Brexit: Như chuyện đùa!

06:24 | 19/12/2018

255 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là nước Anh thực sự ra khỏi khối châu Âu. Nhưng tiến trình đàm phán Brexit tại nước Anh đang rối như tơ vò. Đúng lúc này đa số dư luận Anh lại muốn ở lại Liên minh châu Âu.  

Ngày 25/11/2018, lãnh đạo 27 thành viên trong Liên minh châu Âu đã phê chuẩn hiệp ước Brexit. Với Liên minh châu Âu, kết quả này là màn kết của 17 tháng nỗ lực đàm phán không ngừng để đạt một thỏa thuận "ly dị" (Brexit) khả dĩ nhất.

Vấn đề còn lại là ở nước Anh. Ban đầu Thủ tướng Anh Theresa May ấn định ngày 12/12/2018, Quốc hội Anh phải thông qua thỏa thuận Brexit ngày 25/11 nhưng sau đó bà đổi ý vì sợ thỏa thuận này không được thông qua. Ngày 17/12, bà May cho biết cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội Anh về thỏa thuận Brexit sẽ diễn ra trong tuần lễ 14/1/2019. Nhưng xem ra không có gì là chắc chắn cả.

Thủ tướng May ủng hộ thỏa thuận Brexit ký với châu Âu ngày 25/11 nhưng rất đông những người trong đảng bảo thủ của bà phản đối. Và không có gì đảm bảo là các nghị sĩ trong Quốc hội Anh sẽ thông qua thỏa thuận này.

brexit nhu chuyen dua
Biểu tình phản đối Brexit trước Quốc hội Anh ngày 17/12

Tối 12/12/2018, bà May suýt nữa thì bị chính đảng của mình phế truất qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, do các nghị sĩ bảo thủ phản đối thỏa thuận với Bruxelles đưa ra, may mắn vượt qua với 200 phiếu ủng hộ và 117 phiếu chống. 117 người, tức là một phần ba trong số 315 nghị sĩ của đảng bảo thủ không còn tin tưởng ở bà. Một kết quả không mấy dễ chịu, làm tổn hại đến uy tín của thủ tướng. Bà May lại thoát hiểm một lần nữa, nhưng đến bao giờ? Chiến thắng này là một đòn giáng vào những người chống đối, đặc biệt là làm im miệng nhóm Brexit cực đoan đã đưa ra kiến nghị bất tín nhiệm. Theo quy định của đảng, nay họ không thể truất phế bà Theresa May trong vòng một năm, và đành phải gác qua một bên ý định áp đặt một Brexit không có thỏa thuận.

Nhưng nếu bà May đã lấy ra được những viên sỏi trong chiếc giày, thì vẫn còn những chiếc gai nhọn khó gỡ: Quốc hội Anh nhất định chống lại thỏa thuận mà bà đã thương lượng được với Bruxelles. Thỏa thuận này có nguy cơ bị bác bỏ, ngay cả sau khi thủ tướng đã đi một vòng châu Âu để cố gắng đạt được một số nhượng bộ. Hơn nữa, một mối đe dọa khác vẫn tiềm tàng. Đó là một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm khác, lần này là đối với toàn bộ chính phủ, do Công Đảng đề xướng với sự ủng hộ của các đảng đối lập khác.

Sau khi thoát hiểm bằng khe cửa hẹp, bà May sang châu Âu “năn nỉ” các lãnh đạo EU nhượng bộ thêm đôi chút để bà dễ bề thuyết phục các nghị sĩ nước Anh. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu đã từ chối các đòi hỏi của thủ tướng Anh bằng một văn kiện rõ ràng. Bà May đã rời trụ sở của Hội đồng châu Âu trước 21 giờ ngày 13/12/2018 mà không phát biểu gì. Trong gần 45 phút trước đó, bà đã trình bày với các đối tác châu Âu về những khó khăn bà gặp phải trong nước để thuyết phục các nghị sĩ Anh thông qua thỏa thuận mà bà đã có được. Tóm lại, bà May muốn có thêm nhượng bộ, hay ít ra là thêm bảo đảm, từ phía các đối tác châu Âu.

Sau một bữa ăn tối kéo dài gần hai tiếng rưỡi, 27 lãnh đạo châu Âu đã ra một văn kiện gồm 5 điểm: họ khẳng định rằng thỏa thuận Brexit ký ngày 25/11/2018 không thể thay đổi. Về điểm gây tranh cãi nhất tại Anh là cơ chế Backstop, được thiết kế để tránh việc tái lập một đường biên giới thực tế giữa hai miền Nam và Bắc Ireland, Hội đồng châu Âu nhấn mạnh rằng điều khoản đó chỉ có giá trị tạm thời. Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Donald Tusk, nêu bật là cơ chế đó chỉ là một đảm bảo, và ngay khi được áp dụng, Bruxelles sẽ nhanh chóng đàm phán với London về một thỏa thuận thương mại rộng rãi sẽ có tác dụng thay thế cơ chế Backstop đó.

Chưa biết là liệu các đảm bảo từ phía châu Âu có đủ sức thuyết phục đối với các nghị sĩ Anh cứng đầu hay không, nhưng Ủy ban châu Âu đã chuẩn bị đối phó với tình huống xấu nhất: ông Jean Claude Juncker đã loan báo việc tăng cường các biện pháp đối phó với tình trạng nước Anh ra đi mà không có thỏa thuận.

Trở lại với nước Anh, bà May tuyên bố sẽ dứt khoát bác bỏ khả năng tổ chức lại một cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. Lý do rất đơn giản: một cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy đa số dân Anh giờ đây sẽ phản đối việc ra khỏi Liên minh châu Âu. Cách nay hơn 2 năm, trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6/2016 về việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, phe “Đi” đã chiến thắng với 51,9% số phiếu, so với 48,1% của phe “Ở lại”. Thế nhưng, theo một cuộc thăm dò ý kiến mới nhất của Viện BMG Research, được nhật báo Anh The Independant công bố hôm 15/12/2018, có đến 51% người được hỏi xác định không muốn rời Liên minh châu Âu. Tệ hơn nữa, tỉ lệ người ủng hộ Brexit chỉ còn 41%. Khoảng cách 10% giữa phe chống và phe ủng hộ Brexit là chênh lệch lớn nhất được ghi nhận kể từ cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2016 đến nay.

Làm gì bây giờ? Không chỉ có các nghị sĩ, và đây là điểm mới, mà cả một số bộ trưởng của bà May cũng bắt đầu tự hỏi là làm thế nào để phá vỡ thế bế tắc của Brexit, vào lúc mà theo nhận định ​​chung, thỏa thuận của thủ tướng không thể được phê chuẩn nếu vẫn giữ nguyên. Một ý tưởng thường xuyên được nêu lên trong những ngày gần đây là tổ chức một loạt những cuộc "bỏ phiếu lấy ý kiến" trong Quốc hội, cho phép các nghị sĩ đề cập một cách tự do đến các phương án khác nhau. Chẳng hạn như Brexit theo mô hình Na Uy hay mô hình Canada, hoặc một Brexit không có thỏa thuận, thậm chí tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai…

Nói tóm lại, đó sẽ là các cuộc tham vấn với hy vọng tạo ra được một đa số ủng hộ một Kế hoạch B, trong bối cảnh chẳng bao lâu nữa sẽ đến ngày định mệnh 29/3/2019, là ngày nước Anh thực sự ra khỏi khối châu Âu.

Từ nay đến trước ngày 14/1/2019, Quốc hội Anh sẽ phải có câu trả lời rõ ràng cho thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Theresa May đã ký với EU cho dù đó là phương án gì đi chăng nữa.

Ngày 17/12, Thủ tướng May cảnh cáo rằng bà sẽ không từ bỏ kế hoạch của mình, và các cuộc đàm phán với châu Âu sẽ tiếp tục ở London và Bruxelles trong tuần lễ giáng sinh, tức là các nghị sĩ Anh sẽ không được nghỉ lễ. Thế nhưng thái độ cứng rắn của bà, kèm theo với việc bà suýt nữa thì bị chính đảng của mình bỏ phiếu bất tín nhiệm, sẽ khó mà gây áp lực được các nghị sĩ Anh.

Xem ra tương lai Brexit còn rất mờ mịt. Trong một cuộc họp báo tối 13/12, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói rằng tình hình Brexit hiện “mù mịt” và “mơ hồ”. Các nhà ngoại giao cho biết các lãnh đạo khác của châu Âu cũng có lời phàn nàn tương tự mà họ đã nói thẳng với nhà lãnh đạo Anh vốn đang ngập ngụa trong khó khăn. Trong một phát biểu trước cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm bà ngày 12/12, bà May hứa sẽ từ chức trước cuộc tuyển cử vào năm 2022.

brexit nhu chuyen duaBrexit đang ở đâu và các bước tiếp theo?
brexit nhu chuyen duaBrexit đi vào ngõ cụt, dân Anh muốn bỏ phiếu lần hai để ở lại châu Âu

Th.Long

AFP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc