Từ câu chuyện thần đồng đến "trò nghịch dại" của học sinh...

07:01 | 13/04/2013

1,437 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Lời chia sẻ của một cậu bé 11 tuổi về truyện tranh và hành động xé đề cương Lịch sử của học sinh trường THPT Nguyễn Hiền (TP HCM) diễn ra gần như cùng thời điểm và thu hút được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Tưởng chừng sự việc không có điểm chung, ấy thế nhưng, cách xã hội phản ứng lại hai sự kiện này đã cho thấy nhiều vấn đề của nền giáo dục hiện nay.

>> Học sinh xé đề cương Lịch sử: Lỗi của cả hệ thống giáo dục!

>> Bi kịch 'lịch sử' của ngành giáo dục!

>> Các nhà giáo dục lên tiếng về nỗi đau 'xé đề cương môn Sử'

>> TỪ VIỆC BỎ THI TỐT NGHIỆP THPT MÔN LỊCH SỬ: Nền giáo dục Việt Nam đang sụp đổ?

>> Đừng để tương lai là một 'khẩu đại bác'!

>> TỪ SỰ KIỆN TRƯỜNG THPT NGUYỄN HIỀN: Trăn trở của một thầy hiệu trưởng nhân 'nỗi đau xé đề cương môn Sử'

>> Thôi đừng 'ném đá' một đứa trẻ!

 

Từ “phát ngôn truyện tranh” đến “xé đề cương Lịch sử”

Sau khi đoạn clip phỏng vấn em Đỗ Nhật Nam (11 tuổi) – tác giả cuốn sách “Tớ đã học tiếng Anh như thế nào” được đưa lên, nhân vật chính Đỗ Nhật Nam đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, bênh vực, đồng tình có và chê bai, phản đối cũng không thiếu.

Sau khi clip của Nhật Nam được chia sẻ chóng mặt, một facebooker tên là S.V đã viết một bức thư khá dài gửi đến cậu bé Nhật Nam. Trong bức thư có đoạn: "Một hai năm trước, tôi đã nghe báo chí khen ngợi em về khả năng tiếng Anh của em, về việc mà em đã là dịch giả từ những khi tuổi còn bé, và cả việc em được xuất bản cuốn sách riêng của mình, thứ mà tôi cũng khao khát có. Điều đầu tiên là tôi ngạc nhiên, tới giờ vẫn ngạc nhiên bởi những cách nói chuyện, thái độ của em tự tin đến là lạ. Nhưng em ạ, nó không chững chạc một chút nào.

Vì sao tôi lại nói như vậy, em biết không? Một người bạn của tôi từng nói với tôi một câu như thế này: "To be old and wise, you must be young and stupid". Điều đó có nghĩa là, với một người giỏi như em thì chắc tôi không cần dịch, nhưng tôi vẫn muốn sử dụng cái vốn tiếng Anh hạn hẹp của mình để biến nó ra thành thứ tiếng mẹ đẻ mà tôi vẫn luôn dùng: "Để trưởng thành và khôn ngoan, đầu tiên phải thơ dại và ngốc nghếch".

Chỉ vì "nghe lời mẹ", Đỗ Nhật Nam đã bị dư luận "ném đá".

 

Những người chỉ trích đã quá chăm chăm ý kiến cho rằng Nam khác người, Nam đánh mất tuổi thơ, v.v... Họ quên đi rằng Nam có cái quyền được khác người đó và phát ngôn của cậu bé không xúc phạm trực tiếp đến ai, nên không vi phạm gì về pháp luật. Chính hành vi chỉ trích Nam chỉ bởi cậu khác mọi người mới đáng lên án.

Dư luận đã “ném đá” Nam nhiều đến mức các thầy cô giáo của em đã phải lên tiếng để bảo vệ học trò của mình. Cô Lưu Thị Thu Hường (GVCN của Nam) đã chia sẻ: “Quan trọng hơn hết là em Nam luôn tươi cười, chan hòa với bạn bè và luôn cảm thấy vui, luôn cảm thấy hạnh phúc. Đó là một tuổi thơ không lo âu, không hằn học, em rất hồn nhiên và trong sáng. Chúng ta không thể định nghĩa có tuổi thơ là phải chăn trâu, phải thả diều, phải đọc truyện tranh,...”.

Ngay khi sức nóng của lời phát biểu của cậu bé thần đồng 11 tuổi chưa hạ nhiệt, dư luận lại được dịp “bùng lên” khi clip quay cảnh học sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Hiền xé đề cương môn Lịch sử để “ăn mừng” sau khi Bộ GD-ĐT “loại” môn Lịch sử khỏi danh sách các môn thi tốt nghiệp THPT 2013 được đăng tải.

Ai đã từng là học sinh thì đều biết, việc “ăn mừng” khi không phải kiểm tra thi khó là điều hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, cách thể hiện thái độ vui mừng, "giải thoát" như trong clip thì lại hiếm có và rất đáng báo động.

