Ai đã khiến Lybia ra nông nỗi này?
![]() |
IS đang lợi dụng tình hình hỗn loạn để xây dựng địa bàn hoạt động ở Libya |
Ngày hôm qua (16/12), các đại diện của hai chính phủ đối nghịch ở Libya được trông đợi sẽ ký một thỏa thuận hòa bình. Nhưng lễ ký kết được lùi sang hôm nay (17/12), vì các thủ lĩnh của cả hai quốc hội không đồng ý về thỏa thuận.
Hai lãnh đạo của hai quốc hội, Aguila Saleh và Nuri Abu Sahmain, gặp nhau lần đầu tiên hôm 15/12 kể từ khi hai bên lập ra hai cơ quan đối nghịch nhau ở Tripoli và Tobruk. Mỗi bên đều nhấn mạnh đến sự cần thiết của một giải pháp Libya mà không có áp lực từ bên ngoài.
Thỏa thuận do LHQ trung gian đã diễn ra qua nhiều vòng thương thuyết giữa các chính phủ đối nghịch trong nỗ lực chấm dứt tình trạng bất ổn đã bao trùm lên Libya kể từ khi nhà lãnh đạo lâu năm của Libya, Moammar Gadhafi, bị lật đổ năm 2011.
Thỏa thuận kêu gọi thành lập một chính phủ thống nhất trong vòng 40 ngày với sự tham gia của các thành viên của chính phủ được quốc tế công nhận ở Tobruk và cơ quan được Hồi giáo hậu thuẫn ở Tripoli.
Cho dù có sự tham gia của cả hai bên, vẫn không rõ là có bao nhiêu người ủng hộ thỏa thuận và ai sẽ ký thỏa thuận này.
Tình hình loạn chiến ở Lybia đang là cơ hội bằng vàng cho IS phát triển. Theo Reuters, IS đang xây dựng một căn cứ địa mới ở phía bắc Libya chỉ cách bờ biển Nam Âu có 350 km. Trước nguy cơ Libya rơi vào tay IS, phương Tây và các nước Arập không thể khoanh tay ngồi nhìn. Một cuộc chay đua nước rút đang diễn ra với sự bảo trợ của LHQ để tránh cho Libya biến thành Iraq hoặc Syria thứ hai.
Vấn đề là ở Lybia hiện nay không có một lực lượng có tổ chức nào tại địa phương có thể chặn được đà tiến của IS về phía các mỏ dầu, hầu hết nằm ở vùng vịnh Syrte.
Từ khi Kadhafi bị tiêu diệt vào năm 2011, chính quyền Libya chỉ là những mảnh vụn, và hai Quốc hội không thể nào ngồi lại với nhau. Quốc hội cũ được bầu hồi tháng 7/2012 vẫn luôn trụ lại Tripoli, Quốc hội mới bầu vào tháng 6/2014 thì ở Tobruk, và cả hai đều có chính phủ riêng.
Làm thế nào khoảng 3.000 quân thánh chiến IS tại Libya có thể trở thành mối đe dọa cho thế giới? Các chuyên gia cho rằng liên minh bất đắc dĩ giữa phương Tây với Nga đã ngăn trở được IS mở rộng sang phía đông Syria và phía tây Iraq, cuộc sống tại Raqqa đã trở thành địa ngục và Mossoul có nguy cơ bị vây hãm.
Từ khi Pháp có sáng kiến oanh kích các đoàn xe chở dầu, két tiền của IS đã vơi bớt. Trên bộ, IS còn phải đối đầu với các địch thủ đầy quyết tâm: người Kurdistan, người Yazidi, các chiến binh Shia người Liban của Hezbollah, quân đội Syria, Vệ binh cách mạng Iran và đôi khi cả lực lượng đặc biệt Mỹ. Quá nhiều kẻ thù!
Đối với các nhóm khủng bố quốc tế, Libya nay là “đất Thánh” quyến rũ hơn cả Iraq hay sa mạc Syria: rộng lớn hơn và giàu có hơn. Vùng duyên hải rộng mênh mông phía Địa Trung Hải và vùng biên giới Sahara rất dễ xâm nhập cũng như đào thoát. Thành phố cổ Subratha có 100.000 dân nằm giữa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Tripoli đã bị IS chiếm tháng 12/2014, cũng là nơi huấn luyện những kẻ khủng bố đã tấn công Tunisia, bảo tàng Bardo và thành phố biển Sousse.
Các chính phủ Tripoli và Tobruk liệu có thể hòa hoãn với nhau để phá hủy khối ung thư IS hiện đang bắt đầu bành trướng trên lãnh thổ Libya? Tờ Le Figaro của Pháp cho rằng nếu Libya yêu cầu hỗ trợ quân sự, thì phương Tây không nhiệt thành lắm. Ngày 31/3/2011, NATO đã chọn cái tên “Người bảo vệ hợp nhất” cho chiến dịch quân sự chống Kadhafi, nhưng sự bảo vệ người dân Libya không kéo dài được bao lâu…
Tờ báo kết luận, khi Tổng thống Pháp lúc đó là Nicolas Sarkozy với sự ủng hộ của phe đối lập, quyết định tham chiến với quân Kadhafi, ông chỉ nghĩ rằng phải đánh bại một lãnh tụ độc tài, nhưng chẳng may, cả một Nhà nước đã sụp đổ theo. Mà xây dựng nên một Nhà nước luôn khó khăn hơn rất nhiều so với phá hủy.
Liên quan tới phát biểu mới nhất của Mỹ về Lybia, phát biểu kênh truyền hình Nước Nga 24 ngày 16/12, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thừa nhận rằng can thiệp vào Libya nhưng không thành lập được chính phủ hợp pháp trong cả nước sau khi lật đổ Muammar Gaddafi là sai lầm.
Nh.Thạch
Theo AFP. AP, Reuters, CNN
-
Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 16 luật, pháp lệnh mới được thông qua
-
Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump điện đàm
-
[VIDEO] Tổng Bí thư Tô Lâm: Chính quyền phải đổi mới tư duy, cách làm và tác phong phục vụ nhân dân
-
Tổng Bí thư Tô Lâm: "Quản lý, quản trị đều phải tốt"
-
1/7/2025: Ngày hội non sông và bước ngoặt lịch sử