Tìm lối thoát cho doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện

07:28 | 28/07/2013

2,207 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngành công nghiệp chế tạo thiết bị điện của Việt Nam vẫn đang ở thời điểm xây dựng nền tảng. Hơn 95% thiết bị điện, dây dẫn, máy biến áp… đều được nhập khẩu toàn bộ hoặc lắp ráp một phần. Làm sao để nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện để hoàn thành mục tiêu nội địa hóa 10% thiết bị điện vào năm 2020? Chúng tôi đã tìm hiểu một số công ty vừa và nhỏ chuyên sản xuất các thiết bị điện để phần nào tìm lời giải cho vấn đề này.

Gian nan sản xuất thiết bị điện

Khi tìm hiểu về các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất thiết bị điện, không văn phòng hoành tráng hay những cô thư ký thướt tha bóng bẩy với nước hoa thơm phức mà là những hình ảnh giản dị đến ngỡ ngàng. Tôi gặp anh Đỗ Mạnh Doãn, Giám đốc Công ty Hoàng Kim chuyên sản xuất thiết bị gia nhiệt điện từ. Nằm trên đường Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội, trụ sở của công ty vỏn vẹn hơn 20m2, giữa ngồn ngộn hàng đống giấy tờ và các chi tiết máy là hai người miết mải với công việc: giám đốc và kế toán. Khi tôi hỏi “Sao công ty lại vắng thế này?”, vị giám đốc trẻ cởi mở: “Công ty mới chuyển trụ sở nên còn bừa bộn lắm, tôi cho anh em kinh doanh và kỹ thuật “đi làm thị trường” hết. Công ty nhỏ, muốn có thêm khách hàng khó lắm…”.

Thiết bị gia nhiệt điện tử lắp đặt cho dây chuyền sản xuất nhựa

Ngay từ những ngày mới tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, Doãn đã ôm ấp nhiều ý tưởng sản xuất các thiết bị điện. Bằng niềm say mê nghiên cứu, tìm hiểu các tài liệu, rồi đối chiếu công nghệ sản xuất từ nước ngoài. Sau đó, Doãn lần lượt thử nghiệm, vượt qua hàng chục điểm nghẽn về kỹ thuật với hằng trăm thử nghiệm thất bại. Đến năm thứ 6, Doãn cho ra đời sản phẩm gia nhiệt điện từ đầu tiên. Sau 2 năm liên tục cải tiến, nâng cấp hoàn thiện chất lượng sản phẩm, đến năm thứ 8 mới tìm được khách hàng đầu tiên. Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn trong sản xuất kinh doanh thiết bị điện, Doãn cho biết: “Tôi hoàn toàn tự lập bằng hai bàn tay trắng, tự mày mò, học hỏi, cải tiến để có một sản phẩm gia nhiệt bằng điện từ có những tính năng vượt trội đưa ra thị trường. Với số vốn ít ỏi do gia đình cung cấp lại phải nhập khẩu linh kiện để sản xuất nên gặp rất nhiều khó khăn…”. 

Cùng điểm xuất phát với Doãn và chung niềm say mê nghiên cứu, Anh Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp Nguồn Việt lại sản xuất lắp đặt hệ thống điện năng lượng tái tạo. Anh Phương cũng có hơn 10 năm tự nghiên cứu, bỏ tiền vốn để mua thiết bị, linh kiện lắp ráp các thiết bị của hệ thống điện gió, năng lượng mặt trời. Nhiều năm anh mang tiếng “hấp” bởi cả ngày lẫn đêm chỉ chúi đầu vào tính toán, thiết kế rồi đấu nối tụ, ổn áp cho sản phẩm bộ kích điện năng lượng mặt trời. Khi chúng tôi hỏi tại sao anh không sản xuất đại trà, xây dựng thương hiệu hoặc ít nhất là đăng ký bản quyền, anh Phương thẳng thắn trả lời: “Nước ta hiện nay có nhiều đơn vị rất mạnh về vốn, thị trường và cả quan hệ. Chúng tôi chỉ cần giữ công nghệ và chấp nhận làm gia công cho các đơn vị khác dán nhãn bảo hành và bán sản phẩm ra thị trường. Tôi cũng không lo các công ty khác ăn cắp sáng chế bởi dù có làm sản phẩm chất lượng y hệt cũng không thể cạnh tranh nổi với chúng tôi về giá thành…”. 

Có thể thấy rằng, để nghiên cứu, sản xuất ra một thiết bị điện là cực kỳ khó khăn. Chỉ khi hội tụ đủ niềm say mê, nghị lực và cả may mắn, sản phẩm điện của doanh nghiệp Việt mới có được chỗ đứng trên thị trường. Bởi vậy rất cần sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ phía Bộ Công Thương thì có chăng một vài năm tới Việt Nam sẽ sản xuất ra các thiết bị điện chất lượng cao cung cấp cho EVN và người dân Việt Nam.

Khoảng cách giữa cơ chế và thực hiện

Đầu năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg nhằm thực hiện “Chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ”, trong đó hỗ trợ ưu tiên các sản phẩm công nghiệp điện. Quyết định nêu rõ: “Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ”. Trong đó có 5 vấn đề khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp như phát triển thị trường, hạ tầng cơ sở, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp thông tin và tài chính. Bên cạnh đó là các Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19-8-2009, ban hành quy chế quản lý cụm công nghiệp, Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30-6-2009 đều hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Như vậy hành lang pháp lý đã đủ nhưng nguyên nhân do đâu mà các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện vẫn không mặn mà “hợp tác” với Nhà nước mà cứ tự loay hoay trong vòng tròn của vốn và tìm kiếm thị trường?

Trước hết, về nguồn vốn hỗ trợ các dự án sản xuất công nghiệp Nhà nước đang có hai nguồn “chính tắc” như vay vốn tín dụng đầu tư phát triển và chủ đầu tư các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng các chính sách trợ giúp tài chính theo quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30-6-2009 của Chính phủ. Ngoài ra các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm điện được hưởng ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu. Biết như vậy nhưng các doanh nghiệp nhỏ luôn tỏ ra tự ti khi tiếp cận các nguồn vốn này bởi tâm lý “không thần không thế” hay nỗi lo “mật ít ruồi nhiều”.

Để phá tan các rào cản này, với trọng trách chủ trì, đã đến lúc Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành có liên quan không chỉ dừng ở mức hỗ trợ mà cần tìm, quy tụ và hướng dẫn các doanh nghiệp lập dự án để được hưởng các gói hỗ trợ tài chính. Và để thoát khỏi “lối mòn phát triển thị trường” theo kiểu 1 năm làm vài cuộc triển lãm, tham gia những hội thảo vô thưởng vô phạt. Những cuộc triển lãm, hội trợ xúc tiến thương mại cần được tổ chức với mục tiêu thực tế hơn là làm thế nào để các doanh nghiệp được thêm nhiều khách hàng, thực sự tạo cầu nối đưa các sản phẩm công nghiệp điện đến với doanh nghiệp có nhu cầu hoặc sản phẩm điện dân dụng đến với người tiêu dùng.

Đơn cử như việc mời khách tham quan triển lãm, thay vì “được hay chăng chớ” với kiểu thông tin một chiều trên vài tờ báo, đài phát thanh truyền hình địa phương hay phát giấy mời đi khắp nơi nhưng chẳng mấy ai tới tham quan, đơn vị tổ chức cần phải xác định các đơn vị thật sự có nhu cầu với các sản phẩm thuộc ngành điện (sau đó mới gửi giấy mời), thông báo cụ thể các sản phẩm tiêu dùng đến quảng đại quần chúng mới có thể kích thích người tiêu dùng, tăng lượng khách tham quan.     

Hiện nay tình hình kinh tế toàn cầu vẫn đang chìm trong khủng hoảng nên ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư thiết bị của doanh nghiệp Việt Nam. Hầu hết doanh nghiệp thiếu vốn nên không có kế hoạch cho việc đầu tư thiết bị điện, tiết kiệm năng lượng. Bởi vậy, rất cần một “cú hích” của Nhà nước cho các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện, phòng thí nghiệm thiết bị điện để tìm ra lối thoát cho công nghiệp chế tạo trong giai đoạn này.

Trong giai đoạn 2011-2015, vốn đầu tư EVN hơn 500 ngàn tỉ đồng. Dự kiến, EVN sẽ dành 60,5% vốn đầu tư cho nguồn điện, 17,8% vốn cho lưới điện truyền tải, 20,7% vốn cho đầu tư lưới điện phân phối trung, hạ thế. Chỉ có 1% dành cho nghiên cứu sản xuất thiết bị điện và đầu tư cho các công trình khác.

Việt Nam có hơn 46 ngàn doanh nghiệp cơ khí chế tạo, trong đó chỉ có khoảng 930 doanh nghiệp sản xuất, lắp đặt thiết bị điện, hơn 80% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (vốn đối ứng dưới 5 tỉ đồng).


Thành Công

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps