Bầu cử Quốc hội Mỹ và sự tụt dốc của Obama

07:00 | 07/11/2014

1,230 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Change we need” không còn là khẩu hiệu của Barack Obama mà bây giờ là của cử tri Mỹ! Uy tín sút giảm nghiêm trọng của Obama đã không chỉ gây mất niềm tin đối với cá nhân ông mà còn ảnh hưởng đến đảng Dân chủ. Điều đó đã thể hiện ở cuộc bầu cử giữa kỳ với kết quả thành viên Dân chủ lần lượt bị hạ bởi Cộng hòa (bầu Thượng viện, Hạ viện lẫn Thống đốc).

Năng lượng Mới số 372

Nước Mỹ muốn thay đổi

Bầu cử giữa kỳ thường mang đến thay đổi cán cân quyền lực trong Quốc hội nhưng kết quả lần này là thất bại lớn đối với Dân chủ. Chưa lần nào kể từ năm 1980 mà phe Cộng hòa hạ gục hai thượng nghị sĩ Dân chủ đương nhiệm nhưng trong cuộc bầu cử 4/11/2014 họ đã đánh văng ít nhất là 3 người! Tại Hạ viện, Cộng hòa cũng một lần nữa giành chiến thắng và mở rộng cách biệt số ghế với tỷ lệ lớn nhất kể từ năm 1946! Cần nhắc lại, trong nhiệm kỳ một Obama, Dân chủ chiếm cả Thượng lẫn Hạ viện. Năm 2010, Dân chủ bắt đầu mất Hạ viện. Bây giờ, sau 8 năm, lần đầu tiên Cộng hòa kiểm soát hai viện.

Ông Barack Obama vẫn ngồi trong Phòng Bầu dục nhưng ông sẽ bị trói tay, một tổng thống “lame duck”. Tổng thống Mỹ vốn bị khống chế quyền lực bởi Quốc hội và sẽ càng mất uy thế khi Quốc hội nằm dưới quyền kiểm soát tuyệt đối của đảng đối thủ. Nhiều nghị trình của tổng thống phải điều chỉnh bởi sự thay đổi quyền lực sau cuộc bầu cử giữa kỳ. George W. Bush đã phải thay (Bộ trưởng Quốc phòng) Donald Rumsfeld sau khi phe Cộng hòa của ông mất quyền kiểm soát Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ 2006 trong bối cảnh cử tri Mỹ bất đồng cuộc chiến Iraq. Tổng thống Cộng hòa Ronald Reagan cũng thay nhiều viên chức cấp cao sau khi Dân chủ chiếm Thượng viện năm 1986 (Wall Street Journal).

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitch McConnell sẽ ngồi ghế thủ lĩnh phe đa số Thượng viện

Với ông Obama, kết quả bầu cử 4/11/2014 đã khiến ông mất một trong những đồng minh quan trọng nhất Thượng viện, người luôn ủng hộ nhiều chính sách của Nhà Trắng: Harry Reid, khi vị này được thay bằng thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell ở vị trí thủ lĩnh phe đa số Thượng viện. Cách duy nhất mà các tổng thống trước đây lâm vào tình trạng tứ bề thọ địch như ông Obama là thỏa hiệp, đặc biệt các vấn đề đối nội. Có một phỏng đoán mang tính tích cực từ cuộc bầu cử 4/11/2014: chính sách đối ngoại của ông Obama có thể buộc phải thay đổi, từ trạng thái tĩnh sang trạng thái động. Phe Cộng hòa đã chẳng liên tục chỉ trích chính sách ngoại giao “mềm mỏng” của Giáo sư luật Barack Obama là gì! Chủ Nhật ngày 9/11, ông Obama thực hiện chuyến công du 8 ngày đến Trung Quốc, Myanmar và Australia. Những chi tiết kịch bản cho chuyến đi được sắp lịch này có khả năng thay đổi vào giờ chót không, bởi ảnh hưởng từ cuộc bầu cử 4/11/2014? Gần như chắc chắn là không, nhưng 2 năm tiếp theo là giai đoạn mà ông Obama có thể chạy nước rút, nếu ông không muốn bị mang tiếng để lại một di sản ngoại giao đầy tiêu cực cho nước Mỹ.

Chính sách đối ngoại nửa vời 

Trong bài “Obama sẽ tỏa sáng thời hậu Nhà Trắng?” (BBC 30/10/2014), John Simpson (chủ biên trang Thế giới, BBC News) nhận định về ông Barack Obama: “Có rất nhiều điều ông có thể làm được. Và khi không còn bị những ngờ vực, tức giận vô lý nhắm vào mình, ông có thể làm nhiều hơn khi ông là Tổng thống. Một người đầy năng lực như vậy xứng đáng được có cơ hội tỏa sáng, thậm chí nếu ông không thể làm được điều đó khi tại nhiệm”.

“Bình luận” kiểu gì kỳ lạ thật! Đánh giá một nhà lãnh đạo (không chỉ trong chính trị mà cả doanh nghiệp hay nhiều lĩnh vực khác), phải xét đến những gì ông ấy làm được khi đương quyền chứ “tỏa sáng” sau khi không còn chức trách thì nói làm gì! Trong thực tế, ông Obama đang mất uy tín trầm trọng. Khảo sát mới đây (CNN/ORC International) cho thấy, gần 7/10 người Mỹ bày tỏ giận dữ với đường hướng nước Mỹ đang đi; và 53% người Mỹ bất đồng với cách điều hành của ông Obama (CNN 28/10). “Thông minh” và “hùng biện” dường như là chưa đủ để làm tổng thống Mỹ. Với những gì thể hiện, ông Obama có lẽ thích hợp ở vị trí thượng nghị sĩ hơn là ghế nguyên thủ Hoa Kỳ.

John Simpson viết: “Ông còn tại nhiệm 2 năm nữa, vì vậy viết điếu văn chính trị cho ông là hơi sớm”. 6 năm thật ra là quá đủ để “viết điếu văn chính trị” cho ông Obama, vì có thể hai năm còn lại vẫn chỉ là những dấu chấm than nối dài nhạt nhẽo và buồn tẻ như đã thấy (ở đây chỉ nói về chính sách đối ngoại). Thăm dò Wall Street Journal/NBC News cho biết, chỉ 31% cử tri ủng hộ chính sách đối ngoại của Obama (Wall Street Journal 15/10), thấp hơn 11 điểm so với tỷ lệ ủng hộ về khả năng điều hành tổng quát của ông (42%) - một “độ chênh” rộng nhất đối với bất kỳ tổng thống Mỹ nào kể từ thời Bill Clinton 1999. Cách xử lý ông Obama đối với lực lượng khủng bố ISIS và vấn đề Syria chỉ đạt ủng hộ 37% và 35% (so với 78% khi Ronald Reagan tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Mikhail Gorbachev năm 1985!). 31%! Đó thật sự là con số quá tệ (mất thêm 5% so với cuộc thăm dò CBS News trước đó 7 tháng, theo Washington Post 26/3) và có thể đó chưa phải là con số cuối cùng biểu thị sự đi xuống.

Chưa có giai đoạn nào trong ba thập niên trở lại đây mà chính sách đối ngoại của Mỹ mờ nhạt đến vậy, như thể nước Mỹ chấp nhận thoái bộ - sự tự thoái trào của một anh khổng lồ đang lộ vẻ mệt mỏi và không còn tinh thần cạnh tranh! Khó có thể nói Obama không làm gì nhưng ông chỉ làm nửa vời, bằng sự thận trọng thái quá đến mức mọi chiêu thức đánh ra đều không mang lại kết quả cụ thể và do đó khó có thể đúc kết để tạo ra cái gọi là học thuyết đối ngoại riêng biệt. Trên Washington Post (6/5/2014), David Ignatius viết: “Nội các Obama bỏ nhiều thời gian để nghĩ về những gì họ nói hơn là những gì họ làm”. Trên The New Republic (23/4/2014), Leon Wieseltier viết: “Quốc gia duy nhất mà Mỹ áp dụng chính sách ngăn chặn là chính nước Mỹ”! Trên Washington Post (22/9/2014), Richard Cohen đặt tựa bài của mình: “Chính sách đối ngoại không có kịch bản của Obama”…

Chưa bao giờ mà nội bộ một đảng chính trị Mỹ lại công khai bày tỏ bất mãn với tổng thống thuộc đảng mình đến vậy. Điệp khúc ta thán của các thành viên Nội các về Obama “thật sự là chưa từng có ở thời hiện đại” - nhận xét của Aaron David Miller, người từng làm việc cho nhiều đời tổng thống của cả hai đảng và hiện là Phó chủ tịch Trung tâm Học giả quốc tế Woodrow Wilson (Los Angeles Times 7/10). Việc cử tri Mỹ thể hiện bất mãn với tổng thống là bình thường nhưng sự sứt mẻ uy tín của ông Obama đã trở thành bất thường khi ông bị chỉ trích không chỉ bởi cử tri hay đối thủ chính trị mà còn từ chính những người từng làm việc với ông.

Cần để ý, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara đã dằn nỗi bất bình trong chính sách Việt Nam của Tổng thống Lyndon Johnson suốt gần ba thập niên mới lên tiếng; và cựu Ngoại trưởng Warren Christopher đã bác bỏ tất cả đề nghị viết hồi ký để tránh phải bộc lộ ý kiến cá nhân về nội các mà mình từng làm việc. Bây giờ, ngay khi ông Obama còn đương chức, những cận thần cũ của ông lại sẵn sàng chùi nòng và bắn ra những phát pháo công kích dữ dội, trong đó có cựu Giám đốc CIA - cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta; cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Trong hồi ký “Worthy Fights” (phát hành ngày 7/10), Leon Panetta viết: “Rất thường xuyên, theo ý kiến tôi, Tổng thống (Obama) chỉ dựa vào cách lập luận của một giáo sư luật hơn là cảm xúc của một nhà lãnh đạo”, rằng ông Obama đã “né tránh đụng độ lẫn những lời than phiền trong khi bỏ qua nhiều cơ hội”. Thật khó có thể hình dung một tổng thống Mỹ luôn chọn giải pháp an toàn hơn là sẵn sàng đối đầu thử thách, chọn chính sách co cụm hơn là chủ động chặn đứng nguy cơ, chọn cách tiếp cận sự việc như thế đã rồi hơn là có một kịch bản xử lý vấn đề trước khi nó kịp diễn biến ở thế cục tồi tệ hơn. Syria, Crimea, Biển Đông… là những nơi mà người ta chứng kiến các đối thủ chính trị thế giới của Mỹ đã tận dụng tốt cơ hội thả lỏng của người khổng lồ mệt mỏi.

Sàn đấu chính trị thế giới của các tay chơi cỡ bự không bao giờ nhường chỗ cho võ sĩ nào tự chấp nhận từ bỏ quyền và khả năng thi đấu của mình. Như Robert Kagan đã viết trên The New Republic (26/5): “Các siêu cường không thể nghỉ hưu”! Hoặc trở lại võ đài và giao đấu với tinh thần và tâm lý của kẻ thủ thắng; hoặc tiếp tục ăn vào cái vốn sẵn có, cho đến thời điểm nào đó, ngẩng lên thì thấy mình đã nằm bẹp dúm dưới chân kẻ khác.

Chế độ lưỡng viện Hoa Kỳ

Thượng viện (The Chamber) lẫn Hạ viện (The House) nằm trong tay hai đảng: Cộng hòa và Dân chủ. Phe nào có số thành viên đông hơn thì nắm quyền kiểm soát (với sự chỉ đạo của thủ lĩnh phe đa số). Ít có ứng cử viên độc lập thành công trong cuộc chạy đua vào Quốc hội. Quyền hạn Thượng viện - Hạ viện gần như tương đương và họ có thể kiểm soát cũng như khống chế nhau để tránh tình trạng lạm quyền. Chỉ Hạ viện mới có quyền đề xuất chính sách thuế nhưng Thượng viện có quyền chuẩn y - phủ quyết bất kỳ dự luật thuế nào. Chỉ Hạ viện mới có quyền yêu cầu điều tra luận tội tổng thống nhưng chỉ Thượng viện mới có quyền xét xử.

Hạ viện không có hai quyền quan trọng: 1/ Chỉ Thượng viện mới có thể chuẩn y các hiệp ước mà tổng thống đàm phán với nước ngoài (tuy nhiên, Hạ viện có thể biến hiệp ước được Thượng viện chuẩn y thành đống giấy lộn một khi không đồng ý cấp ngân sách); và 2/ Chỉ Thượng viện mới có quyền chuẩn y sự bổ nhiệm thành viên nội các của tổng thống (tuy nhiên, do các thành viên nội các làm việc ở những lĩnh vực mà các ủy ban Hạ viện giám sát nên họ có thể gây trở ngại nếu muốn).

Quốc hội và nội các Mỹ hoàn toàn độc lập, không thành viên Quốc hội nào có chân trong nội các và ngược lại. Quốc hội (lưỡng viện) có quyền phủ quyết bất kỳ ý kiến nào của tổng thống (nếu đạt được 2/3 phiếu ở cả hai viện). Theo Hiến pháp, tổng thống không có quyền buộc Quốc hội làm theo ý mình nhưng Nhà Trắng có thể khiến Quốc hội chấp thuận vài chính sách, nếu có thể thực hiện thành công chiến dịch kêu gọi ủng hộ công chúng (cử tri). Tuy nhiên, tổng thống có quyền phủ quyết dự thảo luật thông qua từ Quốc hội. Khi cả hai viện đồng ý thông qua một dự thảo luật, họ gửi nó đến Nhà Trắng và tổng thống có 10 ngày để ký hoặc trả lại Quốc hội.

Sau 10 ngày mà tổng thống không ký hoặc không trả lại, một trong hai khả năng xảy ra: 1. Dự luật đương nhiên thành luật - nếu trong thời gian Quốc hội còn tiến hành đại hội (congressional session); và 2. Dự luật đương nhiên bị phủ quyết - nếu trong thời gian Quốc hội không tiến hành đại hội (mỗi năm chỉ có một congressional session, thường kéo dài khoảng 1 tháng, từ ngày thứ Hai (Monday) đầu tiên của tháng 12 đến ngày 3/1 năm sau). 


M. Kim