Tủi phận "ông Đồ" "cắp chữ” chạy công an

11:00 | 24/01/2014

2,004 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Tết Nguyên Đán là “phố ông Đồ” trên vỉa hè quanh Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) lại tấp nập người cho chữ, người đến xin chữ. Tuy nhiên năm nay, “phố ông Đồ” này đã bị xóa sổ.

Năm nay, Sở Văn hóa Hà Nội đã quyết định chuyển “phố ông Đồ” vào khu vực hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Điều này nhằm đảm bảo an ninh trật tự, mỹ quan đô thị, cũng như tránh ảnh hưởng đến cảnh quan khu di tích.

Sở Văn hóa Hà Nội cũng cho biết, khu vực hồ Văn năm nay sẽ có 36 ki-ốt khung sắt, mỗi ki-ốt chỉ có 2 "ông Đồ" cho chữ, giá thuê mỗi ki-ốt này là 5 triệu đồng. Như vậy, các "ông Đồ" năm nay sẽ phải vào ngồi trong ki-ốt và sẽ chỉ có 72 "ông Đồ" được cấp thẻ “hành nghề”. Những ai thiếu thông tin, đến muộn không kịp đăng ký thẻ, hoặc vì không đủ tiền để thuê chỗ, mà vẫn tiếp tục cho chữ trên vỉa hè sẽ bị lực lượng trật tự khu vực thẳng tay… truy quét, cưỡng chế. Tuy nhiên, chỉ “đuổi” được một lúc, các “ông Đồ” lại lễ mễ dọn nghiên bút viết trở lại. 

Hình ảnh "ông Đồ" cho chữ tại vỉa hè Văn Miếu đã thành quá khứ?

Trong tâm thức của nhiều người, hình ảnh những "ông Đồ" bày “mực tàu”, “giấy đỏ” trên phố Văn Miếu mỗi dịp Tết đã trở nên rất thân thuộc. Và cũng như một thói quen, cứ đầu xuân, người Việt lại đi xin chữ lấy may đầu năm.

Việc đi xin chữ ở Văn Miếu không đơn giản chỉ là ở con chữ, mà còn là một nhu cầu "thưởng xuân" trước Tết của nhiều người. Các gia đình thường đưa trẻ nhỏ tới phố, có thời gian hỏi chuyện các "ông Đồ", bàn luận về con chữ để dạy cho các cháu nhiều điều về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, chứ không phải chỉ là để cầu may, cầu tài, cầu lộc. Với một số lượng lớn "ông Đồ" và người yêu thư pháp như mọi năm thì có lẽ, khu vực hồ Văn trong Văn Miếu sẽ không đáp ứng được không gian cho sinh hoạt văn hóa này.

Việc di chuyển "phố ông Đồ" vào hồ Văn sẽ khiến những người ưa thích nét đẹp văn hóa truyền thống này cảm nhận rõ nét một sự nuối tiếc và hụt hẫng. Còn bản thân những “ông Đồ” được di chuyển vào hồ Văn cũng cảm thấy buồn, nhiều "ông Đồ" khác không có trong diện này không biết “đi đâu về đâu”.

Một số "ông Đồ" đành phải ôm những bức thư pháp còn chưa ráo mực chạy. (Ảnh: Nguyễn Hoan)

Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng trong những năm vừa qua, "phố ông Đồ" tự phát tại khu vực Văn Miếu đã gây ra nhiều nhức nhối như tình trạng nhốn nháo, lộn xộn, hét giá, viết sai… Thậm chí một vài “ông Đồ”, “bà Đồ” biến khu vực này thành “chợ chữ”, biến thư pháp thành mặt hàng để mua - bán tầm thường và tự biến bản thân thành các ông đồ… tể "chặt chém", vòi vĩnh người mua chữ. Thế nhưng, không thể phủ nhận "phố ông Đồ" tự phát đã tái hiện lại một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời, làm sống dậy một biểu tượng thẩm mỹ của nền văn hoá dân tộc; và còn là nơi những người yêu thư pháp, đam mê văn chương và yêu văn hóa hội ngộ giao lưu và khoe bút lực sau một năm miệt mài luyện tập. 

Năm nay, Sở Văn hóa Hà Nội đã chấn chỉnh hoạt động xin chữ đầu năm tại Văn Miếu bằng việc “gom” các "ông Đồ" vào khu vực hồ Văn. Chỉ có điều, những ki-ốt được quy hoạch vẫn vắng tanh bởi người dân vẫn thích được "tùy duyên" xin chữ những "ông Đồ" trên vỉa hè quen thuộc. 

Rất ít "ông Đồ" vào đây ngồi, người đến xin chữ cũng hiếm hoi. (Ảnh: Nguyễn Hoan)

Có người từng nói, vỉa hè làm nên ông Đồ và bức tường Văn Miếu giống như một cái nền kiến thức vững chắc phía sau, chứ không bao hàm họ. Việc yêu cầu một nền văn hóa, một bể học luôn luôn đổi mới và hướng tới chân - thiện - mỹ của người dân phải nằm trong một "khung nhôm kính" với mức giá khá cao, có lẽ cần phải xem xét lại.

Thiết nghĩ, thay vì "gom" và "ép" các "ông Đồ" vào hồ Văn xin chữ; các cơ quan chức năng nên hỗ trợ, đặt ra những tiêu chuẩn về chất lượng các gian hàng, mặt chữ; phân chia, giá cả, chọn lọc người tham dự; bố trí phố đi bộ dịp Tết, chỗ giữ xe, phân luồng giao thông phù hợp... Khi ấy, chính các "ông Đồ" sẽ là những người đầu tiên làm đẹp cho gian hàng của họ và các cơ quan quản lý không phải mất chi phí này, mà thay vào đó, tạo nên sự phong phú tự nhiên và gìn giữ nét văn hóa lâu đời của tục cho chữ đầu năm.

Khánh An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc