qua là một cơ hội mà EU cần nắm bắt.

Châu Âu tìm cách thoát khỏi Mỹ trong cuộc chơi với Trung QuốcChâu Âu tìm cách thoát khỏi Mỹ trong cuộc chơi với Trung Quốc
Mỹ cảnh báo “các khoản hối lộ” của Trung Quốc ở BalkanMỹ cảnh báo “các khoản hối lộ” của Trung Quốc ở Balkan
Nga thanh sát vùng trời các quốc gia BalkanNga thanh sát vùng trời các quốc gia Balkan
23 đài tưởng niệm khổng lồ bị lãng quên từ thời Nam Tư cũ23 đài tưởng niệm khổng lồ bị lãng quên từ thời Nam Tư cũ

H.Phan

AFP