Ca sĩ Hồ Trung Dũng: “Bản thân nhạc xưa không có lỗi!”

07:34 | 13/09/2013

728 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Khi có quá nhiều những ca khúc được viết và hát dễ dãi thì người nghe càng tìm về những sản phẩm nghiêm túc” – Ca sĩ Hồ Trung Dũng chia sẻ về lý do “lên ngôi” của nhạc xưa trong thời gian gần đây!

>> Nhạc xưa đang lấn át nhạc nay?

- Thời gian gần đây công chúng nhắc nhiều đến khái niệm nhạc xưa, nhạc sến để so sánh với dòng nhạc sang. Tôi muốn hỏi, Hồ Trung Dũng nghĩ gì về những dòng âm nhạc này ?

- Thực ra đó cũng là cách người ta đặt tên để dễ dàng phân định dòng nhạc hơn thôi. Còn ranh giới giữa nhạc xưa, nhạc sến và nhạc sang cũng thật khó để phân định. Mỗi dòng nhạc lại có những giá trị nhất định và có khán giả riêng, thể loại nào cũng cần có sự trau chuốt về mặt ngôn từ, có khác chăng là được đầu tư nhiều hay ít và phục vụ đối tượng khán giả khác nhau. 

"Tôi không phân biệt các dòng nhạc"

Tôi không hát “nhạc sến”, nhưng cũng biết khá nhiều, vì từ nhỏ mẹ tôi vẫn thường nghe, và tôi đặc biệt thích những ca khúc trữ tình xưa, có lẽ vì giai điệu đẹp, ca từ mang nhiều tính văn chương, nhưng vẫn gần gũi dễ đi vào lòng người. Bản thân những ca khúc mà chúng ta thường gọi là “xưa”, là “sến” cũng không có lỗi, nó phù hợp với cảm xúc và bối đại của thời đại đó. Và việc “sến” hay không còn phụ thuộc vào người hát. Thực tế là có nhiều người hát nhạc “sến” nhưng vẫn thấy không “sến” và ngược lại.

Ngoài ra, có cầu thì mới có cung, với mỗi dòng nhạc, nếu bạn được khán giả tiếp nhận đã là thành công của dòng nhạc đó. Còn nghệ sĩ khi làm nghệ thuật, ngoài việc thể hiện những cảm xúc cá nhân còn là để phục vụ công chúng. Do đó, cần dung hòa được cả hai yếu tố cá tính âm nhạc và thị hiếu khán giả. Riêng tôi không phân biệt nhạc “thị trường” hay không thị trường, “sến” hay “sang” mà phân biệt giữa những sản phẩm được đầu tư nghiêm túc hay không nghiêm túc mà thôi.

 - Nhưng nhìn nhận về mặt bằng chung thì có ý kiến cho rằng: Nhạc xưa đang lấn át thị trường âm nhạc đương đại. Như vậy có phải chăng là nền âm nhạc thay vì phát triển lại quay trở về hoài cổ?

- Theo mình thì không lấn át quá đâu. Nó chỉ phát triển song song và từ trước đến nay có nở rộ thì cũng không phải là toàn bộ bộ mặt của nền âm nhạc. Mà nhạc xưa cũng không phải là sự trở lại, từ trước tới nay nó vẫn âm thầm tồn tại, nó không mất đi thì đâu gọi là trở lại. Chỉ là khi có quá nhiều những ca khúc được viết và hát dễ dãi thì người nghe càng tìm về những sản phẩm nghiêm túc mà thôi. Vì thế, tôi tin rằng, dù ở dòng nhạc nào, để tác phẩm của mình trụ lại lâu trong lòng khán giả thì luôn cần tài năng và cả cái tâm nữa.

Hiền Thục có lượng khán giả riêng với nhạc xưa

 - Anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, thanh niên thì không nên nghe nhạc xưa, nhạc sến?

