'Cung đình' Trung Quốc:

Số phận ông Giang Trạch Dân? (Bài 3)

07:50 | 30/12/2015

14,746 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cuộc chiến Tập Cận Bình đánh Giang Trạch Dân đã cho thấy một điều ít được đề cập: lỗi cơ chế - cơ chế bổ nhiệm nhân sự, nói cách khác là “lỗi thiết kế” của cơ quan đặc trách nhân sự Đảng với tên gọi chính thức là Ban tổ chức trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc.
cung dinh trung quoc so phan ong giang trach dan bai 3Số phận ông Giang Trạch Dân? (Bài 2)
cung dinh trung quoc so phan ong giang trach dan bai 3Số phận ông Giang Trạch Dân? (Bài 1)

Bài 3: Vấn đề của cơ chế

Tại Trung Quốc, Ban tổ chức trung ương là một trong những cơ quan quan trọng và bí mật nhất. Trụ sở của nó tại Bắc Kinh là một tòa nhà không đề bảng, cách Thiên An Môn khoảng 1 km về phía Tây, dọc đại lộ Trường An. Trong danh bạ, không bao giờ có số điện thoại của trụ sở Ban tổ chức trung ương. Tất cả cuộc gọi từ máy điện thoại bàn trong tòa nhà Ban tổ chức trung ương cho điện thoại di động đều luôn hiển thị một dãy số 0. 

Cách duy nhất để người dân bên ngoài liên lạc với Ban tổ chức trung ương tại Bắc Kinh là gọi đến số 12380 và luôn nghe được câu trả lời ghi âm sẵn với nội dung đồng ý cho người gọi phản ánh bất kỳ vụ việc nào liên quan “vấn đề tổ chức cán bộ Đảng” ở cấp quận trở lên.

cung dinh trung quoc so phan ong giang trach dan bai 3

Đảng cộng sản Trung Quốc đang xảy ra những cuộc tranh giành nội bộ gay gắt

Từ đầu năm 2009, website Ban tổ chức trung ương đã ra đời, cũng hỗ trợ “dịch vụ tiếp dân” tương tự. Trong cùng thời gian, Ban tổ chức trung ương bổ nhiệm một phát ngôn viên. Tuy nhiên, trong sáu tháng đầu làm việc, viên này không “phát” một từ nào ra bên ngoài…

Định nghĩa rằng đó là cơ quan nhân sự Đảng là chưa đầy đủ đối với Ban tổ chức trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc. Để dễ liên tưởng bằng cách so sánh với một hình ảnh tưởng tượng bên Mỹ, có thể hình dung rằng đó là một ban giám sát việc bổ nhiệm toàn bộ nội các Hoa Kỳ, toàn bộ thống đốc bang lẫn phó thống đốc, toàn bộ thị trưởng các thành phố lớn, toàn bộ người đứng đầu các cơ quan pháp chế liên bang, các vị tổng giám đốc điều hành tập đoàn GE, ExxonMobil, Wal-Mart và khoảng 50 công ty khác lớn nhất Mỹ, toàn bộ chánh án Tối cao pháp viện, các tổng biên tập New York Times, Wall Street JournalWashington Post, các giám đốc đài truyền hình và hệ thống truyền hình cáp, chủ tịch Đại học Yale, Harvard và nhiều đại học lớn khác, giám đốc các tổ chức nghiên cứu độc lập chẳng hạn Viện Brookings và Heritage Foundation.

Không chỉ vậy, tiến trình bổ nhiệm luôn được thực hiện sau những cánh cửa đóng chặt, và việc bổ nhiệm luôn được công bố mà chẳng bao giờ kèm theo giải thích. Tại Bắc Kinh, Bộ chính trị quyết định việc bổ nhiệm những vị trí quan trọng nhất nhưng Ban tổ chức trung ương là người gác cổng mà tất cả ứng cử viên buộc phải đi ngang trước khi có thể chính thức tiếp nhận nhiệm sở.

Nói cách khác, Ban tổ chức trung ương hoạt động với mô hình gần giống với Bộ Lại ngày xưa, nơi có quyền xem xét và bổ nhiệm quan viên, với người đứng đầu là Lại bộ thượng thư. Tất nhiên việc so sánh Bộ Lại với Ban tổ chức trung ương là một khiên cưỡng vì Bộ Lại thời phong kiến không thể tổ chức tốt bằng bộ máy Ban tổ chức trung ương của Đảng cộng sản Trung Quốc, với mức độ hoạt động nhịp nhàng và tầm “quán xuyến” bao phủ rộng đến tận cùng triệt để. 

Luôn nắm trong tay hồ sơ cán sự Đảng, Ban tổ chức trung ương phối hợp với Ban phòng chống tham nhũng trung ương để có thể kiểm tra chéo bất kỳ dấu hiệu hủ hóa và suy thoái tư cách đạo đức nào trong hàng ngũ Đảng, ít nhất theo lý thuyết là vậy. Cùng lúc, Ban tổ chức trung ương cũng kiểm soát chặt chẽ hồ sơ đảng viên ở các cấp địa phương.

Có thể thấy tầm mức uy thế Ban tổ chức trung ương như thế nào, qua việc chứng kiến nhiều nhân vật cao cấp đều từng kinh qua ghế trưởng ban Ban tổ chức trung ương, từ Đặng Tiểu Bình, Hồ Diệu Bang, đến Tăng Khánh Hồng. Và khi tái đắc cử nhiệm kỳ hai cuối năm 2007, Chủ tịch-Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào cũng củng cố ghế lãnh đạo bằng việc đưa một nhân vật trung thành thuộc cánh hẩu (Lý Nguyên Triều) lên chức Trưởng ban Ban tổ chức trung ương.

Bởi sự bao trùm trong chức năng bổ-bãi nhiệm nhân sự của Ban tổ chức trung ương (và dưới đó là các ban cán sự đảng bộ từng ngành, ban tổ chức cán bộ tỉnh ủy-quận ủy, ban tổ chức cán bộ đảng ủy đại học-bệnh viện-cơ quan cấp sở…) nên cơ chế “đầu mối” này cuối cùng đã dẫn đến nhiều hệ quả tai hại. Các vụ mua quan bán tước xảy ra ngày càng phổ biến và trầm trọng, thậm chí ngoài tầm kiểm soát. Bên ngoài hoạt động nhân sự thuần túy của Ban tổ chức trung ương là một thị trường mua bán “ghế” nhộn nhịp.

Và tất nhiên không chỉ mua quan bán tước, còn là vấn đề phe nhóm và lợi ích nhóm. Điều này ngày càng lộ ra nhiều khiếm khuyết và cho thấy những khuyết tật của một hệ thống tổ chức mà hậu quả của nó là các cuộc thanh trừng nội bộ khốc liệt. 

Mạnh Kim