Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Rút kinh nghiệm trong ban hành văn bản

09:56 | 02/10/2013

456 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong số các câu hỏi gửi đến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trước thềm Kỳ họp Quốc hội, một số cử tri đã đặt vấn đề về hiện trạng xây dựng và ban hành một số văn bản pháp luật “rất thiếu tính thực tế và gây phản ứng rất dữ dội trong dư luận”. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã thẳng thắn trả lời các câu hỏi này.

“Cắt” cờ thi đua để chống bệnh thành tích

Về quy định trừ điểm thi đua đối với các trường có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp phổ thông cao vì cho rằng kết quả cao là có tiêu cực, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Kết quả chấm thẩm định của Bộ sau các kỳ thi tốt nghiệp THPT ở các địa phương cho thấy một số bài thi có kết quả điểm công bố khác biệt so với kết quả chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT…

Ngoài ra, công tác thanh tra cũng cho thấy, giám thị ở một số phòng thi chưa thực sự nghiêm túc và chưa làm tròn chức trách; Một số giám khảo không thực hiện đúng quy định của quy chế, thiếu tinh thần trách nhiệm; Một số giám khảo chấm sai, chấm không đúng đáp án và thang điểm, hạ thấp yêu cầu đánh giá bài làm của thí sinh so với hướng dẫn chấm; Công tác chỉ đạo, tổ chức coi thi, chấm thi, công tác kiểm tra, thanh tra trước, trong và sau kỳ thi chưa thực sự sâu sát và thiếu chặt chẽ.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.

Theo Bộ trưởng, về việc này, Bộ GD-ĐT đã có công văn thông báo tới các Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để tổ chức rút kinh nghiệm và xử lý những vi phạm theo quy định; đồng thời, đề ra những biện pháp cụ thể khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, nhằm tổ chức các kỳ thi trong thời gian tới của địa phương đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng: “Để duy trì và nâng cao kết quả cuộc vận động “Hai không”, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị Giám đốc Sở GD-ĐT toàn quốc để kiểm điểm, đánh giá kết quả tổ chức các kỳ thi năm 2011, thảo luận các chủ trương, giải pháp để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 và những năm tiếp theo.

Hội nghị đã thống nhất nhận định: Trong tình hình thực tế, với các điều kiện đảm bảo chất lượng của cả các địa phương, việc tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tăng đột biến so với các năm trước là chưa hợp lý và không để tỷ lệ tốt nghiệp vượt quá tỷ lệ của những năm trước và tỷ lệ tốt nghiệp Bổ túc THPT không cao hơn của THPT”.

Hội nghị Giám đốc Sở GD-ĐT toàn quốc tháng 3/2013 tiếp tục khẳng định quyết tâm thực hiện nghiêm túc những chủ trương trên và thống nhất: Chấm thẩm định ở cả 63/63 tỉnh, thành phố; Danh hiệu thi đua của những tỉnh, thành phố có tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2013 tăng cao so với những năm trước sẽ được xem xét, công nhận sau khi có kết quả chấm thẩm định của Bộ và việc xét thi đua, khen thưởng ngành GD-ĐT năm học 2012-2013 được thực hiện theo theo tinh thần đó.

Cộng điểm cho bà mẹ anh hùng: Chưa phù hợp

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: “Do trong quá trình soạn thảo và thẩm định văn bản, Ban soạn thảo Thông tư mong muốn văn bản phải mang tính bao quát tổng thể, nên đã quy định một số đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, mặc dù không trái với các Pháp lệnh và Nghị định, nhưng chưa phù hợp với thực tế ở nước ta, như quy định đưa Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào đối tượng được ưu tiên trong thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng”.

Bộ trưởng cũng khẳng định, nhận được ý kiến phản hồi của dư luận xã hội, Bộ GD-ĐT đã nghiêm túc tiếp thu, điều chỉnh kịp thời bằng việc ban hành Thông tư bãi bỏ quy định với những đối tượng ưu tiên không phù hợp với thực tế hiện nay tại Thông tư số 24/2013/TT-BGDĐT, đồng thời rút kinh nghiệm sâu sắc về soạn thảo, thẩm định và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Khánh An