Ám ảnh ùn tắc đô thị: "Khi nhà nhiều mà đường không có"

18:54 | 14/09/2022

208 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 14/9, Cục CSGT (Bộ Công an) phối hợp với Báo điện tử Dân trí tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Ùn tắc giao thông - Nỗi ám ảnh ở các đô thị lớn".

Tham dự tọa đàm trực tuyến có Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an; Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam.

Đô thị hóa đã và đang tạo nên diện mạo tươi sáng cho các thành phố tại Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với đó, các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM cũng phải đối diện với tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Theo Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, thiệt hại do ùn tắc giao thông đối với Hà Nội khoảng 1 tỷ USD/năm. Số liệu từ Sở GTVT TP HCM cho thấy, mỗi năm thành phố này cũng chịu thiệt hại khoảng 6 tỷ USD do ùn tắc giao thông.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an
Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an

Đánh giá về tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP HCM hiện nay, Thiếu tướng Lê Xuân Đức nhận định, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM có nhu cầu phát triển về giao thông đường bộ tăng rất cao, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Khi kinh tế phát triển kèm theo đó phương tiện giao thông cá nhân tăng cao. Nhu cầu phát triển về giao thông tăng nhưng hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp so với nhu cầu đó.

KTS Trần Ngọc Chính cho biết, nhiều vấn đề xoay quanh như: tổ chức giao thông, ý thức người tham gia giao thông cũng chưa tự giác chấp hành pháp luật. Chính từ những nguyên nhân đó đã tạo thành bức tranh ùn tắc giao thông ở 2 địa phương điển hình ở Hà Nội và TP HCM.

Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam ở Đông Nam Á đang được đánh giá là nhanh. Chúng ta hiện nay có 867 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và TP HCM. Quy mô của mỗi đô thị là 10 triệu dân, trong đó TP HCM là hơn 10 triệu dân.

Với quy mô đó, ở những nước phát triển, thì họ đã có hệ thống đường sắt đô thị hoàn chỉnh rồi. Tuy nhiên hiện nay chúng ta vẫn đang đi trên một mặt bằng, chưa có đường ngầm.

Ùn tắc thường xuyên diễn ra tại đường Nguyễn Trãi (ảnh: Dân trí)
Ùn tắc thường xuyên diễn ra tại đường Nguyễn Trãi (ảnh: Dân trí)

Theo số liệu thống kê của Cục CSGT, cho tới tháng 8/2022 tại Hà Nội có khoảng 900.000 xe ô tô, xe mô tô là khoảng 6,5 triệu chiếc. Tại TP HCM là khoảng 800.000 xe ô tô và trên 8 triệu xe mô tô.

Lượng tăng hằng năm tại Hà Nội khoảng 50.000 xe ô tô và 200.000 xe mô tô. Với lượng tăng như này trong khi hạ tầng giao thông chưa theo kịp và tổ chức giao thông vẫn còn bất cập... đây chính là nguyên nhân gây ra thực trạng ùn tắc giao thông ngày càng cao.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam
Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam

Ông Chính cho rằng, chúng ta có lỗi trong việc quy hoạch và phát triển hạ tầng giao thông, mặc dù chúng ta biết giao thông ở các TP lớn phức tạp như nào.

Ví dụ: Trong khu Linh Đàm chỉ có vài hecta đất nhưng lại có đến vài tòa nhà, dân số thì bằng hay thậm chí hơn cả một phường, trong khi hệ thống đường thì vẫn không thay đổi. Nhà quá nhiều mà đường thì không có, do không có đường để đi, giao thông không thể đi trước quy hoạch.

Đây là lỗi của đơn vị thiết kế và quản lý. Giữa thủ đô Hà Nội mà có việc xây dựng khu chung cư như khu HH Linh Đàm thì không thể hiểu được. Rõ ràng đây là giao thông đi sau mất rồi.

Ngoài ra, giao thông ùn tắc gây mất thời gian và tiền bạc của người dân. Kèm theo đó là khói bụi, ảnh hưởng môi trường, đó cũng là hệ lụy rất lớn của ùn tắc.

"Nhưng chúng ta khó sửa sai vì nó liên quan đến tầm nhìn và tài chính.

Mong muốn của những nhà làm quy hoạch là hệ thống giao thông công cộng có sự kết nối như đường sắt, metro ngầm, BRT, taxi... và phải bỏ xe máy.

Để làm được điều đó phải có phương án hết sức đầy đủ và khoa học. Nhưng hiện tại chúng ta đang làm nửa vời và không biết lúc nào mới xong vì liên quan đến cả kinh phí đầu tư. Kinh phí đầu tư liên quan đến các tuyến metro đã lên tới 1-2 tỉ USD", ông Chính nói.

Theo ông Trần Ngọc Chính, giải pháp để giải tỏa ùn tắc giao thông nội đô là sớm di dời các trường đại học, bệnh viện ra ngoại thành không chỉ Hòa Lạc mà còn có thể ra Sóc Sơn, Xuân Mai, Sơn Tây...

Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết thêm, ở Hà Nội, giao thông là dòng nước, cứ chỗ nào thoáng là ta đi vào, bất kể đó là đường ngược chiều hay vỉa hè. Nếu người dân biết nhường nhịn nhau tại ngã ba, ngã tư thì sẽ giảm được ùn tắc giao thông. Vì vậy chúng ta cần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông cho người dân.

Tiếp đó là trách nhiệm của người thi hành công vụ. Hiện nay việc thực thi pháp luật phải nghiêm. Cần tạo ra sự thượng tôn pháp luật để mọi người thực hiện tốt.

Đèn hiệu giao thông sắp đặt chưa thực sự hợp lý. Ta có thể thấy cứ 6h30-8h là nhà nhà xuống đường, người người xuống đường đương nhiên ùn tắc giao thông. Nên có kế hoạch phân bổ lại giờ làm việc cho hợp lý, giãn thời gian người dân đổ xuống đường và tăng lượng phương tiện công cộng lên.

Ngoài ra, về lâu dài chúng ta phải quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, đường trên cao, tàu điện ngầm... Chúng ta cần quy hoạch, phát triển hạ tầng như chung cư, trường học... một cách hợp lý hơn.

Minh Đức

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.