2014 - năm thảm họa trùng tu di tích

06:00 | 14/01/2015

2,030 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2014 là một năm chứng kiến nhiều di tích xuống cấp được đầu tư nhiều tiền bạc và công sức để trùng tu. Nhưng, công việc trùng tu di sản chưa thực sự là tu bổ, sửa chữa để tiếp tục mang dấu ấn của quá khứ, chứa đựng được vẻ đẹp, sự độc đáo của các công trình kiến trúc, mà thay vào đó còn làm hư hại những tài sản tinh thần đầy tính nghệ thuật của cha ông.

Năng lượng Mới số 390

“Trùng tu” thành “xây mới”

Có thể kể ngay như trường hợp “quái thú” ở lăng Ngô Quyền (Đường Lâm) được phát hiện vào 3/2014. Sau 6 tháng lăng Ngô Quyền được trùng tu, tôn tạo, đã vấp phải sự phản đối gay gắt của dòng họ Ngô và nhân dân Đường Lâm. Một trong những điều gây tranh cãi nhất là việc xây mới một bức bình phong có tạo hình là một con thú dữ tợn, thiếu thẩm mỹ chắn ngay lối vào lăng. Sau nhiều ồn ào, quái thú trên bình phong bị đục bỏ phản cảm vào sáng ngày 7/3 và ngày 13/3, đơn vị thi công đã đập bỏ toàn bộ bình phong. Việc ứng xử với một di tích cấp quốc gia như thế này được xem là quá dễ dãi và cẩu thả.

Phu Văn Lâu bị sập đổ một góc

Ngay sau đó, sự việc “làm sạch” tấm bia cổ Sùng Thiện Diên Linh - bảo vật quốc gia ở chùa Long Đọi Sơn (Hà Nam) lại khiến dư luận đặt câu hỏi về trình độ của những người làm công tác bảo tồn. Bia Sùng Thiện Diên Linh (thời Lý) hiện đang được lưu giữ tại chùa Long Đọi Sơn huyện Duy Tiên, Hà Nam là một trong 37 bảo vật quốc gia đã được Thủ tướng chính phủ công nhận cuối năm ngoái; và lễ công bố quyết định bảo vật quốc gia với tấm bia này diễn ra vào sáng 18/4. Tuy nhiên, hành động “làm sạch” tấm bia cổ này để phục vụ cho lễ công bố được cho là phá hoại nghiêm trọng bảo vật quốc gia với một phương thức khá tàn bạo. Theo lời kể của người dân địa phương, một tốp thợ xây, dùng đá mài, giấy ráp, bàn chải sắt, phoi bào sắt... kỳ cọ mặt bia. Mục đích của họ đơn giản là chỉ định “làm vệ sinh” bia cho bà con chiêm ngưỡng trong dịp trọng đại này.

Ngoài ra, trong năm 2014 có thể kể đến việc trùng tu bằng cuốc xẻng tại đình Tiên Canh (Vĩnh Phúc) vào 6/2014, chùa Sổ (Thanh Oai) vào tháng 7/2014 hay Phu Văn Lâu (Huế). Điểm chung của những di tích này là đều bị đơn vị thi công tháo dỡ và phá bỏ hầu hết các cấu kiện cổ, thiếu tính toán trong quá trình hạ giải; đồng thời đưa những hiện vật mới tinh nhưng cẩu thả và không đúng kích cỡ ban đầu vào di tích trong khi nhiều chi tiết có giá trị văn hóa lịch sử và mỹ thuật hoàn toàn có thể tiếp tục sử dụng. Thêm vào đó, công trình mới sau khi hoàn thành đã “lột xác” hoàn toàn, trở nên lòe loẹt, phản cảm, xà, cột không ghép được với nhau, mảng chạm cổ kính sơn bằng sơn ta nay thành tươi rói phản cảm vì sơn tây.

Điều đáng nói là tình trạng cẩu thả, vô trách nhiệm trong việc trùng tu, tôn tạo các di tích cổ không chỉ diễn ra trong năm 2014. Trước đó, dư luận đã bàng hoàng về việc phá “kỳ quan” cổng thành Sơn Tây, trùng tu xây mới một số hạng mục. Đó là một “vết nhơ” trong trùng tu di tích, mà không một người dân xứ Đoài và Hà Thành nào có thể quên được. Rồi liên tiếp những vụ làm mới các di tích ở chùa Trấn Quốc, Kim Liên, Thiên Phúc, Tứ Liên, Trăm Gian... Rất nhiều ý kiến cho rằng, ngoài trách nhiệm của địa phương, từ cấp xã, huyện đến thành phố, tiếp đó là trách nhiệm thuộc về Cục Di sản và nhà đầu tư.

Coi chừng kẻ “lách luật”

Tính tới thời điểm này, cả nước có 3.258 di tích quốc gia và 7.535 di tích cấp tỉnh; ngay tại thủ đô Hà Nội cũng tập trung khá đông các di tích (với trên 5.000 di tích, 42,6% trong số đó đã được xếp hạng di tích quốc gia và cấp tỉnh) nhưng đội ngũ làm công tác quản lý di tích nhìn chung rất thiếu và yếu kém về chuyên môn. Điều này dẫn tới tình trạng cẩu thả trong việc trùng tu và “xóa sổ” rất nhiều công trình có giá trị.

