Bộ Công Thương triển khai các giải pháp phòng ngừa thiếu điện năm 2024

10:00 | 23/10/2023

326 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước những phân tích, dự báo và tiến độ triển khai các dự án nguồn và lưới điện, Bộ Công Thương đã và sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo các đơn vị thực hiện các giải pháp đảm bảo cung ứng điện trong năm 2024.

Cụ thể, EVN, các Tổng công ty Phát điện, các chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than phối hợp TKV, Tổng công ty Đông Bắc chủ động thỏa thuận, thống nhất khối lượng than cung cấp và tổ chức thực hiện, đảm bảo hiệu quả và tuân thủ quy định của pháp luật; Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác trao đổi thông tin với các đơn vị cung cấp than để đảm bảo sự chủ động trong việc khai thác, nhập khẩu than của các đơn vị tham gia cung ứng than.

5455-hinh
Khu vực miền Nam luôn trong tình trạng thiếu điện.

Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), các Tổng công ty Phát điện, các chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than phải tiếp tục tăng cường thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 2/12/2019, chịu trách nhiệm đảm bảo đủ than cho sản xuất điện, cũng như hạ tầng tiếp nhận than; Tăng cường công tác duy tu bảo dưỡng các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo độ khả dụng để đáp ứng theo nhu cầu phát điện của hệ thống điện quốc gia; Đảm bảo các điều kiện để có thể huy động phát theo nhu cầu của hệ thống...

Chủ đầu tư các nguồn nhiệt điện than chủ động thực hiện các giải pháp để đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, khắc phục tình trạng suy giảm công suất khi nhiệt độ môi trường tăng cao.

Bên cạnh đó, EVN/Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia chủ động xây dựng kế hoạch tích nước sớm các hồ thủy điện, đặc biệt là các hồ thủy điện chiến lược đa mục tiêu miền Bắc ngay trong thời gian lũ chính vụ năm 2023 và giữ mực nước cao trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024 để đảm bảo mục tiêu giữ mực nước các hồ tại thời điểm cuối mùa khô năm 2024 ở mức hợp lý, đảm bảo có đủ mức dự phòng công suất, điện năng.

Ngoài ra, các chủ hồ thủy điện chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch chủ động chuẩn bị nước cho sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu phụ thuộc vào lượng nước xả từ các hồ; sử dụng tiết kiệm tối đa lượng nước xả từ các hồ thủy điện đa mục tiêu miền Bắc phục vụ cấp nước đổ ải vụ Đông Xuân hàng năm.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đề xuất các giải pháp thực hiện cơ chế, chính sách hợp lý để khuyến khích người dân, doanh nghiệp phát triển điện mặt trời áp mái ở những khu vực điều kiện kỹ thuật lưới điện cho phép (khu vực miền Bắc, các khu đô thị, khu/cụm/nhà máy công nghiệp, các khu công sở, trường học, bệnh viện…; EVN/Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình lưới điện, đặc biệt là công trình đường dây 500 kV, trong đó đáng chú ý là công trình đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa - Nam Định - Phố Nối.

EVN và các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án nhập khẩu điện từ các nhà máy điện tại Lào. Bên cạnh đó, EVN chủ động phối hợp với các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan để sớm đưa các dự án năng lượng tái tạo vào vận hành, khai thác hợp lý nguồn năng lượng tái tạo cùng với các nguồn điện khác.

Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các Chủ đầu tư đẩy nhanh công tác đầu tư các dự án nguồn điện đang triển khai xây dựng như Ialy mở rộng, LNG Nhơn Trạch 3 & 4, Vũng Áng II, Quảng Trạch I, chú trọng đến các dự án năng lượng trong danh mục ưu tiên.

Theo dự báo, năm 2024 khả năng thiếu điện ở miền Bắc vẫn có thể xảy ra, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN, đánh giá: Nhu cầu điện hàng năm tăng trưởng cao, nhu cầu tiêu thụ điện (điện thương phẩm) giai đoạn 2016 - 2022 tăng trưởng bình quân 7,72%/năm. Trong đó, trong 4 năm 2016 - 2019 mức tăng trưởng lên tới 9,6%/năm.

Sản lượng điện thương phẩm bình quân trên một người dân năm 2022 ước đạt 2.425kWh/người, tăng 1,55 lần so với năm 2015 (1.566kWh/người). Nhu cầu sử dụng điện toàn quốc tăng cao đột biến, có thời điểm công suất tiêu thụ cực đại tăng cao đột biến như ngày 19/5/2023 lên tới 43.300MW (tăng 9,12% so với cùng kỳ).

"Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những chính sách quan trọng hàng đầu đã được Đảng và Nhà nước chỉ đạo, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên nhiên liệu trên thế giới đều tăng cao như hiện nay", ông Võ Quang Lâm chia sẻ.

Do vậy, bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, đầu tư, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tập đoàn EVN, TKV, PVN và các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, tích cực hơn nữa Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện, Quyết định số 279/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/3/2018 phê duyệt Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Hệ thống năng lượng mặt trời được lắp đặt giúp tiết kiệm điện năng hiệu quả
Doanh nghiệp nên đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời giúp tiết kiệm điện năng hiệu quả.

Về dài hạn, bên cạnh việc thực hiện quyết liệt và hiệu quả Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi Kế hoạch này được phê duyệt. Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về điện lực, trước mắt tập trung vào việc xây dựng Luật Điện lực sửa đổi..

Để đảm bảo cung ứng cao nhất nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống của nhân dân năm 2024, bên cạnh các giải pháp trên, Bộ Công Thương cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương rà soát, sớm xây dựng Kế hoạch xả nước đổ ải phục vụ cấp nước vụ Đông Xuân năm 2024 theo hướng sử dụng tiết kiệm tối đa, hiệu quả nguồn nước xả từ các nguồn thủy điện.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có hướng dẫn EVN, các Chủ hồ chứa thủy điện trong việc điều tiết linh hoạt, tích nước sớm các hồ thủy điện, đặc biệt là các hồ thủy điện chiến lược đa mục tiêu miền Bắc ngay trong thời gian lũ chính vụ năm 2023 và giữ mực nước cao trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024 để đảm bảo mục tiêu giữ mực nước các hồ tại thời điểm cuối mùa khô năm 2024 ở mức hợp lý, đảm bảo có đủ mức dự phòng công suất, điện năng cho hệ thống điện; Phối hợp với các Chủ hồ chứa thủy điện tăng cường chất lượng dự báo diễn biến thời tiết, nhất là các yếu tố thời tiết dị biệt; Hướng dẫn các Chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than vận hành các nguồn nhiệt điện than đáp ứng các tiêu chuẩn/quy chuẩn về môi trường, đảm bảo an ninh cung cấp điện.

Cùng với đó UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần kịp thời tháo gỡ khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng; Tăng cường thực hiện nghiêm, tích cực Chỉ thị Tiết kiệm điện trên toàn quốc; Sớm có quyết định đối với các công trình nguồn điện đã có chủ đầu tư, tuy nhiên, chậm triển khai công tác đầu tư xây dựng; Đẩy nhanh công tác lựa chọn nhà đầu tư khi Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được phê duyệt (Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo EVN, TKV, PVN và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai công tác đầu tư xây dựng các công trình điện đã được phê duyệt).

Hiện Bộ Công Thương đang tiếp tục chỉ đạo EVN và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia xây dựng kế hoạch cung cấp điện 2024 nhằm đảm bảo cao nhất việc cung cấp điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong năm tới.

P.V

Thủ tướng Chính phủ chỉ thị tăng cường tiết kiệm điệnThủ tướng Chính phủ chỉ thị tăng cường tiết kiệm điện
NMNĐ Thái Bình 2 nỗ lực sản xuất, góp phần bù lượng điện thiếu hụt cho miền BắcNMNĐ Thái Bình 2 nỗ lực sản xuất, góp phần bù lượng điện thiếu hụt cho miền Bắc
Xót xa khi vẫn còn tình trạng lãng phí điệnXót xa khi vẫn còn tình trạng lãng phí điện