Ám ảnh về "cái chết đen" kinh hoàng trong lịch sử

19:00 | 26/11/2014

3,414 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong 3 tháng qua tại Madagascar đã ghi nhận 119 trường hợp mắc bệnh dịch hạch, trong đó có 40 trường hợp tử vong. Thực trạng này đã khiến nhiều người lo ngại về sự trở lại của “cái chết đen” kinh hoàng trong lịch sử.

>> Cục trưởng Y tế dự phòng cảnh báo nguy cơ dịch hạch

Cũng theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì không chỉ riêng Madagascar mà trước đó cơ quan đầu mối IRH của Mỹ cũng xác nhận thông tin đã có 4 trường hợp mắc bệnh dịch hạch ở nước này tại bang Colorado.

Tiếp đó, Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc cũng thông báo ghi nhận 01 trường hợp tử vong do bệnh dịch hạch thể phổi tại tỉnh Cam Túc.

Đứng trước tình hình này nhiều người lo sợ đại dịch từng là nỗi kinh hoàng của nhiều quốc gia trên thế giới sẽ quay trở lại.

Dịch hạch kinh hoàng trong lịch sử ở các nước châu Âu được tái hiện lại

Trong lịch sử nhân loại đã ghi nhận nhiều đợt bệnh dịch hạch hoành hành, đem đến tai họa ghê gớm cho con người. Xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ VI, bệnh dịch hạch đã cướp đi sinh mạng của 100 triệu người. Đại dịch lần thứ 2, xảy ra vào thế kỷ XIV-XVI, gây tử vong 25 triệu người ở châu Âu, 40 triệu  người ở châu Á và châu Phi.

Ở thời điểm này những thây ma nằm la liệt trên các tuyến phố của các nước châu Âu là nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất. Và những hố chôn tập thể là giải pháp duy nhất cho việc xử lý thây người trong thời gian này.

Dịch bệnh này đã làm tổn hại nghiêm trọng đến mật độ dân số các nước châu Âu. Ước tính phải mất đến 150 năm, dân số của châu Âu mới phục hồi trở lại. Theo ghi chép của lịch sử Y tế thế giới, đại dịch kinh hoàng đó làm cho dân số của châu Âu giảm từ 30-60%.

Tất nhiên dịch bệnh này không chỉ dừng lại ở thế kỷ XIV, nó còn quay trở lại nhiều lần như muốn thách thức sức chịu đựng của loài người. Và mỗi lần xuất hiện là những tổn hại và mức hủy diệt khác nhau.

Biểu hiện của bệnh dịch

Vào cuối thế kỷ XIX, sự phát triển nhanh chóng của giao thông đường biển đã tạo điều kiện cho dịch hạch lan rộng khắp các châu lục. Trong vòng 10 năm (1894-1903) dịch hạch đã xâm nhập vào 77 cảng của các châu lục.

Lúc này thì “cái chết đen” đã thực sự đã làm thay đổi đời sống, tôn giáo, kinh tế của cả châu lục. Rất may ở thời điểm này cũng là lúc con người tìm ra phương thức kiểm soát dịch bệnh này.

Tại Việt Nam, ghi nhận ca nhiễm bệnh dịch hạch đầu tiên vào khoảng thời gian từ năm 1898. Thời gian xâm nhập và lay lan cũng khá nhanh chóng.

Trong khoảng thời gian từ năm 1898-2000 đã có khoảng 116 nghìn người mắc, trong đó có gần 7.000 người đã tử vong. Sau đại dịch lần thứ nhất cũng trải qua một giai đoạn lắng dịu thì đến đầu thế kỷ XIX dịch bệnh này lại tiếp tục hoành hành ở nước ta.

Sơ đồ khuyến cáo lây nhiễm dịch

Dịch bùng phát trên diện rộng trong khoảng thời gian từ 1961-1990, tại miền Nam, sau đó lan rộng ra khu vực Trung bộ, miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Tại các tỉnh này ghi nhận số người mắc đã lên tới hơn 62.000 người, trong đó có gần 2000 ca tử vong.

Tiếp đó lây lan ra các tỉnh miền Bắc khiến hơn 1.100 người mắc và 9 người tử vong. Sau này dịch bệnh còn xuất hiện rải rác ở khu vực Tây Nguyên.

Theo các nhà nghiên cứu thì bệnh dịch hạch là bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra. Nguồn gốc bệnh từ thú vật hoang (thường là loài gặm nhấm như cáo, chồn…), sau đó lan truyền sang thú vật khác, đặc biệt là chuột.

Khi người bệnh bị dịch hạch thể hạch sẽ xuất hiện hai triệu chứng cơ bản là sốt cao và sưng hạch (hạch bẹn, nách, cổ) rất cấp tính. Bệnh dịch hạch ở người gồm các thể bệnh: thể hạch, thể nhiễm khuẩn huyết, thể phổi và thể màng não, thường gặp hơn cả là thể hạch (chiếm hơn 90% các thể bệnh).

Bệnh tiến triển cấp tính, lây lan mạnh với tỉ lệ tử vong cao. Bệnh lây truyền sang người qua trung gian bọ chét mang mầm bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp qua da với động vật mang nguồn bệnh hoặc thông qua nước bọt của người bệnh khi ho.

Nếu không được điều trị sớm và thích hợp, thể hạch rất dễ tiến triển đột ngột thành nhiễm khuẩn tối cấp với sốt cao 40-41oC, tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc, huyết áp giảm, mạch nhanh, rối loạn tinh thần rồi dẫn tới hôn mê. Thường bệnh nhân chết trong vòng 3-5 ngày.

Huy An (t/h)