- Không nên áp đặt điều đó vì nó thuộc về quyền thưởng thức nghệ thuật của mỗi người. Bản thân tôi không nghe nhưng tôi cũng không đánh giá nó là xấu. Nghệ thuật rất khó nói, nên cũng không gượng ép nó đi theo một khuôn khổ nào. Cả người nghe cũng vậy, tôi nghĩ chúng ta cũng không nên đóng khung với riêng một dòng nhạc nào, và từ chối những cái mới khi chưa tìm hiểu về nó. Nhưng ngược lại, cũng không phải cái gì cũng nghe. Thời nào cũng có nhạc nghe được và nếu bạn thật sự yêu âm nhạc thì hãy phát triển cho mình một thói quen nghe có chọn lọc. Đó là một điều vô cùng quan trọng để nền âm nhạc có thể phát triển một cách lành mạnh.

- Nhưng có nhiều sự lo ngại rằng, cứ nghe và thưởng thức âm nhạc một cách dễ dãi như thường thấy ở nhạc sến thì vô hình trung sẽ đem đến sự lệch “gu” về thưởng thức âm nhạc?

- Tôi nghĩ rằng “gu” thưởng thức hiện tại cũng có vấn đề rồi, chứ không phải đợi một dòng nhạc nào đó lấn át. Tôi có cảm giác là số đông khán giả đang nghe nhạc thôi chứ chưa có khái niệm thưởng thức âm nhạc. Hơn nữa, điều đáng buồn là tâm lý nghe nhạc “free” là chủ yếu, đối tượng bỏ tiền ra mua một sản phẩm âm nhạc tử tế là rất ít. Đương nhiên, một sự thật là bạn bỏ tiền túi ra mua một sản phẩm âm nhạc thì bạn phải thật sự nhìn ra được cái giá trị mà nó mang lại lớn hơn hoặc ít nhất bằng với số tiền mà bạn bỏ ra. Bạn phải hiểu được nó để cảm thấy được giá trị của nó. Còn chưa hiểu thì làm sao gọi là “yêu” được.

Đó là chưa kể đến hướng khai thác của ta hiện tại cũng ngược. Không phải nhạc sĩ hay ca sĩ định hướng dòng nhạc, sáng tác và chọn bài dễ dãi khiến người nghe lệch lạc. Mà ngược lại, đa phần là người nghe họ thích nghe gì thì người nghệ sĩ đáp ứng nhu cầu đó. Tìm hiểu thị hiếu người nghe đã là việc mà bấy lâu những nghệ sĩ phải làm. Một ca khúc với ca từ dễ nhớ, dễ thuộc cộng với việc hát đi hát lại nhiều lần, tuy ít những mới mẻ nhưng nghe riết rồi cũng quen và tâm lý tiếp nhận. Đó cũng là lý do để những ca sĩ mới họ chọn con đường dễ dàng này để đi, dễ dàng chinh phục đông đảo khán giả và dễ dàng nổi tiếng.

Gu thưởng thức của khán giả có vấn đề!

- Nhiều ý kiến cho rằng: Hiện tại nhạc sĩ thì bế tắc trong đề tài sáng tác, còn ca sĩ thì dễ dãi trong lựa chọn ca khúc. Điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đối tượng tiếp nhận là khán giả. Về phần mình, anh thấy có khó khăn quá trong việc lựa chọn ca khúc biểu diễn hay không?

- Cũng có phần khó. Bởi thứ nhất ca khúc mới cũng không phải là nhiều. Theo đó lại không phải ca khúc nào cũng hợp với chất giọng và phong cách của mình. Thêm nữa, nhiều khi mình muốn hướng đến một sản phẩm mang tính thử nghiệm hoặc đòi hỏi tính chuyên môn cao hơn thì lại khó tiếp cận khán giả hơn. Bài toán khó nhất với tôi vẫn là làm sao để dung hòa được cả hai yếu tố: hướng đến phục vụ khán giả nhưng làm sao vẫn đảm bảo được cái chất riêng, trung thành với cá tính cũng như định nghĩa về âm nhạc của bản thân. Nên cần một bản lĩnh vững vàng, nếu không sẽ bị lung lay trước sự lấn át của yếu tố thị trường.

Cảm ơn ca sĩ Hồ Trung Dũng!

Huy An (Thực hiện)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps