Y tế trên đảo Phú Quý

06:55 | 04/10/2015

1,074 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Huyện đảo Phú Quý cách đất liền hơn 100km, đi lại giữa đảo này và đất liền vô cùng khó khăn phức tạp. Công tác khám chữa bệnh, đặc biệt là việc vận chuyển bệnh nhân cấp cứu từ đảo vào đất liền gặp vô vàn thách thức. Tuy nhiên, vượt qua vô vàn khó khăn, thách thức đó, hàng ngàn ca cấp cứu, phẫu thuật... đã được đội ngũ những người làm y trên đảo thực hiện thành công.  
y te tren dao phu quy Đảo Phú Quý – Hòn ngọc đầy tiềm năng

Tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VI của Bộ Y tế, câu chuyện của ThS-BS Bùi Đình Lĩnh - Giám đốc Trung tâm Y tế Quân dân y huyện Phú Quý (Bình Thuận) nói về những khó khăn, thách thức mà đội ngũ y, bác sĩ đã phải trải qua trong quá trình khám chữa bệnh cho người dân trên đảo đã dành được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu tham dự. Câu chuyện đã thể hiện tinh thần quyết tâm, nỗ lực vượt mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ được giao của đội ngũ y bác sĩ ở đây.

Cách đây 29 năm, ThS-BS Bùi Đình Lĩnh và một số cán bộ y tế khác được Sở Y tế Thuận Hải (năm 1991, tỉnh Thuận Hải được chia thành 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận - PV) điều động ra đảo Phú Quý. Nhiệm vụ của các anh khi đó là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang đóng chân trên đảo.

y te tren dao phu quy
Ths. bác sĩ Bùi Đình Lĩnh khám bệnh cho người dân trên đảo Phú Quý

Nói về thời điểm này, ThS-BS Bùi Đình Lĩnh cho hay: Đây là thời kỳ bao cấp, đời sống của bà con nhân dân trên đảo và cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, đất liền khó một thì nơi đầu sóng ngọn gió như Phú Quý khó khăn, thiếu thốn nhân lên gấp bội. Phú Quý những năm ấy cái gì cũng thiếu, đường sá thậm chí còn chưa hình thành, 4 bề mênh mông cát trắng. Bệnh viện Phú Quý khi đó cũng chẳng hơn gì một trạm y tế xã. Khu điều trị bệnh nhân là một dãy nhà cấp 4 rộng 360m2, máy móc trang thiết bị y tế không có gì ngoài những thứ rất cơ bản như ống nghe, máy đo huyết áp, nhiệt kế...

Chuyện khám chữa bệnh vì thế chủ yếu dựa vào khám lâm sàng chứ không hề có xét nghiệm, siêu âm hay X-quang hiện đại. Và cũng vì khám chữa bệnh dựa vào “kinh nghiệm” nên đòi hỏi người bác sĩ phải rất kiên trì, chịu khó khám đi khám lại nhiều lần, ghi chép so sánh giữa lần khám sau và lần khám trước sau đó mới đi đến kết luận cuối cùng. Mặc dù phải làm công tác khám chữa bệnh trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn như vậy nhưng nhờ tinh thần quyết tâm khắc phục khó khăn, nên tôi và các đồng nghiệp đã giải quyết thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo trên đảo, đem lại sự sống cho hàng nghìn người bệnh đang cận kề cái chết. Trong điểu kiện khó khăn không có ánh sáng điện, không có các thiết bị, dụng cụ phẫu thuật, đội ngũ những người làm y trên đảo đã sử dụng những gì mình có như đèn dầu, bếp dầu, bàn sanh, máy hút đạp chân để tiến hành phẫu thuật cứu sống rất nhiều người bệnh một cách không tưởng”.

Nói về những lần như thế, ThS-BS Bùi Đình Lĩnh bảo: Trong gần 30 năm khám chữa bệnh trên đảo, với hàng ngàn ca bệnh hiểm nghèo mà chúng tôi cứu sống, trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Mọi (xã Long Hải) là tôi nhớ nhất. Nó luôn nhắc nhở chúng tôi phải biết thương yêu người bệnh, coi người bệnh như chính người thân ruột thịt của mình. Đồng thời, nó cũng là minh chứng cho nỗ lực, quyết tâm khắc phục khó khăn đã và đang gặp phải để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, nhân dân và chiến sĩ trên đảo.

Rồi anh kể, bệnh nhân Nguyễn Mọi bị viêm ruột thừa khi đang đánh bắt hải sản xa bờ, khi về tới đảo đã chuyển thành bệnh viêm phúc mạc toàn thể sau 20 ngày ủ bệnh trên biển. Để thực hiện ca mổ, chúng tôi đã phải hấp dụng cụ bằng bếp dầu, hút dịch bằng máy hút đạp chân, ánh sáng mổ lấy từ máy phát điện mượn của một người dân địa phương. Dụng cụ thiết bị thiếu và thô sơ là vậy nhưng khi mở ổ bụng bệnh nhân ra thì khó khăn lại tăng lên gấp bội. Ổ bụng đầy mủ đặc quánh màu socola, do vậy sau khi hút sạch mủ ổ bụng thấy một số quai ruột và ruột thừa đã hoại tử tím đen. Nhưng với tấm lòng thương yêu người bệnh và ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, tôi cùng các đồng nghiệp đã quyết định bổ sung dụng cụ để cắt đoạn ruột hoại tử.

“Để có được ca mổ thành công, tôi và hai kỹ thuật viên gây mê hồi sức đã phải thay nhau ăn ngủ bên giường bệnh nhân suốt 10 ngày đêm liên tục để chăm sóc, hút dịch cho ruột được thông. Niềm hạnh phúc khi tiếp tục được sống và tiếp tục được đi biển đánh bắt cá suốt 28 năm qua của bệnh nhân Nguyễn Mọi vì đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần, cũng là niềm hạnh phúc vô bờ của tôi và các đồng nghiệp từ đó đến nay. Bởi vì niềm hạnh phúc ấy là kết quả của tinh thần thương yêu người bệnh khắc phục khó khăn để đem lại sự sống cho người bệnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” - ThS-BS Bùi Đình Lĩnh nói.

Với tinh thần thương yêu người bệnh, ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn, ThS-BS Bùi Đình Lĩnh và các đồng nghiệp đã giải quyết tại chỗ nhiều bệnh nhân cấp cứu một cách thành công. Và rất nhiều bệnh nhân trong số này đáng lẽ ra phải chuyển lên tuyến trên theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đã được quy định. Nhưng như đã nói ở trên, vì khoảng cách giữa đảo với đất liền rất lớn, lên tới 100km nên không biết trong quá trình di chuyển tính mạng người bệnh sẽ như thế nào.

Theo ThS-BS Bùi Đình Lĩnh, hàng trăm ca mổ trên đảo không thể thành công và các thầy thuốc không thể hoàn thành nhiệm vụ nếu bà con nhân dân địa phương không mang máy phát điện cho mượn để thắp sáng khi tiến hành phẫu thuật. Càng trong hoàn cảnh khó khăn lại càng thấy được tầm quan trọng của sức dân, sự cần thiết phải có tinh thần hưởng ứng và ủng hộ của nhân dân nói chung, của thân nhân người bệnh nói riêng. Vì vậy muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ người cán bộ y tế cần phải đổi mới phong cách, thái độ phục vụ để hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

 

Thanh Ngọc

Năng lượng Mới 462

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.