Sự giản dị và dễ gần của một vĩ nhân

10:41 | 28/10/2013

678 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc sống ngẫu nhiên đem tới cho tôi bốn lần được chào hỏi, bắt tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Lần đầu tiên, đó là vào năm 1992, khi bộ phim Điện Biên Phủ của đạo diễn Pháp Schoenderffer vừa hoàn thành, Hãng dịch vụ làm phim SECOFILM tổ chức chiếu mời Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem. Phim được chiếu tại phòng chiếu phim sơ sài của Hãng phim Thời sự - Tài liệu Trung ương. Giám đốc SECOFILM Lưu Xuân Thơ nhờ tôi tới đọc phụ đề tiếng Việt của phim để mọi người theo dõi.

Trong lúc phim được quay ở miền Bắc, tôi dành thời gian theo dõi, đưa tin và thực hiện các bài phỏng vấn đạo diễn, diễn viên, chỉ huy lính dù… của bộ phim. Vì thế, sau khi chiếu xong được Đại tướng bắt tay cảm ơn, tôi tranh thủ xin ý kiến của Người về bộ phim. Đại tướng trả lời:

- Họ làm về họ thế là được. Chỉ có vài điểm không chính xác như ngày tấn công đồi C1 và số tân binh của ta không nhiều đến như thế.

Tất nhiên là tôi mừng lắm, vì biết rằng mình là nhà báo đầu tiên được biết ý kiến của Đại tướng về bộ phim và điều đó sẽ làm tăng sức nặng bài viết của tôi.

Lần thứ hai và lần thứ ba là vào mùa hè năm 1994. Đầu tháng 8 năm đó, tôi đang nghỉ mát tại Bãi Cháy, Khu nhà nghỉ Đoàn 22 Hạ Long của quân đội. Dịp này tôi được biết Đại tướng cùng gia đình cũng đang nghỉ tại Khu B của Đoàn 22, trong ngôi nhà nhỏ trên một ngọn đồi mà dân chúng Hạ Long thường gọi là “Đồi ông Giáp”. Một hôm, tôi đang nghịch nước ở một vũng nhỏ trên đảo Tuần Châu thì Đại tướng và những người trong gia đình đi qua. Chúng tôi mừng rỡ kính chào Đại tướng. Đại tướng hỏi:

- Cháu bơi giỏi không?

- Cháu không biết bơi ạ!

- Phải tập bơi đi - Đại tướng nói.

Tôi vẫn nhớ lời dặn, nhưng mãi gần hai chục năm sau tôi mới tập bơi. Tự nhủ: “Muộn còn hơn không bao giờ”.

Hôm đó, khi về nhà nghỉ, tôi kể chuyện gặp Đại tướng ở Tuần Châu cho một sĩ quan chỉ huy của Đoàn 22 nghe. Anh này có lẽ vì tác động bởi tình cảm của tôi với Đại tướng, bảo tôi:

- Chiều mai có tàu chở gia đình Đại tướng thăm Vịnh Ba trái đào. Muốn đi thì đến tàu sớm một chút.

Tôi và cô bạn gái mừng quá. Một là được theo Đại tướng thăm Vịnh, hai là Vịnh Ba trái đào nổi tiếng sạch và đẹp ở Hạ Long, với ba quả núi châu vào nhau, nước trong xanh, chân mỗi quả núi có một bãi tắm cát trắng phau (tôi gọi đó là “bãi trinh nữ” vì rất ít khi có người tới tắm).

Chúng tôi xuống tàu sớm một tiếng, ngồi ở phía lái. Hôm đó cùng đi với gia đình Đại tướng còn có vợ chồng nhà văn Hữu Mai. Khi Đại tướng đi thăm tàu, gặp chúng tôi ngồi ở phía đuôi tàu. Người tươi cười bắt tay chúng tôi và bảo lên phía mũi ngồi với gia đình cho vui. Chúng tôi cảm ơn và xin được ngồi phía sau. Nhưng cuối chuyến đi, tôi cũng lên xin phép Đại tướng cho chúng tôi được chụp ảnh chung với Người. Người vui vẻ đứng dàn hàng chụp với ba chúng tôi: Chị Thu, vợ ông Hữu Mai, tôi và bạn tôi. Chúng tôi có bức ảnh kỷ niệm đẹp, trong ảnh Đại tướng trẻ trung, cười rất tươi, rất bình dị.

Tác giả (ngoài cùng bên trái) được vinh dự chụp ảnh cùng Đại tướng.

Lần cuối cùng tình cờ được gặp Đại tướng là vào mùa đông năm 1994. Hôm ấy, tôi đi nghe hòa nhạc cổ điển ở Nhà hát thành phố. Giờ giải lao, tôi đang đi vơ vẩn ở tầng hai thì cảm thấy phía bên trái như có ai đang nhìn mình. Tôi ngoảnh sang, thấy một người mặc bộ ba-đờ-xuy nhà binh, đầu đội mũ biên phòng mùa đông, tôi nhận ra cặp mắt rất sáng và nụ cười rất tươi của Đại tướng. Tôi bước lại cúi chào. Người đưa tay ra cho tôi bắt. Tôi hỏi thăm:

- Bác khỏe chứ ạ?... Cô Hà không đi ạ?

Chúng tôi quen gọi phu nhân Đại tướng là cô, như một cô giáo của mình. Đại tướng đáp:

- Có

Tôi nhìn theo ánh mắt của Đại tướng, thấy cô Hà đang trò chuyện với bạn. Cùng lúc ấy, tôi trông thấy chị bạn người Pháp, tôi gọi:

- Louise, lại đây…!

Tôi hướng vào phía Đại tướng nói với Louise:

- Tôi hân hạnh giới thiệu với bạn, đây là Ngài Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Louise cảm động quá, bước hụt, miệng nói:

- Chào Ngài. Tất cả mọi người Pháp đều nhận ra Ngài. Tất cả mọi người Pháp chúng tôi đều yêu quý Ngài.

Một cách bản năng, tôi dịch lời của Louise ra tiếng Việt, về sau tôi cứ cười mình mãi về việc này.

- Chị làm việc ở sứ quán à? - Đại tướng hỏi Louise.

- Không ạ, chồng tôi làm việc ở EU, tôi đi theo chồng. Xin cảm ơn Ngài…

Câu chuyện của chúng tôi với Đại tướng dừng ở đây vì chuông báo hết giờ giải lao.

Hai tuần sau, Louise gọi điện đến nhà tôi:

- Cảm ơn bạn đã giới thiệu tôi với Đại tướng. Tôi sẽ không bao giờ quên cuộc gặp gỡ này. Cảm ơn nhiều.

Tôi cũng không bao giờ quên những lần gặp Đại tướng. Tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại cho tôi niềm vui lâu dài, nhất là ấn tượng về sự giản dị, dễ gần của một vĩ nhân mà tôi rất ngưỡng mộ.

Tôi tự thấy mình thật may mắn.

Nguyễn Thị Nam (Hà Nội)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc