Thực phẩm “3 không”

07:00 | 29/12/2013

1,436 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tương ớt là món gia vị không thể thiếu trong bữa ăn của người Việt, nhất là khi tết đang về. Nói về tác dụng bề mặt của nó không ai có thể phủ nhận, có nó món ăn sẽ ngon hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nói đến “bề chìm” của tương ớt cũng đủ khiến cho người ta cảm thấy rùng mình, đặc biệt là tương ớt “3 không” - không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng - hiện được bán tràn lan tại Hà Nội.

Năng lượng Mới số 286

Chỉ cần cay, không sợ ung thư

Tương ớt “3 không” được bày bán công khai tại các chợ từ đầu mối đến chợ lẻ, sử dụng vô tư tại các quán ăn từ sang trọng đến bình dân đặc biệt là các quán bún, phở, hàng nem chua, xúc xích rán… Vẫn biết, nguy cơ “dính” chất Rhodamine B (chất nhuộm quần áo) trong tương ớt “3 không” là rất cao nhưng thực khách vẫn “không cần biết”.

Gần đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện ra nhiều loại tương ớt có chứa chất Rhodamine B có thể gây ung thư cho con người.

Giải thích rõ hơn về chất này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa) cho biết: Rhodamine B là một chất màu đỏ tươi, hình thức rất hấp dẫn. Chất này sản xuất ra không phải dùng cho thực phẩm mà nó là chất hóa học, dùng cho công nghiệp trang trí, in trên tranh vẽ, trên bảng quảng cáo, pha vào sơn nước để lên màu đẹp. Chất Rhodamine B cũng có khả năng phát huỳnh quang nếu chiếu dưới ánh nắng mặt trời hoặc tia tử ngoại. Tính chất phát quang của Rhodamine B và có màu đỏ đặc trưng nên trong ngành khí tượng thủy văn, các nhà khoa học pha vào nước để theo dõi, phát hiện sự di chuyển, vận động của dòng nước.

Tương ớt "bẩn" có thể gây bệnh ung thư tràn lan tại Hà Nội

Các cơ sở cho Rhodamine B vào các sản phẩm trong đó có ớt bột, tương ớt vì khi sơ chế, ớt bị biến đổi màu sắc, không còn đỏ tươi. Bởi vậy, để tạo màu tươi, đỏ cho tương ớt, các nhà sản xuất sẽ dùng Rhodamine B.

Tại các quán ăn, từ sang trọng đến vỉa hè của Hà Nội không khó để nhìn thấy những hũ tương ớt “sạch tinh” nhãn mác. Chị Mai, chủ hàng phở gia truyền trên phố Doãn Kế Thiện (quận Cầu Giấy) cho biết, cứ 10 ngày lại lên chợ Đồng Xuân lấy tương ớt 1 lần, mỗi lần 5 lít. “Khách đến ăn, bàn nào thiếu tương ớt là họ gọi ngay không cần quan tâm mình đưa tương ớt loại nào, miễn là cay và có màu đỏ”. Chị Mai cho biết thêm, mặc dù Công ty nước mắm Long Hải trên đường Hồ Tùng Mậu có bán tương ớt nhưng do giá thành quá cao nên chị không muốn lấy.

Cứ vào cuối giờ chiều, trên dọc tuyến đường Láng nhan nhản những hàng ăn di động bày bán la liệt từ bánh khoai, xúc xích đến nem chua rán…toàn những đồ ăn cần có tương ớt đưa đẩy. Tương ớt ở đây được đựng trong những chiếc bát nhựa nhỏ cáu bẩn, lem nhem nhưng chủ hàng bánh khoai tên Hằng cho biết chưa khi nào thấy có khách phàn nàn vì điều đó. “Với 5.000 đồng/chiếc bánh khoai, nếu khách nào ăn cay, muốn có nhiều tương ớt thì một chai tương ớt có thương hiệu chỉ 3 người ăn là hết nên tốt nhất là dùng tương ớt can, vừa rẻ, vừa dôi mà vẫn đáp ứng tiêu chí cay xè”, chị Hằng vô tư.

Theo chủ các quán ăn, họ thường mua tương ớt theo can 5 lít. Mỗi lần sử dụng, tương ớt được đổ ra chia nhỏ vào từng chai, hũ nhỏ cho dễ sử dụng.

Nói đến chất Rhodamine B có thể có trong những chai tương ớt “3 không” của quán phở bò gia truyền trên phố Hàng Gà (quận Hoàn Kiếm), thực khách tên Dũng nói: “Biết là tương ớt này có thể không tốt cho sức khỏe nhưng hàng phở nào cũng dùng tương này, mà phở phải có tương ớt, kén chọn không ăn thì chỉ có nhịn thôi”, anh Dũng không ngần ngại chia sẻ.

Chủ yếu là tương ớt “bẩn”

Dạo quanh các chợ lớn trên địa bàn Hà Nội, tương ớt “3 không” đựng trong các can dầu ăn 5 lít được bày bán công khai cùng các loại tương ớt có thương hiệu khác. Tuy nhiên, so với tương ớt có thương hiệu thì tương ớt “3 không” có lợi thế là vừa nhiều, vừa rẻ lại đa dạng màu sắc, từ nhợt nhợt màu gạch non, đỏ tươi màu cờ và đỏ quạch màu sơn. Thêm vào đó là có loại tương mịn và tương hạt nhìn rất “thật”. Theo lời một chủ quầy hàng khô sau chợ Đồng Xuân, trước kia tương ớt chỉ có loại mịn nhưng bây giờ, thể theo niềm tin của thực khách về loại tương ớt “thật” nên họ buộc phải yêu cầu chủ sản xuất phải làm sao cho có hạt “giống ớt” để khách hàng yên tâm nhưng trên thực tế, khi cắn nhỏ hạt “giống ớt” trong can tương, đều không có vị cay và hăng như hạt ớt thường thấy.

Với mỗi can 5 lít, tùy loại được bán với giá 50-65.000 đồng/can, cũng có loại chỉ có 30.000 đồng/can (5 lít), tuy nhiên theo quan sát của phóng viên, loại tương ớt siêu rẻ (30.000 đồng/can), các cửa hàng không bày ra ngoài mà chỉ đưa ra cho khách khi có yêu cầu và thực sự tin tưởng.

Một chủ quầy hàng khô tại chợ Cầu Diễn cho biết, tương ớt bà bán đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nhưng không muốn cho chúng tôi biết vì sợ “mất mối” nên chỉ có thể cung cấp địa chỉ “Đan Phượng” cho chúng tôi. Đem thắc mắc, tại sao có thương hiệu mà không dám để nhãn mác bên ngoài can dầu ăn, chúng tôi bắt gặp ánh mắt nghi hoặc của bà chủ quầy hàng khô.

Rhodamine B là một loại phẩm màu công nghiệp phát quang dùng trong y học để chẩn đoán virus, vi khuẩn và một số xét nghiệm sinh hóa. Ngoài ra, hóa chất này còn được dùng để nhuộm quần áo, không thuộc danh mục cho phép được sử dụng trong thực phẩm của Bộ Y tế, vì có thể gây ngộ độc hoặc ung thư nếu sử dụng thời gian dài. Chính vì thế, khi lựa chọn thực phẩm, người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác rõ ràng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Hoặc, để phát hiện Rhodamine B trong sản phẩm, chỉ cần nhìn vào màu sắc đã phát hiện ra những dấu hiệu bất thường. Người tiêu dùng có thể đưa sản phẩm ra ánh nắng mặt trời để biết được hiện tượng phát huỳnh quang nếu sản phẩm có Rhodamine B. Hoặc có thể dùng đèn soi tiền, có tia tử ngoại, nhất là ban đêm để phát hiện rõ hơn về chất Rhodamine B.


Phương Vũ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc