Azerbaijan, EU ký MOU đối tác chiến lược năng lượng, cung cấp thêm khí đốt cho EU thay Nga

20:20 | 19/07/2022

760 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nikkei ngày 19/7/2022 đưa tin hôm thứ Hai (ngày 18/7) Liên minh châu Âu (EU) đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với Azerbaijan, nhằm tăng gấp đôi lượng khí đốt nhập khẩu từ Azerbaijan khi EU tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Nga.
Azerbaijan, EU ký MOU đối tác chiến lược năng lượng, cung cấp thêm khí đốt cho EU thay Nga
Tổng thống Cộng hòa Azerbaijan Ilham Aliyev và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã ký MOU về Quan hệ Đối tác Chiến lược trong lĩnh vực năng lượng tại Baku hôm thứ Hai, 18/7/2022.Ảnh: Văn phòng Tổng thống Azerbaijan.

Biên bản ghi nhớ về Quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực năng lượng được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev ký tại Baku. Các bên mong muốn đưa "ít nhất 20 tỷ mét khối khí đốt (bcm) hàng năm vào năm 2027" từ Azerbaijan đến EU qua Hành lang khí đốt phía Nam, phù hợp với khả năng thương mại và nhu cầu thị trường.

Trong khi thỏa thuận mới là 20 tỷ mét khối khí một năm, ít hơn nhiều so với con số 155 tỷ mét khối khí mà EU nhập khẩu từ Nga trong năm 2021, Bản ghi nhớ có thể dẫn đến đầu tư vào hệ thống đường ống và việc phát triển khí đốt có thể đưa Azerbaijan trở thành nguồn năng lượng quan trọng của châu Âu. Thỏa thuận tăng gấp đôi xuất khẩu mang lại sự cứu trợ rất cần thiết cho các nước Nam Âu và Balkan.

Khí đốt sẽ được cung cấp qua Hành lang khí đốt phía Nam, kết nối các mỏ khí đốt ở Biển Caspi và Ý thông qua 3 đường ống riêng biệt. Các công ty châu Á như Sumitomo Corp., Mizuho Bank, MUFG Bank, Sumitomo Mitsui Banking Corporation, Korea Development Bank và Bank of China đã đóng góp vào việc phát triển tuyến vận chuyển và bất kỳ sự mở rộng đầu tư nào cũng có thể mang lại nhiều hoạt động kinh doanh hơn.

Khí đốt của Azerbaijan bắt đầu đến châu Âu khi đường ống xuyên Adriatic đi vào hoạt động vào cuối năm 2020. Đường ống chạy từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp đến Ý, qua Albania và Biển Adriatic, là chặng cuối cùng của Hành lang khí đốt phía Nam (Southern Gas Corridor).

Hai nhánh còn lại của Hành lang khí đốt phía Nam dài gần 3.500 km là đường ống dẫn khí đốt tự nhiên xuyên Anatolian, chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ và đường ống Nam Caucasus, chạy từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Gruzia đến Azerbaijan.

Tại Biển Caspi, mỏ khí khổng lồ Shah Deniz dự kiến ​​sẽ đạt sản lượng cao nhất 26 bcm vào cuối năm nay. Với công suất hàng năm của đường ống xuyên Adriatic là 10 bcm, sẽ cần đầu tư thêm để thúc đẩy vận chuyển khí đốt.

Nhập khẩu khí đốt 155 bcm của EU từ Nga vào năm 2021 chiếm khoảng 40% tổng lượng tiêu thụ khí đốt tự nhiên của khối. Từ sau cuộc khủng hoảng Ukraine, các quan chức EU đã cố gắng đảm bảo khí đốt từ các nguồn thay thế, bao gồm Mỹ, Israel, Qatar, Ai Cập và Azerbaijan, qua đường ống dẫn khí và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Ý nghĩa của MOU quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực năng lượng EU - Azerbaijan

Brenda Shaffer, chuyên gia về năng lượng khu vực Caspi, cho biết mặc dù nguồn khí đốt của Azerbaijan không thể giải quyết sự phụ thuộc khí đốt của EU vào Nga, nhưng việc tăng thêm 10 bcm sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với các quốc gia Nam Âu và Tây Balkan như Hy Lạp, Bulgaria và Ý. Ý đang vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại tốt hơn nhiều nước khác ở châu Âu, nhờ nguồn cung cấp chuyên dụng đến từ Hành lang khí đốt phía Nam.

Shaffer cho biết Azerbaijan đã bắt đầu tăng tốc phát triển một số mỏ khí đốt chưa được khai thác. Azerbaijan mong muốn hội nhập mạnh mẽ với phương Tây thông qua năng lượng, đầu tư và thương mại, nhưng không coi đó là trò chơi có tổng bằng không, luôn ý thức về vị trí địa lý của mình, giáp với cả Nga và Iran.

Azerbaijan, EU ký MOU đối tác chiến lược năng lượng, cung cấp thêm khí đốt cho EU thay Nga
Hành lang khí đốt phía Nam được hoàn thành vào năm 2020. Ảnh: energyindustryreview.com

Shaffer cho biết việc Bản ghi nhớ khuyến khích cấp vốn cho việc mở rộng Hành lang khí đốt phía Nam là rất quan trọng vì thời gian qua các tổ chức tài chính công đã tạm dừng cấp vốn cho các dự án khí đốt tự nhiên. Nếu các tổ chức tài chính như Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (European Bank for Reconstruction and Development) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (European Investment Bank) cung cấp nguồn vốn mới, thì điều đó sẽ tạo ra một tiền lệ quan trọng.

Hôm thứ Hai, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen nhấn mạnh rằng thỏa thuận này không chỉ khai thác nhiên liệu hóa thạch của Azerbaijan mà còn quan tâm phát triển năng lượng tái tạo. Azerbaijan có tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là về gió ngoài khơi và hydro xanh. "Hôm nay, với Bản ghi nhớ của chúng tôi, chúng tôi đang đặt nền tảng cho sự hợp tác vững chắc trong lĩnh vực đó. Dần dần, Azerbaijan sẽ phát triển từ một nhà cung cấp nhiên liệu hóa thạch trở thành một đối tác năng lượng tái tạo rất đáng tin cậy và nổi bật của EU".

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev khẳng định các vấn đề về an ninh năng lượng ngày nay quan trọng hơn bao giờ hết, đồng thời cho biết thêm rằng việc phát triển mỏ khí đốt mới và phát triển năng lượng gió ngoài khơi ở Biển Caspi sẽ giải phóng nhiều khí đốt tự nhiên hơn cho xuất khẩu.

Shaffer tính toán rằng các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo của Azerbaijan có thể giải phóng khoảng 2 đến 3 bcm khí đốt cho xuất khẩu trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 năm.

EU còn quan tâm đến nhiều vấn đề hơn nữa

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen nói EU muốn làm việc với Azerbaijan để xây dựng kết nối với Trung Á và hơn thế nữa. "Chúng tôi rất quan tâm đến các cuộc thảo luận và ý tưởng về các kết nối xuyên Caspi", bà Von der Leyen nhấn mạnh.

Azerbaijan, EU ký MOU đối tác chiến lược năng lượng, cung cấp thêm khí đốt cho EU thay Nga
Tổng thống Cộng hòa Azerbaijan Ilham Aliyev hoan nghênh Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Azerbaijan.

Shaffer nói, những ý tưởng đó có thể bao gồm việc khai thác các nguồn năng lượng Trung Á, như khí đốt của Turkmenistan, và vận chuyển hàng hóa từ khu vực này qua Azerbaijan.

Tuy nhiên, Umud Shokri, một chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại có trụ sở tại Washington và là tác giả của cuốn sách "Ngoại giao năng lượng của Mỹ ở lưu vực Biển Caspi", nói rằng việc mở rộng đường ống dẫn khí có thể mất từ 2 đến 3 năm để trở thành hiện thực. Hơn nữa, một khi nguồn khí mới được tìm thấy trong lưu vực Caspi và sẵn sàng được bơm vào đường ống mở rộng, nó sẽ cần những người mua dài hạn với các hợp đồng kéo dài tối thiểu từ 10 đến 15 năm để có thể phát triển bền vững.

Trong khi lưu ý rằng các quốc gia Trung Á như Turkmenistan, Kazakhstan và Uzbekistan có tiềm năng khí đốt và dầu mỏ rất lớn, Shokri cho biết vấn đề chính là khu vực này thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết để gắn kết các nước láng giềng.

Shokri nói rằng các khoản đầu tư kết nối đó có thể đến từ EU và Mỹ, nhưng sau cuộc cách mạng dầu đá phiến và trước những diễn biến ở một số nước trong khu vực như Afghanistan, các nhà đầu tư Mỹ và EU đã mất hứng thú với việc đầu tư.

Thanh Bình