WHO kêu gọi 34 tỷ USD chống 17 căn bệnh nhiệt đới "đang bị lãng quên"

09:57 | 21/02/2015

1,249 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa kêu gọi các nước đầu tư khoảng 34 tỷ USD để chống lại 17 căn bệnh nhiệt đới "đang bị lãng quên", trong đó có bệnh sốt xuất huyết, bệnh phong và bệnh ngủ châu Phi…

Theo WHO, đây là những căn bệnh tưởng chừng không nan y nhưng mỗi năm lại làm tử vong 500.000 người trong số 1,5 tỷ người mắc ở 149 quốc gia. Trong đó tập trung nhiều ở các nước Mỹ Latinh, Châu Phi, Trung Đông và Châu Á… Như ở châu Phi, ở khu vực  cận sa mạc Sahara, có khoảng 450 triệu người nguy cơ mắc các bệnh này cao.

Do đó, để có thể giảm tối đa con số này cũng như phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ tàn tật và cải thiện đáng kể sức khỏe của người bệnh, WHO cho rằng cần phải có thêm kinh phí đầu tư.

Bệnh nhi bị sốt xuất huyết

Ông Dirk Engels, trưởng bộ phận kiểm soát các bệnh nhiệt đới bị lãng quên của WHO cho biết: “Từ nay đến năm 2020, WHO kêu gọi các nước đầu tư 2,9 tỷ USD mỗi năm để điều trị các bệnh nhiệt đới, tiêu diệt côn trùng hay các sinh vật tác nhân gây bệnh khác. Tuy nhiên, thời gian đầu sẽ là đầu tư như vậy nhưng thập kỷ tiếp theo sẽ giảm xuống còn 1,6 tỷ USD/năm. Vì khi đó, các bệnh này được thanh toán hoặc giảm bớt”.

Như vậy, theo WHO tính toán số tiền cần đầu tư tổng cộng khoảng 34 tỷ USD trong 16 năm để chống các bệnh nhiệt đới bị lãng quên. 

Được biết, trong danh sách các bệnh nhiệt đới bị lãng quên còn có các bệnh dại, chân voi, mắt hột, lở loét, ghẻ cóc, các bệnh giun sán... Đây là những bệnh chủ yếu xảy ra ở những vùng nông thôn hẻo lánh, các khu nhà ổ chuột và các khu vực xảy ra xung đột. Nhiều bệnh tưởng rằng có thể phòng ngừa hoặc chữa trị được nhưng thực tế vẫn hủy hoại sức khỏe hoặc giết chết hàng triệu người mỗi năm.

Ở Việt Nam, thời gian vừa qua một số bệnh nhiệt đới có nhiều diễn biến phức tạp như sốt xuất huyết, virus gây bệnh biến đổi rất khó điều trị. Hay bệnh sốt rét cũng vậy. Trước thực tế trên, Việt Nam cũng nỗ lực triển khai các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai thảm họa, cải thiện môi trường, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sức khỏe cộng đồng…

Xuân Bách (Tổng hợp)