Bộ Công Thương: Giao Tập đoàn nhà nước thí điểm điện gió ngoài khơi

13:45 | 20/07/2024

1,266 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, vừa trình Chính phủ đề án nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện tại Việt Nam. Theo đó, để phát triển điện gió ngoài khơi còn rất nhiều vướng mắc, quy định về pháp luật liên quan nên cần thận trọng.

Theo nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới, năng lượng gió ở Việt Nam có tiềm năng lớn nhất trong bốn nước của khu vực, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6 m/s ở độ cao 65m, tương đương công suất 512 GW.

Phát triển điện gió ngoài khơi cần thận trọng.
Phát triển điện gió ngoài khơi còn rất nhiều vướng mắc

Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng là xu thế tất yếu không thể đảo ngược, Việt Nam đã cam kết với quốc tế giảm phát thải khí carbonic về không (Net-zero) vào năm 2050 và các nguồn thủy điện lớn trong nước đã cơ bản khai thác hết, cần thiết phải thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, trong đó có điện gió ngoài khơi, phù hợp với xu hướng phát triển điện gió ngoài khơi trên thế giới đang gia tăng mạnh.

Theo Bộ Công Thương, việc hoàn thiện pháp luật liên quan đến phát triển điện gió ngoài khơi còn nhiều vướng mắc để thực hiện sao cho góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển điện gió ngoài khơi với phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan tới biển như: nuôi trồng thủy hải sản, hàng hải, môi trường. Đồng thời cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển điện gió ngoài khơi gắn với thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.

Quan điểm của Bộ Công Thương cho rằng, điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới tại Việt Nam, có liên quan tới quốc phòng, an ninh nên việc triển khai thực hiện cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng; Giai đoạn đầu tập trung giao Tập đoàn kinh tế nhà nước làm dự án thí điểm, tạo tiền đề để hoàn thiện quy định pháp luật; Việc giao nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tư nhân chỉ thực hiện sau khi có đánh giá toàn diện dự án thí điểm và hệ thống văn bản pháp luật đã hoàn thiện.

Do điện gió ngoài khơi có liên quan tới phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ của nhiều Bộ, ngành, nên việc nghiên cứu xây dựng và triển khai Đề án, dự án thí điểm cần có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của nhiều Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo Bộ Công Thương, đề án chỉ tập trung nghiên cứu phát triển điện gió ngoài khơi để phục vụ nhu cầu điện trong nước đến năm 2030 theo Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, trọng tâm là nghiên cứu các vướng mắc về pháp luật trong việc triển khai thực hiện nguồn điện này; không nghiên cứu nội dung liên quan tới điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu xuất khẩu và loại hình khác.

Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đến năm 2030 đạt 6.000 MW (chiếm tỷ lệ khoảng 4% công suất đặt toàn quốc), định hướng đến năm 2050 đạt từ 70.000 MW đến 91.500 MW (chiếm tỷ lệ từ 14,3 - 16%). Điện năng sản xuất của nguồn điện gió ngoài khơi ước đạt 21 tỷ kWh vào năm 2030 (chiếm 4% điện năng sản xuất toàn quốc) và khoảng 258 - 343 tỷ kWh vào năm 2050 (chiếm 21 - 25%).

Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có một dự án điện gió ngoài khơi nào nên không có kinh nghiệm về dự án điện gió ngoài khơi, có thể chưa lường trước được hết những xung đột giữa các ngành, lĩnh vực trong việc sử dụng chung không gian biển; những khó khăn, vướng mắc trong các quy định pháp luật; những khó khăn về mặt kỹ thuật liên quan đến phát triển và vận hành dự án điện gió ngoài khơi. Mặt khác, Việt Nam chưa có bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác về khảo sát tốc độ gió và tiềm năng gió từng vùng, địa phương cũng như tổng thể toàn quốc; hiện trạng địa hình, độ sâu đáy biển.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, suất đầu tư cho điện gió ngoài khơi là rất lớn, khoảng 2,5-3 tỷ USD/1.000 MW và thời gian thực hiện từ 6-8 năm kể từ lúc bắt đầu khảo sát. Như vậy, mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII đạt 6.000 MW vào năm 2030 là rất khó khả thi trong bối cảnh hiện nay.

Trong đề án, Bộ Công Thương nhấn mạnh, để giảm thiểu tác động bất lợi trong phát triển điện gió ngoài khơi, Việt Nam cần nghiên cứu tổng thể các khía cạnh liên quan tới phát triển điện gió ngoài khơi, xây dựng kế hoạch và lộ trình phát triển rõ ràng. Đồng thời, cần tăng cường nắm bắt thông tin thực trạng và mục tiêu phát triển của các nước để điều chỉnh lộ trình phù hợp cho Việt Nam, giảm thiểu tác động tiêu cực từ tác động tăng chi phí do do sự quá tải của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thành Công