Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Hà Nội đang mang rất nhiều những gánh nặng

09:02 | 22/10/2015

1,269 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có nhiều người cho rằng Hà Nội chưa xứng đáng là thủ đô, bởi phông văn hóa còn kém. PV PetroTimes đã có cuộc trao đổi với nhà văn Nguyễn Trương Quý về vấn đề này. 

PV: Có nhiều người cho rằng, Hà Nội chỉ có thể gọi là thành phố chứ không thể nói “thủ đô” vì phông văn hoá còn kém. Anh nghĩ thế nào về nhận xét này?

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Khái niệm trung tâm văn hóa của một vùng hay một nước phụ thuộc nhiều yếu tố, mà ở đây có điểm xuất phát từ sự lựa chọn về chính trị. Là thủ đô, thường nhà quản lý, nhà cầm quyền mong muốn đây là nơi tập trung các nguồn lực để hỗ trợ cho việc điều hành của chính phủ kèm theo các dịch vụ, tiện ích công cộng, phúc lợi xã hội và môi trường giáo dục. Hà Nội từng là nơi được lựa chọn nhiều lần giữ vai trò như vậy, kiêm nhiệm chức năng đầu tàu sản xuất, kinh tế, thương mại... Vậy nên, yếu tố trung tâm văn hóa tự nhiên hình thành.

Nhưng tại sao lại ấn định rằng thủ đô thì sẽ tốt hơn thành phố? Nói “phông văn hóa còn kém” là dựa trên tiêu chuẩn nào hay một cảm quan đạo đức có phần thời thượng. Bàn câu chuyện như vậy chẳng để làm gì cả mà vấn đề là làm sao tìm ra phương thức, mô hình tốt hơn, cải thiện nó dần dần thôi. Nó phải xuất phát từ những sản phẩm nghiên cứu quy hoạch nghiêm túc.

nha van nguyen truong quy ha noi da xung dang la thu do
Nhà văn Nguyễn Trương Quý

Cá nhân tôi nghĩ lựa chọn vấn đề trung tâm văn hóa để phổ cập, làm cho tốt đẹp thì văn hóa ở đâu cũng thế, cần phải có sự hòa hợp với môi sinh tự nhiên, đáp ứng nhu cầu của những con người đang sinh hoạt tại đấy. Và điều quan trọng nhất là muốn hướng đến những điều tốt đẹp thì hệ thống quản lý đô thị phải rất tối ưu.

Hà Nội bây giờ đang mang rất nhiều gánh nặng do quá trình đô thị hóa. Sự phát triển không đều giữa các khu vực đô thị mới so với cũ dẫn tới khó mà quy về một mẫu số chung cho cái gọi là “phông văn hóa”. Thủ đô hiện đại thực tế vẫn là một nơi chốn tụ hội nhiều dòng người từ nhiều nơi đổ về, là chỗ buôn bán xô bồ như nhiều thế kỷ trước. Nó vẫn là một thành phố thủ đô của một nước đang phát triển, vì thế phản ánh đủ vẻ của một đất nước như thế, chẳng có gì là đáng ngạc nhiên. 

nha van nguyen truong quy ha noi da xung dang la thu do

Sách lậu “giết chết” nhà văn Việt?

Một cuốn tiểu thuyết viết 3-4 năm trời, đến khi in nhuận bút chỉ vài chục triệu. Có bán chạy nhà xuất bản cũng không dám in nhiều vì sợ sách lậu, lượng phát hành không lớn thì không dám trả cho tác giả nhiều tiền. Thế nên, nói không ngoa là sách lậu “giết chết” nhà văn, một cái chết dần mòn. Thế nhưng, điều đáng buồn là tình trạng này kéo dài đã vài năm nay mà vẫn không có biện pháp khắc phục. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với nhà văn, nhà thơ về câu chuyện buồn này. 

nha van nguyen truong quy ha noi da xung dang la thu do

Nhà văn Ngô Thảo: Danh, lộc không phải là động cơ cầm bút

Thời bao cấp khó khăn vất vả là vậy - nhưng các nhà văn vẫn được ưu đãi như cấp nhà, tăng tiêu chuẩn thuốc lá, nhuận bút sách phải gấp 10, thậm chí 20 lần bây giờ. Thế nhưng, đó chỉ là quá khứ, bởi hiện nay những đãi ngộ dành cho tầng lớp trí thức đặc biệt này không có gì mới. Nhưng điều đáng buồn nhất là danh xưng nhà văn đã không còn giữ được vị trí như nó vốn có. Về vấn đề này, PV Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trò chuyện với nhà văn, nhà lý luận phê bình Ngô Thảo.  

nha van nguyen truong quy ha noi da xung dang la thu do

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: "Người Hà Nội thanh lịch" chỉ còn trong hoài niệm!

Không phải ngẫu nhiên khi đề cập đến những hành vi “phản văn hóa” đã và đang tồn tại trong đời sống thường nhật của người dân Thủ đô, nhiều người phải thốt lên rằng: “Hà Nội thanh lịch không còn”. Điều này chạm đúng vào “nỗi đau” của rất nhiều người vẫn “nặng lòng” với Hà Nội, trong đó có nhà văn Sương Nguyệt Minh. Trao đổi với Năng lượng Mới - PetroTimes, ông nói: "Hà Nội thanh lịch, chỉ còn trong văn chương".

PV: Trước đây, người Hà Nội vẫn được xem như là biểu tượng “thanh lịch”… Anh nhận thấy văn hoá người Hà Nội bây giờ khác xưa ra sao?

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Thực tế, chúng ta nói chuyện đời sống văn hóa thời cha ông ngày xưa thông qua sách vở, phim ảnh để lại, chúng ta không có nhiều tư liệu cho lắm… Và như thế thì mọi thứ đều có độ gián cách.

Nhưng qua những gì chúng ta thấy thì có thể chắc chắn là Hà Nội xưa nhỏ bé. Trong một diện tích hẹp lại có sự ổn định nhất định nào đấy về ngôn ngữ kiến trúc, quy hoạch, các hoạt động sống diễn ra trên một bình diện, giao thông một cốt… không phức tạp như bây giờ.

Mặt khác thời đó xã hội chịu nhiều ảnh hưởng từ Khổng giáo, điều đó cũng tạo cho con người nếp suy nghĩ, hành động khác. Lấy cái lõi là những mô hình gia đình tam đại đồng đường, cuộc sống bị chi phối bởi các mối quan hệ “cương thường”. Ngày nay trong bối cảnh toàn cầu hóa, con người có thể tiếp xúc với nhiều nền văn hoá khác nhau, ngay trong từng gia đình cũng đã có những sự khác biệt. Chính vì thế mà cái quy ước, cái chuẩn chung như trước đây cũng không còn.

Chúng ta nghe rất nhiều lời than vãn “Hà Nội giờ chẳng như ngày xưa” từ những du khách và cả những người dân đang sống tại Thủ đô. Người ta than nhiều quá đến mức tưởng như  Hà Nội như một cái chợ mà sự xô bồ ngự trị ở tất cả mọi nơi. Nhưng kỳ thực, Hà Nội thay đổi bởi cả xã hội, tất cả từ các tỉnh thành đến làng quê đều có sự thay đổi nhất định. Dù sao thì tôi vẫn cho rằng, khả năng bao chứa của Hà Nội làm cho thành phố phát triển và dần gỡ bỏ những định kiến tự thân.

PV: Nhưng rõ ràng, chúng ta không thể phủ nhận Hà Nội bây giờ xô bồ, lộn xộn, lắm người thô lỗ, nói tục, chửi bậy, đến mức quyết định xử phạt đưa ra cũng không có tác dụng?

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Ở đây chúng ta đang nói đến văn hoá ứng xử. Đó là phương thức biểu đạt văn hóa nói chung, tùy định nghĩa hoàn cảnh người ta thấy tốt xấu, hợp lý hay bất hợp lý. Tuy nhiên nói về chuẩn, thì đúng là người Hà Nội đang có nhiều bất cập. Mà nguyên nhân sâu xa là do quản lý đô thị kém, cuộc sống chồng lớp, như một mớ bong bòng…. Đấy là hậu quả của sự phát triển không hài hòa của môi trường sống.

nha van nguyen truong quy ha noi da xung dang la thu do
Cuốn Mỗi góc phố một người đang sống của nhà văn Nguyễn Trương Quý

Ban thấy vì sao các khu đô thị mới lại đang là lựa chọn tấp nập bây giờ không? Vì người ta khao khát không gian tách biệt, rõ ràng. Những khu phố cũ, môi trường sống ngột ngạt, không gian chung bị biến dạng đi thì con người làm sao sống thư thái được. Và khi không thấy thoải mái thì nói tục, chửi bậy là đương nhiên… Chỉ cần trả lại nguyên vẹn không gian sống trước đây đã là một đóng góp tạo nên diện mạo mới cho người Hà Nội rồi.

Còn quyết định xử phạt, tôi nghĩ cái khung đưa ra là ước vọng của nhà lập pháp với ý tốt, dường như một kiểu hương ước. Nhưng đây là quan niệm cũ rồi, thành phố quá rộng lớn để có thể làm điều đó. Câu chuyện ứng xử là tự thân của mỗi người, một thành phố phức hợp như hiện tại là câu chuyện rất khó cho các nhà quản lý. Ví như trước đây có những gia đình kinh tế khá, nhiều người đỗ đạt cao. Họ có nhu cầu chính danh với ý thức “tôi là người tài hoa, là người có của, tôi phải có văn hóa đi kèm”. Cái này quyết định địa vị họ trong xã hội, họ trở thành thước đo, chuẩn mực cho hành vi sống trong cộng đồng. Những ông nghè, cụ cử ngày xưa gây được những “Đông Kinh nghĩa thục” khiến cộng đồng tôn kính là nhờ sự tài hoa hay thái độ tiến bộ chứ không phải lối đạo đức hủ nho hoặc quyền bính trong tay.

Còn chúng ta, việc xây dựng quy chuẩn thể hiện một chiều thôi, chứ thành phố có bao nhiêu người buôn thúng bán bưng, lại không chịu sự chi phối của nền tảng luân lý trong khi nền tảng văn hóa vừa phải. Sự phát triển của xã hội vẫn ở mức thấp, thật khó mà dùng một quy chế hay quyết định mà biến vịt giời thành thiên nga ngay được.

Giờ muốn thay đổi thì trước hết các nhà quản lý làm việc tốt đi, nơi công sở, hành chính hãy làm thật tốt thì áp lực dân sinh giảm đi thì người ta không ức chế, không căng thẳng, không bị stress, cái sự nói tục chửi bậy hẳn sẽ không có cửa để phát ra.

Bạn cứ nhìn lại mà xem, chính thủ đô cũng có quá nhiều những bất cập, ví như các phương án cải tạo HN của các cấp chính quyền từ vụ thay cây, di dân phố cổ, hay đào đường xới vỉa hè… Có thể nói những vụ việc không lớn nhưng rõ ràng các cấp quản lý làm việc quá bất cập, không có sự nghiên cứu thấu đáo, dẫn đến tất cả đều như một cuộc thí nghiệm, loay hoay không hiệu quả… Rõ ràng là họ không có sự thông đạt rõ ràng đến quần chúng, không tính phải có hiệu quả như thế nào. Mà ở trong đô thị thì một quyết sách tạo ra hậu quả lớn hơn rất nhiều so với những vùng khác, ảnh hưởng đến hàng triệu người…

PV: Nhưng dường như người HN cũng đã thay đổi cách thức hưởng thụ văn hóa. Mà thay vào đấy là họ nhậu nhẹt, lê la vỉa hè…?

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Bạn cứ lên phố cổ cuối tuần thấy đông nghịt người nước ngoài ngồi vỉa hè, họ rất thích thú với không gian đấy và họ khác người HN là không xả rác lung tung ra thôi. Không gian sôi nổi, sự bề bộn đấy lại là một HN. Thói quen lê la vỉa hè của người sống ở HN là một kiểu sống không phải người HN phát minh ra.

Tuy nhiên, HN muốn ngăn nắp lại có một bài toán kiểu khác. Thành phố có đa dạng người và rất nhiều người nói là thất nghiệp nhưng xin nói là họ đang lao động thật sự. Rất nhiều người ở phố cổ, họ không có biên chế nhưng họ bán hàng còn thu nhập hơn “người nhà nước”. Một tầng lớp thị dân như thế cũng có văn hóa sống riêng của họ.

Hay nói chính xác hơn, chúng ta cần có cái nhìn thật khách quan với từng vấn đề. Vì thực ra cái hấp dẫn của thủ đô lại xuất phát từ những người “Kẻ Chợ”.

PV: Vậy thì theo anh Hà Nội có nét đẹp gì, cái hay gì so với những phố thị khác?

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Thật khó để so sánh. Nhưng tôi có thể nói HN là một nơi sống động. Khác với các đô thị đã ổn định và an bài với một di sản quá khứ sau lưng, Hà Nội cũng gánh một di sản, nhưng cư dân của nó thường là những người sống có niềm tin là ngày mai sẽ tốt hơn. Nó có những hứa hẹn.

Điều đó lý giải vì sao càng ngày có càng nhiều người chọn Hà Nội làm nơi sinh sống. Rõ ràng, nơi nào có khả năng bao chứa họ, đem lại cho họ cuộc sống tốt hơn thì họ chọn. HN cũng hưởng lợi từ dòng người đổ về, mỗi con người góp phần tạo nên sức sống. Nhiều người cho rằng đây là sự pha tạp, nhưng thực ra, trước đây HN đã vậy. Cuộc sống ở Hà Nội giống như mẹt hàng quà: sôi nổi, dễ tiếp cận, muôn màu muôn vẻ.  

Bất cứ điểm hay gì cũng có điểm dở bên cạnh, tùy theo góc nhìn. Như chúng ta thích ngồi ở vỉa hè ngắm mùa thu lá rụng, rất thư thái, thoải mái trò chuyện, tán gẫu đủ thứ chuyện... nhưng với người quản lý chúng ta lại thành lấn chiếm vỉa hè. Tôi cho rằng các nhà quản lý lâu nay thất bại trong việc nắn chỉnh trật tự chính là vì họ cố gắng nắn chỉnh chứ thay vì có một cái khung nghiêm túc tạo điều kiện cho sự trật tự được diễn ra.

Với tôi, Hà Nội với những con phố nên thơ chuyên chở dòng chảy lịch sử quá khứ  khiến ta cảm thấy có ý nghĩa hơn, không chỉ là một khối hỗn độn bê tông gạch ngói vô hồn. Nó thú vị vì sự phức tạp, và vì chính quá trình chúng ta đi tìm hiểu sự phức tạp ấy.

Thanh Huyền

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.