Thị trường LNG toàn cầu

Bất ổn trước mùa đông lạnh giá

10:44 | 14/06/2022

501 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Những người mua và bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên toàn cầu đang chuẩn bị tinh thần đối với rủi ro từ nguồn cung của Nga và triển vọng nhu cầu không rõ ràng từ châu Âu và Trung Quốc khi mùa đông lạnh giá đang đến gần.
Bất ổn trước mùa đông lạnh giá
Một tàu chở LNG

Mất cân bằng cung cầu

Theo các chuyên gia, thị trường LNG hiện đang bị mất cân bằng cung cầu. Nhập khẩu LNG toàn cầu đạt 372,3 triệu tấn vào năm 2021, tăng 4,5% so với năm 2020, nhóm các nhà nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng quốc tế (GIIGNL) cho biết trong báo cáo hằng năm. Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đã trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới trước Nhật Bản. GIIGNL giải thích: “Những kỷ lục nhập khẩu được thúc đẩy bởi sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ cũng như sự tăng khí đốt để sản xuất điện và chuyển đổi từ than sang khí đốt”.

Nhưng kể từ khi Nga mở cuộc chiến ở Ukraine vào cuối tháng 2-2022, châu Âu đang tìm cách tăng cường nhập khẩu LNG để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, vốn chủ yếu đến bằng đường ống. LNG cũng có thể được vận chuyển bằng tàu từ mọi nơi trên thế giới.

Chủ tịch GIIGNL Jean Abiteboul cho biết: “Thị trường LNG đang phát triển nhanh chóng và những đợt tăng giá gần đây cho thấy sự mất cân bằng về cơ cấu giữa nhu cầu và tốc độ tăng trưởng nguồn cung”.

Về nguồn cung, sản xuất LNG trên thế giới chỉ tiến triển một cách khiêm tốn. Mỹ đã đưa ra thị trường thêm 22,3 triệu tấn vào năm 2021. Jean Abiteboul cho biết thêm: “Sự biến động giá cả trở nên trầm trọng hơn do xung đột Nga - Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu hiện nay đang là một lời nhắc nhở rõ ràng về vai trò quan trọng của LNG trong việc bảo đảm an ninh năng lượng và ổn định kinh tế”.

Tại châu Âu, Đức gần đây đã bỏ ra 3 tỉ euro để trang bị các bến nhập khẩu LNG nổi mà Đức chưa có. Pháp đã có 4 terminal LNG và có kế hoạch lắp đặt 1 terminal nổi nữa.

Thực tế bất ổn

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga đã làm gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu, đẩy giá khí đốt toàn cầu lên mức cao lịch sử vào đầu năm 2022, làm dấy lên những lo ngại về an ninh năng lượng.

Ngoài tình hình thời tiết khó lường, vẫn chưa rõ liệu nguồn cung khí của Nga sang châu Âu có bị cắt giảm thêm hay không? Các công ty năng lượng cho biết, họ cũng không chắc liệu châu Âu có thể kịp thời xây dựng cơ sở hạ tầng nhập khẩu LNG mới để thay thế khối lượng lớn của Nga hay không?

Một câu hỏi khác: Khi nào Trung Quốc sẽ dỡ bỏ các hạn chế xã hội vì Covid-19, vốn đã làm giảm nhập khẩu LNG trong 5 tháng đầu năm 2022?

Bất ổn trước mùa đông lạnh giá
Tàu chở khí LNG của Arctic Discoverer (Đức)

Steve Hill, Phó giám đốc điều hành của Shell, cho biết tại Hội nghị Khí đốt thế giới: “Chúng ta không thể chắc chắn về những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nếu chúng ta chuyển khối lượng khí đốt của Nga được vận chuyển bằng đường ống sang châu Âu năm 2021 thành lượng LNG tương đương và cộng khối lượng LNG được chuyển đến châu Âu vào năm 2021, thì con số này lên tới 200 triệu tấn LNG tương đương, bằng một nửa sản lượng của ngành công nghiệp LNG toàn cầu hiện tại. Những hạn chế về cơ sở hạ tầng phát sinh khi các dòng khí chuyển dịch từ tây sang đông, thay vì từ đông sang tây, đã làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn chúng ta nghĩ ban đầu”.

Peder Bjorland, Phó giám đốc tiếp thị và kinh doanh khí đốt tự nhiên của Equinor, nhận xét: “Dòng chảy thay đổi đã tạo ra một “thị trường kỳ lạ”, nơi một số quốc gia ở châu Âu, chẳng hạn như Anh, có nguồn cung vượt cầu, nhưng lại không có cơ sở hạ tầng để vận chuyển khí đến các nước như Đức. Thực tế này có thể tạo động lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng để giảm tắc nghẽn. Nhưng việc xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ mất nhiều thời gian. Đức đang xây dựng một terminal LNG và ký hợp đồng xây dựng các đơn vị lưu trữ nổi và tái hóa khí khác”.

“Đó là một cuộc chạy đua với thời gian. Chúng tôi tin rằng các cơ sở tái khí hóa có thể sẽ hoạt động trước khi kết thúc mùa đông, không phải vào đầu mùa đông” - Michael Stoppard, chuyên gia về chiến lược khí đốt toàn cầu tại S&P Global Commodity Insights, khẳng định.

Một mùa đông khắc nghiệt ở Bắc bán cầu cũng có thể châm ngòi cho sự cạnh tranh về khí đốt giữa châu Âu và châu Á và làm tăng giá LNG.

Anatol Feygin, Phó giám đốc điều hành của Cheniere Energy, cho biết: “Khi chúng ta bước vào mùa đông, các thị trường như châu Á sẽ thực sự cạnh tranh về khí đốt”.

Tuy nhiên, một giám đốc điều hành tại một công ty nhập khẩu khí đốt Trung Quốc cho hay, người mua LNG nhiều khả năng sẽ bước vào mùa đông năm nay với sự chuẩn bị tốt hơn so với năm ngoái do các nước châu Âu như Đức và Italia yêu cầu mức tồn kho tối thiểu.

Thực tế, người mua đang tăng lượng hàng tồn trữ trước mùa đông, điều đó hỗ trợ giá LNG giao ngay tại châu Á ở mức gần gấp 3 lần mức giá hồi tháng 5-2021. “Năm 2022 không quá bi quan vì mọi người đều đang tích cực chuẩn bị cho mùa đông”, ông Feygin nói.

Meg O'Neill, Giám đốc điều hành của Woodside Energy Group, cho rằng, giá LNG sẽ duy trì ở mức cao trong năm tới do sự gián đoạn nguồn cung. Những bất ổn thị trường và biến động giá cả đã khiến người mua LNG ở châu Á và châu Âu tìm kiếm những nguồn cung dài hạn. Cung và cầu LNG sẽ phụ thuộc vào việc Nga có cắt nguồn cung cho nhiều khách hàng EU hơn sau khi ngừng giao hàng cho Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan hay không, cũng như mùa đông tới ở châu Âu và châu Á sẽ lạnh giá như thế nào?

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga đã làm gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu, đẩy giá khí đốt toàn cầu lên mức cao lịch sử vào đầu năm 2022, làm dấy lên những lo ngại về an ninh năng lượng.

S.Phương