Thứ trưởng Bộ Y tế: Dịch sởi không quá căng thẳng...

19:00 | 19/04/2014

801 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường nhìn nhận: “Dịch sởi không quá căng thẳng nhưng do người dân dồn vào các bệnh viện trọng điểm làm “nóng” tình hình”.

Ngày 19/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường dẫn đầu đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch sởi trên địa bàn TP HCM. Đoàn công tác đã trực tiếp đến kiểm tra tại các bệnh viện: Bệnh Nhiệt đới, Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2.

Tại các bệnh viện trên, số bệnh nhân đến khám và điều trị sởi không những không giảm mà đang có dấu hiệu gia tăng.

Bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: Dịch sởi vẫn đang tăng cao, tháng trước tăng gấp đôi tháng sau.

Cụ thể: tháng 1 bệnh viện tiếp nhận 141 ca, tháng 2 có 427 ca, tháng 3 có 605 ca. Riêng từ đầu tháng 4 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị 487 ca.

Trong đó, số bệnh nhi ở TP HCM chiếm tỷ lệ 70%, còn lại chủ yếu từ các tỉnh: Long An, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Bình Dương… đổ về.

Bệnh nhi mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1

Còn tại bệnh viện Nhi đồng 2, hiện nay trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 40 ca nhiễm sởi. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận 733 trường hợp mắc sởi, trong đó chỉ 40% là bệnh nhi ở TP HCM, còn lại là ở các tỉnh lân cận.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM từ đầu năm đến nay cũng đã tiếp nhận khám và điều trị cho 983 trường hợp mắc sởi, bao gồm cả người lớn và trẻ em, trong đó người lớn là 260 ca (chiếm 31%).

Các bác sĩ cho biết, chủ yếu những bệnh nhi mắc sởi là chưa được tiêm ngừa. Tuy nhiên, do hiệu quả tiêm ngừa chỉ đạt từ 90 – 95% nên bệnh nhi đã tiêm ngừa nhưng vẫn bị mắc sởi là chuyện bình thường.

Vấn đề đáng lo ngại hiện nay là đa số các bệnh nhi chỉ mắc sởi nhẹ nhưng vẫn đến các bệnh viện tuyến trên điều trị gây ra tình trạng quá tải, đồng thời dễ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo với các bệnh nhi mắc các bệnh khác, rất nguy hiểm. Mặc dù, các bác sĩ đã giải thích nhưng phụ huynh vẫn nhất định không đưa con về tuyến dưới để điều trị.

Chị Nguyễn Ngọc Tâm, quê Tiền Giang nói: “Thấy cháu có dấu hiệu của sởi, tôi liền đưa lên bệnh viện Nhi Đồng 1 để điều trị. Các bác sĩ ở đây giỏi, điều trị ở đây tôi mới an tâm được”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết: “Bệnh nhân ở tỉnh nặng không nhiều nhưng bệnh viện vẫn phải tiếp nhận điều trị để thân nhân bệnh nhân được yên tâm”.

Qua kiểm tra thực tế tại các bệnh viện về công tác khám và điều trị bệnh sởi, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường nhìn nhận: “Dịch sởi không quá căng thẳng nhưng do người dân dồn vào các bệnh viện trọng điểm làm “nóng” tình hình. Bệnh viện nên tuyên truyền để “giải phóng” bệnh nhân nhẹ về điều trị ở tuyến dưới. Như vậy mới giúp cho công tác điều trị, ngăn chặn dịch sởi được hiệu quả”.

Thứ trưởng Lê Quang Cường chỉ đạo, trong thời gian tới các bệnh viện cần tăng cường khâu phân luồng và sàng lọc bệnh nhân để tránh lây nhiễm chéo. Đặc biệt, sớm triển khai phác đồ điều trị sởi mới đã được Bộ Y tế ban hành.

Mai Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc