Bộ trưởng Bộ Cứu tế Nguyễn Văn Tố và những chính sách xã hội đầu tiên

08:55 | 27/08/2020

409 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 28/8/1945, Ứng hòe Nguyễn Văn Tố được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa...
Bộ trưởng Bộ Cứu tế Nguyễn Văn Tố và những chính sách xã hội đầu tiên
Cụ Nguyễn Văn Tố (người đứng hàng đầu bên trái) cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lễ mít tinh vận động cứu đói tổ chức trước Nhà hát lớn Hà Nội năm 1945.

Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, Ứng hòe Nguyễn Văn Tố (1889 - 1947) là một nhà tri thức, nhà văn hóa với hiểu biết uyên thâm về lịch sử, văn hóa, ông trở thành một trong những người sáng lập và truyền bá chữ quốc ngữ. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, Nguyễn Văn Tố cùng với nhiều trí thức hăng hái tham gia công tác xã hội, xóa mù chữ bằng cách mở các lớp học nhỏ dạy chữ cho người dân lao động nghèo.

Ngày 28/8/1945, Ứng hòe Nguyễn Văn Tố được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cụ đã đem hết nhiệt tình cách mạng và tri thức uyên bác của mình đóng góp cho Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á vừa được thành lập.

Nhiệm vụ đầu tiên: Cứu đói

Chính quyền cách mạng non trẻ mới thành lập, đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và một trong những khó khăn lớn nhất đó chính là “giặc đói”. Trước đó, từ nửa cuối năm 1944, chính sách bóc lột của phát xít Nhật, thiên tai hạn hán, lũ lụt liên tiếp làm cho nạn đói ở miền Bắc dẫn đến hậu quả gần 2 triệu đồng bào Bắc Bộ bị chết đói. Để có thể huy động được sức mạnh của toàn dân trong giai đoạn hiểm nghèo này, Chính phủ Cách mạng xác định công việc đầu tiên và cấp bách là giải quyết những nhu cầu bức thiết của nhân dân.

Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ 6 việc cấp bách cần làm ngay, trong đó vấn đề số 1 được xác định là cứu đói.

Ngày 28/9/1945, trong bức thư gửi thư cho toàn thể đồng bào đăng trên Báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: “ Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy, tôi đề nghị đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa 1 bơ) để cứu dân nghèo”.

Bộ trưởng Bộ Cứu tế Nguyễn Văn Tố và những chính sách xã hội đầu tiên
Chân dung Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội Nguyễn Văn Tố

Hưởng ứng lời kêu gọi đó, ngày 2/11/1945, với cương vị là Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, ông Nguyễn Văn Tố đã quyết định thành lập Hội Cứu đói. Hội được thành lập đồng thời ở Hà Nội, Thuận Hóa, Sài Gòn và có chi nhánh tại các tỉnh, các làng với mục đích cứu dân khỏi đói, khỏi rét. Phương pháp hoạt động chủ yếu là tìm nguồn thực phẩm, tiền và vải do các nhà hảo tâm giúp đỡ; phát triển sản xuất, khuyến khích công việc đồng áng và trông nom đê điều; giúp đỡ nhân dân trong việc khai khẩn đất hoang hóa để đưa vào sản xuất.

Hội Cứu đói được thành lập đúng vào thời điểm cách mạng Việt Nam ở hoàn cảnh vô cùng khó khăn, hàng triệu đồng bào đang bị nạn đói đe dọa. Do đó, Hội nêu rõ đề thực hiện được nhiệm vụ đó, ở ba miền Bắc-Trung- Nam mỗi nơi đều thành lập một cơ quan y tế ở địa phương để thực hiện các công việc cứu tế và liên lạc với Hội Cứu tế của Chính phủ.

Cùng thời điểm này, xét thấy yêu cầu và nhiệm vụ của Chính phủ đặt ra là phải thực hiện ngay các biện pháp cứu tế xã hội, ngày 31/12/1945, Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội Nguyễn Văn Tố ra Sắc lệnh 63 về thành lập Hội Cứu tế xã hội với nhiệm vụ: Cứu giúp và vận động nhân dân tương trợ giúp đỡ những người lao động đói rách do thiên tai địch họa; những người mất sức lao động hoàn toàn và không có nơi nương tựa; Giúp đỡ, cải tạo những người chưa quen lao động do xã hội cũ gây ra như gái điếm, lưu manh, nghiện hút, cơ nhỡ,... và tạo điều kiện cho họ sinh sống.

Sắc lệnh yêu cầu ở mỗi miền Bắc - Trung - Nam phải thành lập một cơ sở y tế ở địa phương để có thể thực hiện tốt công tác cứu tế khi đời sống của nhân dân tại địa phương gặp khó khăn.

Ban Cứu đói có nhiệm vụ xem xét tình hình đời sống nhân dân trong nạn đói để ấn định phương pháp chẩn tế.

Ban Thóc gạo có nhiệm vụ thu mua thóc gạo, trông nom công tác vận tải để thiết lập các kho chứa gạo.

Ban Di dân tiến hành điều tra và tìm việc cho nạn nhân, với sự phối hợp của Bộ Canh nông và Bộ Lao động.

Đối với Ban Hội thiện cần tiến hành giám sát các hội có tính cách cứu tế xã hội tổ chức, xem xét sự thu chi của các hội đó.

Ban Dân sinh có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến các điều lệ trong quá trình cứu tế.

Để có sự thống nhất trong cách thức vận động của các tổ chức xã hội đồng thời đảm bảo hoạt động của Hội Cứu tế xã hội, ngày 18/1/1946, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố ra 2 sắc lệnh số 8, số 9 về giải tán các hội “Fondation Jules Bresvie” và hội “Bảo trợ phụ nữ và nhi đồng” do thực dân Pháp thành lập trước đó.

Ngày 28/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 67 thành lập Ủy ban tối cao Cứu tế và tiếp tế của Chính phủ với nhiệm vụ: “Xét tình hình kinh tế hiện thời và cần phải đề phòng nạn đói có thể tái diễn ở Bắc Bộ và một vài tỉnh ở Trung Bộ, nay cử một ủy ban tối cao tiếp tế và cứu tế, gồm Bộ trưởng các Bộ Kinh tế, Canh nông, Cứu tế. Ủy ban có toàn quyền hành động để nghiên cứu và thi hành những biện pháp cần thiết để tăng gia sản xuất để tiếp tế và cứu tế cho nhân dân trên toàn cõi Việt Nam”.

Thực hiện Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 15/11/1945 Bộ Cứu tế xã hội phối hợp với Bộ Quốc dân kinh tế ký Hiệp định số 41 BKT nêu rõ một loạt biện pháp nhằm khuyến khích tận dụng nguồn đất đai trồng màu cứu đói. Các biện pháp cứu đói lúc này được xác định: Đối với những người có ruộng phải khai báo với chính quyền địa phương về diện tích canh tác thực tế. Trong số đó, diện tích nào chưa canh tác thì cho những hộ thiếu ruộng trồng màu cứu đói. Người mượn ruộng phải đảm bảo canh tác hết số diện tích đó trước Tết âm lịch. Vì số lượng trâu bò bị chết trong trận lũ lịch sử và nạn đói nên sức kéo khan hiếm nghiêm trọng. Để khắc phục khó khăn này, các địa phương cần tổ chức sử dụng các loại nông cụ nhỏ và nhẹ để có thể sử dụng sức người thay cho sức kéo trâu bò.

Ngoài những biện pháp trên, Bộ Cứu tế xã hội phối hợp với Bộ Canh nông tổ chức thêm những cơ sở tăng gia tập thể, dùng nguồn đất công cộng còn trống như sân bãi, vỉa hè, bờ đê, vận động các cá nhân sử dụng tạm những mảnh vườn trống để tăng gia sản xuất.

Trên cương vị là người đứng đầu Bộ Cứu tế xã hội, theo lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố thực hiện nhiều chuyến “vi hành” đến các địa phương chỉ đạo thành lập Hội Cứu đói. Ban đầu, Hội được thành lập ở một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, sau đó nhanh chóng lan rộng khắp cả nước.

Từ các làng, xã, thôn, bản đến các xí nghiệp sản xuất, các cơ quan đều thành lập các hội lớn, nhỏ để vận động đồng bào đóng góp lương thực ủng hộ người nghèo. Các biện pháp ông đưa ra đã khơi dậy truyền thống yêu nước, nhân ái, đồng cam cộng khổ, đoàn kết đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau của toàn dân tộc trong hoàn cảnh hiểm nghèo.

Ngoài việc thành lập Hội Cứu đói, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố còn trực tiếp kêu gọi các địa phương hưởng ứng lời kêu gọi tương thân, tương ái của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện các biện pháp như “ Hũ gạo tiết kiệm” và “ những ngày đồng tâm nhịn ăn” nhằm kêu gọi đồng bào chia sẻ những khó khăn với những hoàn cảnh khó khăn. Công tác tuyên truyền vận động các nhà tư sản, điạ chủ bỏ tiền của, thóc gạo cứu đói cũng được chú trọng. Cả nước sôi nổi hưởng ứng, người người tham gia, không phân biệt giai cấp, đảng phái tôn giáo. Với sự đồng sức đồng lòng của nhân dân khắp cả nước cùng đánh đuổi giặc đói, đến cuối năm 1946 nạn đói đã gần được giải quyết.

Bộ trưởng Bộ Cứu tế Nguyễn Văn Tố và những chính sách xã hội đầu tiên
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố (1899-2019).

Chiến dịch chống nạn mù chữ

Dưới chế độ thực dân, phong kiến, sau Cách mạng tháng Tám thành công hơn 90% dân số nước ta bị mù chữ. Nhận thức vấn đề này, ngay sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói:“Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Chúng ta phải làm cho dân tộc ta không dốt. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”.

Lúc này, Nguyễn Văn Tố với tư cách là Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, đồng thời là một trong những thành viên hoạt động tích cực trong hội truyền bá chữ quốc ngữ đã hưởng ứng tích cực. Ông chủ trương kết hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa cơ quan học vụ của Nhà nước với các đoàn thể cứu quốc để đưa dân trí đến với hàng triệu đồng bào. Bộ Cứu tế xã hội phối hợp với Nha Bình dân học vụ đào tạo cấp tốc những đoàn cán bộ chuyên trách và tung về các địa phương để gây dựng cơ sở.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Bộ Cứu tế xã hội và Nha Bình dân học vụ đã tổ chức 3 lớp huấn luyện đào tạo đội ngũ cán bộ bình dân học vụ cho cấp tỉnh, trong đó có 1 số khoá dành đào tạo cán bộ cốt cán là người các dân tộc thiểu số.

Khoá huấn luyện đầu tiên ở Thủ đô Hà Nội mang tên là “Khoá học Hồ Chí Minh” khai giảng vào ngày 8/11/1945 đến ngày 24/11/1945 tại trường Kỹ nghệ, chủ yếu dành cho cán bộ tỉnh từ Thanh Hoá trở ra. Tiếp đó, khoá huấn luyện mang tên “Phan Thanh” mở từ ngày 18/11/1945 đến ngày 24/11/1945 với 67 uỷ viên và cán bộ bình dân học vụ thuộc các tỉnh Trung Bộ.

Trong lịch sử, chưa bao giờ dân tộc ta thể hiện được tinh thần ham học và đi học đông đến như thế. Nhờ đó, tỷ lệ người không biết chữ giảm xuống, dân trí nước ta được nâng lên rõ rệt. Hàng triệu đồng bào được tham gia học tập.

Lúc này, học tập trở thành nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi công dân. Chữ Cụ Hồ đã đến với mọi nhà, mọi người trong cả nước. Hàng vạn người biết chữ hăng hái xung phong mở lớp giảng dạy. Khắp nơi, từ miền xuôi lên miền ngược, từ thành thị đến nông thôn, đâu đâu cũng mở lớp và nhân dân nô nức đi học, những em bé 12, 13 tuổi đến các cụ già tóc bạc phơ, từ những phụ nữ có con nhỏ đến những người tàn tật. Nhân dân đi học đông đảo, đòi hỏi số lượng giáo viên rất lớn.

Nhờ sự đồng sức đồng lòng của quần chúng nhân dân mà nạn mù chữ nhanh chóng được thanh toán với hàng triệu người biết đọc, biết viết. Nền giáo dục cải cách với những nội dung mới nhằm nâng cao lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý chí cách mạng và truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta.

Nguyễn Văn Tố là nhà yêu nước, nhà cách mạng, người chiến sĩ kiên trung của của cách mạng Việt Nam. Ở bất kỳ cương vị nào, ông cũng đều trung thành, tận tụy, hết lòng vì dân, vì nước, cống hiến hết tài năng và sức lực của mình. Đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội thời gian không dài, nhưng ông đã có những đóng góp quan trọng vào việc củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng ngày đầu thành lập, đẩy lùi nạn đói lịch sử, cổ vũ tinh thần nhân dân chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Tác phong nhanh nhẹn, dứt khoát, gần gũi với những người lao động, ông đã nhạy bén, chủ động, sáng tạo đưa ra những quyết sách đúng đắn, cùng Chính phủ lái con thuyền cách mạng vượt qua mọi hiểm nghèo. Hình ảnh một vị Bộ trưởng giản dị, xông xáo, nhân hậu, lăn lộn cùng dân vận động thành lập Hội Cứu đói cùng Chính phủ và toàn dân bảo vệ thành quả cách mạng trong những năm 1945-1946 sống mãi cùng lịch sử dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, khi Đảng, Nhà nước ta đang lãnh đạo cả nước thực hiện những chủ trương lớn để nâng cao đời sống nhân dân như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống ở khu dân cư”; phong trào xóa đói giảm nghèo “Cả nước chung tay vì người nghèo, để không ai bị bỏ lại phía sau”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”,... trong điều kiện và hoàn cảnh lịch sử đã khác rất nhiều so với thời kỳ sau Cách mạng tháng Tám, nhưng những bài học kinh nghiệm về công tác vận động quần chúng nhân dân, tác phong đạo đức làm việc của đội ngũ cán bộ của thời kỳ Bộ Cứu tế xã hội mới ra đời và cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố vẫn mang giá trị thực tiễn sâu sắc đến ngày nay.

Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam bầu Quốc hội khoá I, cụ Nguyễn Văn Tố trúng cử tại tỉnh Nam Định. Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội ngày 2/3/1946, cụ được tín nhiệm bầu làm Trưởng Ban Thường trực đầu tiên của Quốc hội (nay là Chủ tịch Quốc hội). Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố đã điều hành phiên chất vấn đầu tiên của lịch sử tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa I trong hai ngày 30-31/10/1946. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Bộ trưởng trong Chính phủ đăng đàn giải đáp 88 câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về công tác của Chính phủ…

Theo Dân trí

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc