Chuyện những người thợ điện

Tiếng hát giữa trời xanh

07:06 | 01/02/2018

710 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đang đi trên đường, bất chợt nghe tiếng hát “Khi đã nghe tiếng ca của lòng người yêu phương xa/ Em hãy ngước mắt lên vui nhìn trời xanh quê ta…” văng vẳng, những người đang tham gia giao thông không khỏi ngạc nhiên, ngước mắt nhìn trời. Trên ấy là những người thợ điện đang đi lại trên không trung như những con nhện đang dệt tấm lưới khổng lồ.

1. Hôm ấy, một buổi chiều thật đẹp. Có lẽ trước con người, trời đất giao hòa, anh công nhân điện lực không cưỡng lại được đã cất lên tiếng ca bằng một giọng nam cao đầy nội lực và một tinh thần tràn ngập niềm tin yêu cuộc sống. Nhiều người đi đường đã dừng lại không chỉ để nghe hát mà còn để chứng kiến những người thợ kéo dây truyền tải điện trên công trình đường dây 220kV Cầu Bông - Hóc Môn rẽ Bình Tân cấp điện cho TP HCM.

tieng hat giua troi xanh
Người thợ điện làm công tác nối dây

Công việc của các anh ít người hình dung nổi: lắp khung định vị. Nhưng muốn lắp được khung định vị cho đường dây tải điện, trước tiên các thợ điện phải đưa được dây lên… “trời”. Nói để dễ hình dung chứ không hề đơn giản chút nào, bởi để đưa được cáp truyền tải điện lên cao, họ phải làm rất nhiều công đoạn. Phải làm từ “hạ tầng cơ sở”, đào móng xây dựng trụ cột, tới “kiến trúc thượng tầng”, lắp đặt khung định vị dây…

Để một sợi dây an toàn được cột vào sợi cáp phía trên, các anh đi trên sợi cáp phía dưới để lắp các khung định vị. Mỗi khi di chuyển trên dây cáp điện, chẳng may gặp phải gió lớn chúng tôi thấy những sợi dây điện đong đưa như đánh võng. Người thợ đường dây không khác gì những nghệ sĩ xiếc chuyên nghiệp đang biểu diễn tiết mục đi thăng bằng trên dây. Khác chăng là các nghệ sĩ xiếc biểu diễn trên sân khấu được dàn dựng, có thiết bị bảo hiểm dưới đất, còn các anh biểu diễn ở trên… trời. “Kẻ thù” của các “nghệ sĩ” này chính là thời tiết.

tieng hat giua troi xanh
Tuy công việc vất vả nhưng người thợ vẫn luôn lạc quan, yêu đời, yêu nghề

2. Chúng tôi gặp được một nhóm thợ đang làm những công việc ở dưới mặt đất. Trưởng nhóm là anh Thái Thăng Long, quê Hà Tĩnh. Anh Long cho hay, các “nghệ sĩ” mà chúng tôi thấy… trên trời là những người công nhân chuyên dựng cột, kéo dây… thuộc Tổng Công ty Cổ phần xây dựng điện Việt Nam.

Có công trình điện đi qua địa hình toàn núi đá, đèo dốc, vực sâu hun hút, không một loại máy móc nào có thể đưa lên được nên tất cả công việc đều phải dựa vào sức người với các công cụ thô sơ. Nhiều khi anh em phải cõng từng can nước lên núi để trộn bê tông.

“Anh chị cứ thử nghĩ xem, dưới cái nắng gay gắt của trời chiều hạ, nhiệt độ ngoài trời có khi lên tới 37-380C, thậm chí có hôm 40-410C, dưới đất mọi người còn có chỗ mát để nghỉ, người đi đường khi phải dừng đèn đỏ chỉ khoảng 30 giây thôi cũng cố tìm bóng mát để tránh nắng, còn những người thợ như chúng tôi vẫn miệt mài với công việc của mình, nhất là khi đã leo lên độ cao hàng chục, có khi hơn trăm mét rồi thì phải làm cho xong việc, chứ sợ nắng leo xuống thì hết ngày việc vẫn không xong”, anh Long chia sẻ.

Trong lúc trò chuyện, anh Long vẫn luôn tay cùng anh em trong tổ tháo dỡ giàn giáo. Anh bảo, do đặc thù công việc, các anh phải tranh thủ làm việc chạy đua với thời gian, nếu không kịp sẽ ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Bởi khi thi công công trình, nguồn điện sinh hoạt của bà con quanh khu vực sẽ bị ảnh hưởng và tạm thời gián đoạn theo lịch cắt điện được thông báo từ các công ty điện lực. Chạy đua với thời gian, không chỉ để kịp tiến độ bàn giao công trình, mà còn không ảnh hưởng tới việc cung cấp điện của các đường dây khác. Anh Long tâm sự, nghề này chẳng khác gì những người thợ xây, xong công trình lại đi, chẳng mấy khi được hưởng chút thành quả lao động của mình.

tieng hat giua troi xanh
Ăn cơm "trên trời"

Làm nghề này cực lắm, mỗi công đoạn có cái cực riêng của nó. Anh Thu, cũng quê Hà Tĩnh, theo nghề từ năm 1992 đến nay, cho hay: “Làm ở đâu cũng cực, càng xa khu dân cư càng cực, thiếu thốn trăm bề. Nhất là những lúc ốm đau bệnh tật, những khi sốt rét rừng, có khi bị rắn cắn, nếu không có lòng say nghề, chắc chúng tôi không theo nổi”.

Đã 15 năm trong nghề, anh Long, vốn là một người đi biển, bỗng nhiên lại đam mê cái nghề băng rừng vượt núi này, có rất nhiều kỷ niệm với những công trình mình từng tham gia. Với những công trình ở đồng bằng, ai cũng nghĩ là dễ dàng, nhưng cũng đầy khó khăn. Chẳng hạn như trụ móng được xây dựng trong vùng sình lầy, để đưa được vật liệu tới địa điểm thi công thì phương tiện chỉ là những dụng cụ hết sức thô sơ như xe đạp hay những tấm ván, nhưng không phải chỗ nào cũng sử dụng được.

Việc vận chuyển vật liệu khi đó lại là sức người. Những thanh thép nặng tới gần 200kg anh em phải cùng nhau khiêng vác, có khi bị ngã dúi ngã dụi, bùn đất đầy người, bị thương là chuyện thường. Việc kéo điện qua miền rừng núi còn khó nhọc vạn lần. Có công trình đi qua địa hình toàn núi đá, đèo dốc, vực sâu hun hút, không một loại máy móc nào có thể đưa lên được nên tất cả công việc đều phải dựa vào sức người với các công cụ thô sơ. Việc đào móng phá đá chỉ có xà beng, cuốc chim và búa tạ. Toàn bộ vật liệu xây dựng như xi măng, cát, đá, thép, dây điện... để xây tháp trụ điện anh em đều phải “cõng” lên núi. Nhiều khi anh em phải cõng từng can nước lên núi để trộn bê tông. Những khi trời mưa, lũ quét làm đường trơn, cây đổ thì việc đi vận chuyển vật liệu lại càng khó khăn bội phần. Vậy mà những người thợ ấy vẫn hoàn thành nhiệm vụ.

tieng hat giua troi xanh
Thi công đường dây 220kV Cầu Bông - Hóc Môn rẽ Bình Tân cấp điện cho TP HCM

Chúng tôi không được chứng kiến những công nhân làm việc trên đường dây 500kV như thế nào. Nhưng qua công việc của thợ đường dây 220kV Cầu Bông - Củ Chi rẽ Bình Tân, phần nào có thể hiểu được công việc của họ, qua lời kể của anh Thu, anh Long… Không chỉ việc xây trụ, dựng cột là vất vả và nguy hiểm mà ngay việc kéo dây cũng chẳng dễ dàng gì. Nhiều người chỉ cần leo lên căn hộ 20-30m đã thấy chóng mặt, trời đất quay cuồng.

Nhưng với những cột điện như “tháp Eiffel” sừng sững trên đỉnh núi hay hiên ngang vượt qua sông suối, có cột cao trên 100m, còn đường dây 220kV này có cột trên 70m thì người bình thường chắc chả mấy ai dám leo lên chứ nói gì tới việc lắp sứ, kéo dây, ấy vậy mà các anh còn phải kéo dây băng qua những cánh rừng già, qua những thác ghềnh dưới cái nắng cháy da cháy thịt, những vùng đầm lầy… Nhưng theo các anh thì lúc treo người trên cao qua những đoạn vực sâu hun hút, trong cái rét cắt da cắt thịt với nhiệt độ chỉ khoảng 5-60C và gió rít từng hồi, cơ thể cứng đơ vì lạnh là lúc đáng sợ nhất. Người theo nghề này không chỉ cần có sức khỏe, không được sợ độ cao mà còn phải thật yêu nghề.

tieng hat giua troi xanh
Những người thợ điện chỉ như một chấm đen nhỏ trên bầu trời khi thực hiện các công việc trên cao

Theo nghề này, trước tiên phải có sức khỏe. Định kỳ 6 tháng các anh được khám sức khỏe một lần. Không những thế, mỗi buổi sáng trước khi lên cột là một lần phải hỏi han sức khỏe, tâm lý xem người chuẩn bị leo cột có đảm bảo được công việc thì mới giao. Bởi theo các anh khi đã leo lên cột là gần như mọi sinh hoạt ở trên đó hết, trừ việc vệ sinh cá nhân.

Lúc treo người trên cao qua những đoạn vực sâu hun hút, trong cái rét cắt da cắt thịt với nhiệt độ chỉ khoảng 5-60C và gió rít từng hồi, cơ thể cứng đơ vì lạnh là lúc đáng sợ nhất. Người theo nghề này không chỉ cần có sức khỏe, không được sợ độ cao mà còn phải thật yêu nghề.

Ở trên độ cao cả trăm mét chỉ leo không thôi cũng mất cả nửa tiếng đồng hồ, bất kể thời tiết nắng nóng hay gió rét vẫn phải làm việc cho kịp tiến độ. Khoảng cách trung bình giữa các cột điện là 1km. Khi ra tới giữa đường dây, có những lúc gió lớn dây đu đưa như đánh võng chỉ sơ sểnh một chút là gặp nguy hiểm như chơi, cho dù có dây an toàn. Leo lên “tháp Eiffel” rồi buồn nhất là gặp trời mưa, bởi leo lên mất nửa tiếng thì leo xuống cũng chả ít thời gian hơn thế, nhưng gặp mưa thì đành xuống chứ không làm việc được. Cứ mưa nắng thất thường, leo lên tuột xuống mấy lần là hết cả thời gian.

3. Còn về chuyện riêng tư, khi được hỏi công việc đi xa như vậy có ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình hay không, các anh đều cười. “Người lính còn có hòm thư, địa chỉ nơi đóng quân, chứ những người thợ điện như chúng tôi nay đây mai đó làm gì có địa chỉ cố định mà thư với từ. Điện thoại di động lúc có sóng, lúc không, thiệt thòi về tình cảm thì đương nhiên rồi. Vì tiến độ công trình anh em phải ngày đêm làm việc, hết công trình mới được về thăm gia đình. Ngày lễ, thậm chí là ngày tết nếu gặp công trình gấp thì việc đón xuân trên công trình cũng là lẽ thường tình. Gia đình vợ con lâu rồi cũng quen với chuyện đó”, anh Thu tâm sự.

tieng hat giua troi xanh
Thợ điện cõng từng trụ cách điện lên núi để phục vụ công việc

Doãn - cậu trai trẻ của đội thì cười ngượng ngùng bảo, chưa có người yêu vì có khi đi công trình cả 5-6 tháng trong rừng, lúc về người vừa gầy vừa đen, đầu bù tóc rối, soi gương mình còn thấy sợ sao có ai dám yêu chứ? “Nhưng cuộc đời này có mấy người được ăn cơm… trên trời như chúng tôi”, anh công nhân có thâm niên 25 năm, trong nghề, hơn cả tuổi đời chàng công nhân trẻ tên Doãn, chia sẻ. Anh bảo cái cảm giác ăn cơm trên trời thú vị không thể tả. Cũng chả có mấy ai được ngủ “trên cao lộng gió” như các anh, bởi nhiều khi lên tới đỉnh “tháp”, công việc trục trặc phải chờ, chẳng biết làm gì các anh tranh thủ ngả lưng trên đỉnh “tháp” lấy sức.

Anh Khởi nhà ở gần một trụ điện thuộc tuyến 220kV Cầu Bông - Củ Chi rẽ Bình Tân, đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, chia sẻ: “Các chú thợ điện làm việc chẳng giống ai, suốt ngày đi lại trên trời, có khi ở trên đó từ sáng đến tối, có hôm thấy các chú ngủ trên đỉnh cột điện. Nói dại, lỡ ngủ quên, lăn xuống một cái thì…”. Còn vợ anh Khởi thì nói: “Các chú ấy yêu đời lắm, véo von tối ngày”...

Chia tay các anh khi trời chiều chạng vạng, cũng là lúc công trình sắp đến lúc bàn giao, đóng điện. Chúng tôi chỉ biết chúc các anh sức khỏe, giữ mãi lòng yêu nghề để tiếp tục những công trình mới mang nguồn sáng đến cho mọi người.

Công trình đường dây 220kV Cầu Bông - Hóc Môn rẽ Bình Tân cấp điện cho TP HCM. Mục đích của việc lắp đặt đường dây này là đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho các phụ tải khu vực huyện Củ Chi, Hóc Môn và các quận Bình Tân, Gò Vấp thuộc TP HCM; đồng thời tăng cường khả năng liên kết cho hệ thống điện khu vực Tây Bắc TP HCM với các tỉnh Tây Ninh, Long An, cũng như phù hợp với Quy hoạch điện 7 điều chỉnh. Dự án do Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư với tuyến đường dây dài 15km từ Trạm biến áp 500kV Cầu Bông đến Trạm biến áp 220kV Hóc Môn.

Anh Thu

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps