Bắc cầu đón “nghê” trở lại với đời

19:00 | 11/11/2014

996 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc giới thiệu các mẫu linh vật của văn hóa Việt Nam đến với công chúng là hết sức cần thiết, bằng nhiều cách và cần được thực hiện lâu dài. Cần có nhiều hoạt động tiếp theo triển lãm chuyên đề “Hình tượng sư tử và nghê trong điêu khắc cổ Việt Nam” đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Năng lượng Mới số 373

“Trọc phú văn hóa”

Giống như bước đầu cho một sự mong đợi, triển lãm dường như không đủ chỗ đáp ứng mối quan tâm của đông đảo khách tham quan. Tất nhiên, có mặt trong ngày khai mạc 7-11 vừa qua, trước hết là một số nhà quản lý ngành văn hóa, đến các nhà nghiên cứu mỹ thuật, lịch sử, họa sĩ và báo giới… những người mấy tháng gần đây rất “hăm hở” trên hành trình bài trừ những biểu hiện văn hóa ngoại lai tại các di tích đình, đền, chùa…

Bắc cầu đón “nghê” trở lại với đời

Lư hương gốm và nghê gỗ, thế kỷ XIX, hiện vật Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam

Triển lãm này do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Nam Định phối hợp tổ chức, tập hợp gần 60 hiện vật sư tử, nghê bằng đá, gỗ, đồng, gốm, sành… bao quát nhiều thời kỳ Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn với nhiều biểu hiện đa dạng, sinh động và đặc biệt là rất gần gũi, thân thiện như nhận xét của nhiều người xem triển lãm.

Cùng với ý nghĩa giới thiệu, quảng bá, có thể coi đây như một lời nhắc nhở với những ai thời gian qua “sính” việc dâng tặng, công đức cho các cơ sở thờ tự, tâm linh, nhưng lại thiếu hiểu biết, trở thành “chất xúc tác” cho sự xâm lấn của

Giám đốc Bảo tàng Nam Định Nguyễn Văn Thư: Các hình tượng linh vật mà chúng ta đang trưng bày, như những liều “kháng sinh” cho văn hóa. Việc ứng dụng các mẫu sư tử, nghê Việt, cũng cần trên cơ sở kế thừa, phát triển truyền thống chứ đừng đóng khuôn mà có thể cách điệu, bồi đắp thêm những sáng tạo mới, trên cơ sở con vật gốc.

 

những hiện vật lai căng. Giám đốc Bảo tàng Nam Định Nguyễn Văn Thư cho biết, bảo tàng hiện lưu giữ gần 30 hiện vật sư tử, nghê Việt qua nhiều đời. Hơn 20 hiện vật đã được chọn lựa để trưng bày tại triển lãm này. Đây có thể coi là một thông điệp cho mọi người trong việc gìn giữ những giá trị, bản sắc văn hóa của dân tộc chứ không thể như thời gian qua, nhiều người đã nhặt những cái ngoại lai, không có kết nối gì với văn hóa truyền thống để đưa vào các di tích, gây rất nhiều phản cảm. Ông Thư nhấn mạnh: Những con sư tử đá Trung Quốc đứng ở cổng đình, chùa ấy, không hiểu để yểm hay chấn thế nào, chứ nhìn nó trợn mắt, nhe nanh đã thấy kinh! Vậy mà người ta lại công đức một cách không chọn lọc.

PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình - Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá cao việc tổ chức triển lãm. Ông cho rằng, hoạt động này sẽ có tác dụng giáo dục cho học sinh, giáo dục lại cho các vị quản lý văn hóa, cho nhiều quan chức và cả người thân của họ - những người “hăng hái” cung tiến, hiến tặng hiện vật cho các đình, chùa... Ông Bảo nói: Nhiều người giàu tiền, hứng chí lên cung cấp sư tử đá Trung Quốc cho các chùa chiền, đền đài. Những người quản lý các nơi ấy cũng không nắm được. Và như thế, chính họ làm hỏng văn hóa của chúng ta.

Bắc cầu đón “nghê” trở lại với đời

Nghê đền Độc Bộ, tỉnh Nam Định, thế kỷ XVII-XVIII, hiện vật của Bảo tàng tỉnh Nam Định

Thay thế - đừng tùy tiện!

Thời gian qua, không ít ý kiến trả lời phỏng vấn báo chí đã đặt vấn đề “người Việt sử dụng linh vật Việt” nhưng còn rất chung chung. Hoặc có cách nghĩ đơn giản và ngây ngô như bỏ các tượng đá sư tử Trung Quốc đi rồi thì nên thay tượng con nghê vào đó. Những ý kiến, suy nghĩ như thế, có nguy cơ lại gợi ra những sai lầm mới, khi việc sử dụng các hiện vật trong các công trình tâm linh lại tiếp tục tùy tiện, thiếu hiểu biết. Bởi rõ ràng, không phải công trình nào cũng có thể đặt hoặc nên đặt tượng con sư tử, con nghê Việt thay cho tượng con sư tử Trung Quốc. Mà phải căn cứ vào việc nghiên cứu kỹ về di tích, về ý nghĩa, niên đại, phong cách, họa tiết của tượng sư tử, nghê Việt để có những lựa chọn phù hợp. Theo TS Đinh Hồng Hải - Viện Nghiên cứu văn hóa, vị trí tượng con nghê, con sư tử phụ thuộc vào các mô hình truyền thống. Không thể cổng di tích nào cũng là nghê, mà có nơi người ta đặt tượng con voi, có nơi bày chậu cây... Phải chọn lựa, tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử, văn hóa Việt Nam, để xem linh vật nào đứng ở vị trí nào cho đúng, chứ không thể tùy tiện.

Còn nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế - Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam thì khẳng định, có những cái bỏ đi không thay được. Vì vị trí đó vốn trong di tích không đặt tượng con nghê. Tượng nghê xuất hiện nhiều trong di tích nhưng không phải ở đâu cũng có hoặc cứ di tích là phải có nó, nhất là ở ngoài cổng. Nó như một sự tượng trưng cho cõi thiêng chứ không mang chức năng chấn yểm hay dọa nạt, phô diễn gì cả. Vì thế không nên có quan điểm bỏ sư tử đá Trung Quốc đi rồi thay tượng sư tử, nghê Việt vào đó.

Bắc cầu đón “nghê” trở lại với đời

Sư tử cầm ngọc, đất nung, thế kỷ XIII-XIV, hiện vật Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Ứng dụng hợp lý vào đời sống

Và như vậy, việc đưa hình tượng sư tử, nghê Việt trở lại đời sống là rất cần thiết, nhưng phải trên cơ sở nghiên cứu, ứng dụng hợp lý. Theo các chuyên gia, có thể nhận thấy rất nhiều khả năng ứng dụng của các linh vật này, như chính cha ông ta đã từng sử dụng trong quá khứ. Trong đời sống phong phú hôm nay, khi các không gian sống đã thay đổi nhưng vẫn còn có nhiều “đất” cho các hình tượng linh vật Việt tọa lạc, xuất hiện. Họa sĩ Nguyễn Bảo Toàn cho rằng, hình tượng sư tử, nghê… của dân tộc có thể dùng được nhiều trong kiến trúc, trang trí nội ngoại thất. Biết khai thác thì sẽ rất hay, được rất nhiều việc. Quan trọng là những hình tượng đó có đưa được đến công chúng không, hay chỉ có nghệ sĩ và nhà nghiên cứu hoặc những vị có trách nhiệm xem. Họa sĩ nói: Mình bảo là thuần Việt là hay, nhưng nếu dân không hiểu, không cho là hay thì việc ứng dụng sẽ không được hưởng ứng.

Cùng quan điểm này, TS Đinh Hồng Hải kêu gọi cần tăng cường nhận thức về di sản qua các chương trình giáo dục di sản để người dân và cả quan chức hiểu sâu hơn về văn hóa truyền thống, về các yếu tố thuần Việt mà con nghê là tiêu biểu. Các hiện vật sư tử, nghê Việt cần được đưa đi trưng bày ở nhiều địa phương để ai quan tâm đều được thưởng thức. Bên cạnh đó, rất cần những ấn phẩm phát hành rộng rãi để giúp cho các cơ quan văn hóa, các nhà trường trong hoạt động văn hóa và giáo dục. Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế gợi ý: Đã có công ty mỹ nghệ rất có nhu cầu sản xuất. Với những hiện vật đã có bản phục dựng rồi thì việc nhân bản là không khó, sau đó là sáng tạo từ những hình tượng đó. Có thể đưa hình tượng các linh vật này về không gian thế tục như nó đã từng tồn tại. Ví dụ như làm hình trang trí trong gia đình, dựng tại các không gian vui chơi giải trí, các khuôn viên công cộng hoặc gia đình. Ở những nơi đó, con nghê đều có thể “sống” thoải mái.

Họa sĩ Đoàn Hương - Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm: Sắp tới theo chủ trương của Bộ VH-TT&DL, cán bộ các Sở VH-TT&DL của 63 tỉnh, thành đều phải trau dồi, nâng cao nhận thức về vấn đề này và quyết liệt hơn trong thực hiện chỉ đạo, không sử dụng các mẫu linh vật, hiện vật không phù hợp thuần phong mỹ tục. Chúng tôi sẽ đưa ra hình thức cẩm nang để chỉ rõ, giúp cán bộ và quần chúng hiểu, phân biệt những hình tượng linh vật thuần Việt và ngoại lai.

 

Linh Chi

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.