Báo động không chỉ vì nhiều tờ đề cương trong số đó là của môn Lịch sử và hành động xé giấy bị quy kết là "xé Lịch sử", mà còn bởi hành động này thể hiện sự thiếu tôn trọng của học sinh với kiến thức mình đã học, cho dù là môn gì hay là giấy gì. Một lần nữa, bài học về sự tôn trọng những điều xung quanh mình lại được đặt ra, lần này là với những học sinh lớp 12, đã sang tuổi 18.

Hãy dừng cách giáo dục “nhồi nhét”

Có lẽ hiện tượng giáo dục kiểu “nhồi nhét” không phải là đề tài quá mới mẻ, song lúc nào cũng nóng hổi và dễ tác động đến dư luận. Đã từ lâu, việc học trong bất kỳ cấp học nào đều không mang lại sự vui thích, hào hứng cho học sinh mà chỉ là chuỗi ngày đọc – chép hay nhìn – chép bất tận. Dù cho Bộ GD-ĐT có cố gắng thay đổi, cải cách rất nhiều, nhưng cách dạy, cách học này vẫn ăn sâu trong hệ thống giáo dục của chúng ta.

Sau câu nói “Truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn” của Đỗ Nhật Nam, hàng nghìn người cảm thấy “bị tổn thương”, “bị xúc phạm” và đồng thời cho rằng Nam “không có tuổi thơ”. Ấy thế nhưng có ai chịu nghe kỹ và hiểu kỹ rằng, đó là câu nói của mẹ Nam – một người lớn và có lẽ cũng có tuổi thơ giống bao nhiêu độc giả khác.

Câu nói của mẹ Nam không sai, nếu đặt trong hoàn cảnh cụ thể, bởi truyện tranh xuất bản ở Việt Nam, không phải cuốn nào cũng trong sáng hay bồi dưỡng tâm hồn. Vì thế, việc mẹ Nam – một người mẹ bình thường – cũng cảm thấy lo sợ; và thay vì khuyên con biết chọn lọc thì cô khuyên con không nên đọc. Chúng ta cũng không thể trách vị phụ huynh ấy khi mong muốn điều tốt nhất cho con mình.

Việc "xé đề cương" là một hình thức phản đối cách dạy học hiện nay?!

Tất nhiên, cách dạy con của mẹ Nam cũng rất phiến diện và vô lý, bởi xét cho cùng, truyện tranh chính là một phần của tuổi thơ, giúp trẻ em tiếp cận thế giới và nghệ thuật một cách dễ dàng nhất. Thay vì cấm đoán và đánh đồng tất cả, có lẽ mẹ Nam nên cùng con lựa chọn những bộ truyện tranh phù hợp và có ý nghĩa.

Cũng như vậy, từ câu chuyện học sinh trường THPT Nguyễn Hiền xé đề cương lịch sử, nhiều người cũng đã ầm ào cho rằng đó là hành vi bồng bột của “thứ ba học trò”, thế nhưng thật sự có phải như vậy?

Cả hai sự việc trên có lẽ không liên quan đến nhau, bởi việc xảy ra trong Nam, việc diễn ra ngoài Bắc nhưng lại thể hiện cùng một vấn đề: đó là hậu quả của việc giáo dục nhồi nhét.

Với Đỗ Nhật Nam, câu nói của em khiến hàng trăm người đổ xô vào “ném đá”, bức xúc, thế nhưng cha mẹ em không hề có động thái nào để “giải vây” cho con, thậm chí chính Nam còn phải an ủi cho mẹ em bình tĩnh lại. Là bậc làm cha làm mẹ, thay vì cấm đoán, có lẽ họ nên sát cánh cùng con, học và chơi cùng con, để chúng phát triển toàn diện cả tư duy, nhận thức và cảm nhận thế giới xung quanh.

Không phải cuốn truyện tranh nào cũng xấu và đứa trẻ nào cũng có quyền hưởng thụ văn hóa phẩm đúng với độ tuổi của chúng. Việc của người lớn là lựa chọn và định hướng cho trẻ tiếp nhận những gì trẻ em cần và có ích lợi cho tương lai của chúng. Qua đây, có lẽ các nhà xuất bản, phát hành sách truyện thiếu nhi nên nhìn lại khâu biên tập và kiểm duyệt của mình, để không còn đứa trẻ nào coi truyện tranh là “con sâu đục khoét tâm hồn”.

Với những em học sinh xé đề cương, có lẽ các thầy cô giáo và cả hệ thống giáo dục cần nhìn nhận lại cách dạy và chương trình học của chúng ta hiện nay. Chưa từng có đất nước nào coi Lịch sử là môn học phụ và coi việc học sinh “xé lịch sử” là điều chấp nhận được! Nếu cứ tiếp tục cách dạy nhồi nhét, coi lượng hơn chất và bỏ qua những truyền thống như Bộ GD-ĐT đang làm hiện nay, tương lai của đất nước có lẽ chỉ toàn những con người thiếu văn minh, thiếu lịch sự và coi thường những giá trị xưa cũ.

Nhã Anh