Bão Yinxing sắp đổ bộ miền Trung, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống
Chiều 8/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuộc họp để triển khai công tác ứng phó với bão số 7. Thông tin về diễn biến cơn bão, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết hồi 13 giờ, vị trí tâm bão ở trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất cấp 14, giật cấp 17.
Trong những giờ tới, bão số 7 được nhận định sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, với tốc độ 15km/giờ. Dự kiến hồi 13 giờ ngày 9/11, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 420km về phía Đông Bắc và nhiều khả năng sẽ đổ bộ đất liền khu vực miền Trung vào đêm ngày 12, rạng sáng ngày 13/11.
Trước diễn biến của bão số 7, ngày 7/11/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 114/CĐ-TTg chỉ đạo chủ động ứng phó bão. Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận đề nghị triển khai ứng phó với bão. Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận chủ động triển khai ứng phó với ứng phó với bão theo công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến nay, có 14 tỉnh, thành phố ven biển đã ban hành công điện, văn bản triển khai ứng phó với bão Yinxing.
Dự báo vị trí và hướng di chuyển bão Yinxing lúc 17h00 ngày 08/11 (Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) |
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia qua phân tích, đánh giá, theo dõi các hệ thống mây vệ tinh nhận định bão số 7 sau khi qua đảo Luzon (Philippines) và tiến về khu vực đảo Hoàng Sa sẽ tương đối thuận lợi để mạnh lên. Tuy nhiên, khi đi sâu vào Biển Đông nhiệt độ bề mặt thấp cộng thêm không khí khô, không khí lạnh phía Bắc tràn xuống nên có thể bão sẽ suy yếu. Cường độ bão mạnh nhất của bão là từ chiều 8/11 đến khi đi qua phía Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sau đó, bão Yinxing sẽ giảm cấp.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá bão số 7 có cường mạnh, hướng di chuyển phức tạp; do đó các địa phương cần tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó trên tinh thần chủ động cao nhất. Nhiệm vụ trọng tâm những giờ tới là tập trung rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven biển; thu hoạch sớm sản phẩm thuỷ sản đã đến thời kỳ thu hoạch; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp.
Đối với ven biển và trên đất liền, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương tổ chức gia cố, chằng chống nhà ở, kho tàng, biển hiệu, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy; chặt tỉa cành cây. Sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, cửa sông, ven biển. Bên cạnh đó, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; chủ động vận hành hồ chứa đảm bảo dung tích đón lũ theo quy định. Đồng thời, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
T.T
-
Kiểm tra, đề xuất phương án xử lý sạt lở bờ biển gần Khu xuất sản phẩm đường bộ NMLD Dung Quất
-
Quảng Nam: Động đất khiến hàng chục tấn đất đá lăn xuống gần khu dân cư
-
Hồ lớn nhất thế giới đang dần cạn
-
Quảng Ngãi: Phát hiện 3 bồn kim loại bị sóng đánh trôi dạt vào bờ
-
Quảng Nam: Các hồ thủy điện theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lớn để chủ động điều tiết nước