Bảo tồn di sản sau vinh danh

17:39 | 02/01/2018

579 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mới đây, nghệ thuật bài chòi Trung Bộ, hát xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Một lần nữa, câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị di sản hậu vinh danh lại trở thành vấn đề nóng.

Với 24 di sản thế giới và 221 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Việt Nam đã chính thức ghi tên mình vào danh sách những “cường quốc di sản” trên thế giới. Đầu tháng 12-2016, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đến tháng 12-2017, nghệ thuật bài chòi Trung Bộ, hát xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.

bao ton di san sau vinh danh
Một tiết mục ca trù

Theo quy định của UNESCO, mỗi quốc gia lưu giữ di sản của nhân loại phải đưa ra được một chương trình hành động thiết thực, liên tục để gìn giữ, kế thừa và phát huy di sản theo hướng ổn định, bền vững. Như trường hợp hát xoan Phú Thọ, năm 2009, hát xoan được lựa chọn xây dựng hồ sơ “Hát xoan Phú Thọ” trình UNESSCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đến ngày 24-11-2011, hát Xoan Phú Thọ chính thức được Ủy ban Liên quốc gia của Tổ chức UNESCO họp tại Bali - Indonesia công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Quy trình đánh giá các hồ sơ di sản đề cử có 3 bước, mỗi bước đều có yêu cầu riêng và đều quan trọng, phải qua bước này rồi mới đến bước khác. Bước 1 do Ban Thư ký UNESCO xem xét; bước 2 thẩm định chuyên môn có ban tư vấn của Ủy ban UNESCO và chuyên gia của các tổ chức khoa học phi chính phủ của quốc tế được mời đánh giá độc lập; Ủy ban Liên chính phủ gồm đại diện của 24 nước sẽ có quyết định cuối cùng và công bố danh sách ở bước thứ 3. Hằng năm, có hàng trăm hồ sơ từ các nước trên thế giới gửi đến UNESCO đệ trình là danh sách Di sản và gần 1/3 số hồ sơ không được vào xem xét ở bước cuối cùng này.

Từ năm 2011 cho đến nay, UBND tỉnh Phú Thọ đã có nhiều hoạt động nhằm khôi phục các phường xoan và đẩy mạnh tuyên truyền, giảng dạy hát xoan trong nhà trường và cộng đồng. Theo thông tin từ Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Thọ, trước đây tỉnh chỉ có hơn 100 đào, kép và chỉ có 7 nghệ nhân còn khả năng thực hành và truyền dạy, tuy nhiên, các đào kép này hoạt động không đều và đều trên 60 tuổi, riêng các nghệ nhân đều trên 80 tuổi. Sau 6 năm nỗ lực phục dựng, hát xoan đã được thực hành thường xuyên tại 4 phường xoan gốc và 37 câu lạc bộ hát xoan với gần 1.600 người tham gia thực hành. Với những nỗ lực ấy, nhờ đó hát xoan Phú Thọ đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Tuy nhiên, không phải di sản nào cũng được “may mắn” như hát xoan Phú Thọ, bởi sau khi được công nhận thì những di sản này thường bị đẩy vào cảnh bị du lịch “bóc lột”. Phố cổ Hội An sau khi được vinh danh đã phải “lao” vào phục vụ du khách, nhà cổ đã được người dân bán hoặc cho thuê, khiến phố cổ dần trở thành điểm kinh doanh đắt khách và đứng trước nguy cơ mai một.

Một trường hợp khác là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, sau khi được công nhận là di sản phi vật thể, cồng chiêng đã trở thành “món hàng” cho nhiều tay chơi săn lùng, đến nỗi Nhà nước phải bỏ tiền đúc chiêng cho dân. Hay việc tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt mới được UNESCO vinh danh cũng khiến nhiều người băn khoăn về sự biến tướng của hầu đồng trong xã hội.

Theo GS.TS Nguyễn Chí Bền (Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia): “UNESCO có quyền công nhận và cũng có quyền tước bỏ danh hiệu. Nếu trong quá trình thực hiện, họ kiểm tra thấy các di sản của chúng ta không còn đáp ứng được yêu cầu thì sẽ xem xét khả năng tước bỏ danh hiệu. Chúng ta cần phải làm tốt việc bảo tồn phát huy giá trị các di sản đã được công nhận, cũng như đưa vào bảo vệ khẩn cấp”.

Ở Việt Nam, việc một di sản bị UNESCO cảnh báo tước danh hiệu do không đảm bảo những tiêu chí tối thiểu không còn là chuyện lạ lẫm. Những cái tên bị cho vào “danh sách đen” gồm có Vịnh Hạ Long, Hoàng Thành Thăng Long, cố đô Huế... Năm 2009, ca trù, được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đến năm 2014, Việt Nam đã phải báo cáo với UNESCO về việc bảo vệ môn nghệ thuật này. Dù chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ, phục dựng, phát huy giá trị... song UNESCO yêu cầu đến 2017, Việt Nam sẽ phải có báo cáo tiếp, trả lời là ca trù đã hết cần bảo vệ khẩn cấp hay chưa. Và theo quy định của Công ước 2003, nếu trong một khoảng thời gian không bảo vệ thành công, vẫn trong tình trạng bảo vệ khẩn cấp thì di sản sẽ ra khỏi danh sách này.

Có thể nói, đã đến lúc phải lên tiếng cảnh báo nghiêm túc về việc bảo vệ cũng như phát huy giá trị của các di sản thế giới song song với việc khai thác tiềm năng du lịch. Di sản thế giới là một trong những yếu tố giúp “nâng tầm” một quốc gia, thu hút khách du lịch, tuy nhiên đó không phải lý do để tùy tiện “thương mại hóa” một cách thiếu quy hoạch và thiếu định hướng.

Bên cạnh đó, với 24 di sản thế giới và 221 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhiều nhà nghiên cứu đánh giá việc phong danh hiệu di sản đang trở nên ồ ạt và dễ trở thành “phong trào”. Chính vì thế, để các di sản tránh tình trạng mai một hay bị tước danh hiệu, việc lưu giữ, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ sau thông qua giáo dục, tuyên truyền, biểu diễn... cần thực hiện đồng bộ, sâu rộng trong cộng đồng. Có như vậy, các di sản văn hóa mới thực sự ăn sâu vào đời sống cộng đồng và được cộng đồng bảo vệ, tôn vinh.

Di sản của Việt Nam được UNESCO tôn vinh bao gồm nhiều loại Di sản thiên nhiên, Di sản văn hóa vật thể, Di sản văn hóa phi vật thể, Di sản tư liệu thế giới và Di sản văn hóa hỗn hợp, điều này cho thấy sự phong phú, đầy màu sắc của di sản Việt Nam

Khánh An