Ấn Độ – Điểm sáng hiếm hoi giữa thị trường dầu mỏ đầy biến động

09:04 | 23/05/2025

46 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - S&P Global nhận định, thị trường dầu mỏ vốn đã biến động, nay lại chịu thêm sức ép từ xung đột thương mại và chính sách thuế không ổn định. Dù vậy, Ấn Độ vẫn nổi bật lên như một điểm sáng hiếm hoi khi vừa duy trì sử dụng nhiên liệu hóa thạch, vừa đẩy mạnh chuyển đổi sang năng lượng sạch nhằm đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài.
Ấn Độ – Điểm sáng hiếm hoi giữa thị trường dầu mỏ đầy biến động
Một người đàn ông đi ngang qua biển quảng cáo của Indian Oil tại Bangalore, Ấn Độ. Ảnh: EPA-EFE/JAGADEESH

Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng toàn cầu chững lại, còn nguồn cung lại tăng mạnh, Ấn Độ đang đóng vai trò đặc biệt – vừa là nước tiêu thụ lớn, vừa theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững.

Theo S&P Global Commodity Insights, giá dầu thế giới vẫn đang biến động mạnh, một phần do tình hình kinh tế toàn cầu bất ổn và các chính sách thương mại, thuế quan khó lường. Dự báo năm 2025, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ suy yếu, trong khi nguồn cung từ cả OPEC+ và các nước ngoài OPEC lại gia tăng, làm lung lay nền tảng cung – cầu của thị trường dầu mỏ.

Dẫu vậy, giữa cơn “bão” năng lượng, Ấn Độ vẫn được kỳ vọng là động lực tăng trưởng mới. Ông Pulkit Agarwal – Trưởng bộ phận Nội dung Ấn Độ tại S&P Global Commodity Insights – cho biết: “Khi nhu cầu từ Trung Quốc chững lại, thị trường đang trông đợi Ấn Độ sẽ dẫn dắt tăng trưởng tiêu thụ dầu trong tương lai”.

Nhu cầu dầu của Ấn Độ vẫn duy trì ở mức cao, nhờ kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và dân số trẻ. Bất chấp nhiều thách thức, nước này vẫn nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung – trong đó có việc tiếp tục nhập khẩu dầu từ Nga sang năm thứ 4 liên tiếp.

Bài toán năng lượng nhiều thách thức của Ấn Độ

S&P Global xây dựng 3 kịch bản cho tương lai năng lượng của Ấn Độ đến năm 2050:

Kịch bản cơ sở: Nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm tỷ trọng lớn và chỉ giảm nhẹ.

Kịch bản chuyển đổi nhanh: Tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch giảm còn khoảng 33%.

Kịch bản thế giới bất ổn: Nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm tới 77%, riêng than đá có thể cung cấp hơn một nửa sản lượng điện.

Hiện tại, Ấn Độ đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn năng lượng nhập khẩu – 87% dầu, 50% khí đốt và 26% than đá. Điều này đặt ra những lo ngại đáng kể về an ninh năng lượng quốc gia.

Các chuyên gia cảnh báo, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, Ấn Độ cần có sự phối hợp chặt chẽ và nhất quán giữa chính sách nhà nước, khung pháp lý và đầu tư tư nhân.

Than đá: Vẫn giữ ngôi “vua” trong chiến lược năng lượng của Ấn Độ

Dù tích cực phát triển năng lượng tái tạo, Ấn Độ vẫn chưa thể rời xa than đá – nguồn nhiên liệu truyền thống đóng vai trò then chốt trong an ninh năng lượng. Dự báo đến năm 2050, nhu cầu than có thể tăng 60%, chủ yếu do công nghiệp và tốc độ điện khí hóa tăng mạnh.

Tỷ trọng của than trong cơ cấu năng lượng tổng thể có thể giảm, nhưng sản lượng điện từ than lại được dự báo tăng lên 1.600 TWh vào năm 2030. Điều này cho thấy than vẫn là “trụ cột” của hệ thống điện quốc gia trong trung hạn.

Tăng khai thác nội địa, vẫn cần nhập khẩu

Chính phủ Ấn Độ đang thúc đẩy khai thác than trong nước thông qua đầu tư tư nhân và đấu giá mỏ. Tuy nhiên, do chất lượng than nội địa còn hạn chế (nhiệt trị thấp, hàm lượng tro cao), nhập khẩu than – vốn có chất lượng tốt hơn – vẫn là phần quan trọng trong chiến lược năng lượng.

S&P Global dự báo, từ nay đến năm 2030, mỗi năm Ấn Độ sẽ nhập khẩu khoảng 150–180 triệu tấn than nhiệt, chủ yếu phục vụ ngành công nghiệp ngoài điện lực.

Điện mặt trời tăng tốc nhưng chưa đủ thay thế than

Năng lượng mặt trời đang phát triển nhanh, với dự báo chiếm khoảng 14,6% tổng sản lượng điện vào năm 2030, tăng gần gấp đôi so với 8,5% năm 2024. Tuy nhiên, dù tăng trưởng ấn tượng, điện mặt trời vẫn chưa đủ sức thay thế vai trò trung tâm của than đá trong hệ thống điện quốc gia.

Ấn Độ hút nhà đầu tư hóa dầu trong bối cảnh toàn cầu ảm đạm

Giữa lúc nhu cầu toàn cầu giảm và công suất dư thừa, Ấn Độ nổi lên như điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn hóa dầu quốc tế. Trong năm tài khóa 2025–2026, tiêu thụ hóa dầu tại nước này được dự báo tăng nhanh hơn cả tốc độ tăng trưởng GDP.

Tuy nhiên, ngành hóa dầu nội địa đang chịu áp lực lớn từ hàng nhập khẩu giá rẻ. Các doanh nghiệp trong nước buộc phải chuyển hướng sang các sản phẩm chuyên dụng, đồng thời phát triển chuỗi giá trị tích hợp để tăng sức cạnh tranh.

Tâm điểm chuyển dịch năng lượng toàn cầu

Ấn Độ đang nổi lên như một trong những nhân tố chính của quá trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Nước này vừa phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, vừa đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo và công nghệ sạch.

Chiến lược năng lượng của Ấn Độ phản ánh rõ thực tế: Quá trình chuyển đổi năng lượng không hề đơn giản, luôn tồn tại những mâu thuẫn và đánh đổi, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ.

Ấn Độ hỗ trợ các doanh nghiệp năng lượng sạch như thế nào?Ấn Độ hỗ trợ các doanh nghiệp năng lượng sạch như thế nào?
Ấn Độ xem xét mở cửa cho đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng hạt nhânẤn Độ xem xét mở cửa cho đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân
Indonesia ký thỏa thuận hoán đổi để đảm bảo nguồn cung khí đốt trong nướcIndonesia ký thỏa thuận hoán đổi để đảm bảo nguồn cung khí đốt trong nước

Nh.Thạch

AFP