“Quái thú” trên bình phong chắn lăng Ngô Quyền

Một số nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử đã “kêu trời” về thực trạng này, đồng thời đề nghị cách tốt nhất để bảo quản di tích là cứ để nó… yên vị như cũ, đừng động “dao thớt” vào. Thế nhưng, trên thực tế, có những công trình chúng ta buộc phải trùng tu để bảo vệ, giữ gìn công trình ấy sống mãi với thời gian, chứ không phải vì muốn có dự án, tăng thu nhập mà đối xử tệ với di tích.

Nói như kiến trúc sư (KTS) Hoàng Đạo Kính: “Chúng ta đang ôm đồm một số lượng di tích quá lớn mà hầu hết không phải là di tích. Ôm đồm hàng loạt mà không phân định rõ ràng, công nhận, xếp hạng di tích tức là việc đánh giá, nhìn nhận giá trị của từng dấu vết, công trình, địa chỉ lịch sử còn lại. Tôi làm việc trong lĩnh vực bảo tồn di sản từ năm 1971. Tôi nhận ra, chúng ta càng ngày càng ít khả năng bảo tồn được những gì thực sự là tinh hoa di sản văn hóa dân tộc. Chúng ta đang có nguy cơ trông thấy về việc không bảo tồn được những gì đích thực là tinh hoa di sản văn hóa”.

Nói về trình độ trùng tu, bảo tồn di tích, di sản hiện nay của Việt Nam, KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích Việt Nam cho rằng: Để việc trùng tu đúng theo Luật Di sản văn hóa và Luật Xây dựng cần có đủ các thành phần: Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát... Nhưng các đơn vị đó có đủ năng lực chuyên môn về trùng tu di tích để thực hiện tốt các chức năng ấy không thì các văn bản pháp lý hiện nay không đưa ra yêu cầu cụ thể và cũng không ai kiểm tra. Có những đơn vị không có một cán bộ nào có chuyên môn vẫn đảm nhận thi công trùng tu di tích xếp hạng quốc gia một cách “đúng luật”.

Theo ông, các quy định như hiện nay một mặt đang khuyến khích những người “lách luật” để dễ làm, thu nhiều lợi nhuận từ việc trùng tu, mặt khác chưa tạo điều kiện đảm bảo chất lượng khoa học cho những hoạt động trùng tu.

Trước tình trạng “xóa sổ”, “làm mới” các di tích, GS Trần Lâm Biền nhấn mạnh, mọi hiện tượng xóa bỏ kiến trúc cũ, thay cũ bằng mới, tưởng rằng làm cho di tích khang trang hơn nhưng thực ra là phá hoại. Khi công trình được xây dựng to lớn hơn trên không gian cũ là đã đoạn tuyệt với quá khứ, quay lưng với văn hóa truyền thống. Ông khẳng định: “Mọi việc đều xuất phát từ sự “lười nhác” trí tuệ, cộng với sự coi thường của các nhà tu bổ về mặt văn hóa lịch sử. Trước đây, nhà tu bổ chỉ hiểu kết cấu đơn thuần và tư tưởng tu bổ của họ giống như sửa chữa nhà cửa, nên cứ “làm ào” đi để lấy số lượng”.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý chưa thể hiện được đầy đủ vai trò đầu não của mình, hiểu biết của cán bộ quản lý về văn hóa nhiều khi chưa theo kịp yêu cầu. Trong khi những người hiểu và gắn bó với việc trùng tu di sản thì còn quá ít.

Để hạn chế hậu quả khi “trùng tu” cẩu thả và thiếu trách nhiệm tại nhiều di tích, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ra Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL. Trong đó quy định chỉ những người có chuyên môn, kinh nghiệm và buộc phải có chứng nhận hành nghề và chứng chỉ hành nghề mới có thể tham gia công việc trùng tu, bảo tồn di tích, di sản. Mặc dù vậy, tình trạng “xâm hại di tích” bằng việc tu bổ, xây mới sai quy cách vẫn đang tiếp diễn ngày một nghiêm trọng bởi lực lượng trùng tu trực tiếp không đủ khả năng cũng như kinh nghiệm thực hiện.

Sau tất cả những thảm họa trùng tu như thời gian qua, việc đưa ra những quy định, những giải pháp xử phạt dù nghiêm hay không cũng chỉ là “việc đã rồi”, “được vạ thì má đá sưng”. Vì vậy, để tránh những lùm xùm không đáng có trong công tác trùng tu, giữ nguyên được hiện trạng di sản của cha ông như hiện nay thì cần phải có cách làm khác sâu sát hơn, triệt để hơn đối với các đơn vị thi công. Không thể vin phát triển kinh tế mà bao biện cho ứng xử với di sản của ta hiện nay, bởi đã có câu: “Nếu anh bắn súng lục vào quá khứ, thì quá khứ sẽ bắn đại bác vào tương lai của anh”.

Khánh An