Sởi - "thảm họa" đang quay trở lại

17:45 | 27/04/2014

1,619 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà sởi đang có nguy cơ bùng phát tại Mỹ và một số quốc gia khác, những nơi được cho là đã dập tắt căn bệnh này từ năm 2000. Người ta đang lo ngại sởi có khả năng trở lại hoành hành, thậm chí thành đại dịch nếu như một trong những nguyên nhân chính là tiêm phòng cho trẻ không được giải quyết triệt để.

Hoành hành khắp nơi

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 129 ca nhiễm sởi ở 13 bang của đất nước cờ hoa. Tính từ năm 1996, thì đây là số ca mắc sởi cao nhất trong khi trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 9 bệnh nhân.

Tiến sĩ Anne Schutchat, giám đốc Trung tâm Quốc gia về Chủng ngừa và các bệnh hô hấp phân loại, trong số 129 ca mắc sởi ở Mỹ, có 34 trường hợp là do đi du lịch nước ngoài, lại chủ yếu là Philippines, nơi đang có dịch sởi bùng phát mạnh mẽ với 2000 ca bệnh và có 69 trường hợp tử vong, sau đó trở về khi đã mắc bệnh rồi lây nhiễm cho những người xung quanh. Đặc biệt những người bị lây bệnh này đều là những người chưa tiêm chủng sởi.

Một bệnh nhân mắc sởi ở Mỹ.

 

Hiện nay, số bệnh nhân sởi tập trung nhiều nhất ở bang California với 58 trường hợp, tính đến giữa tháng 4. Trong đó có 13 ca mắc sởi nặng. Tiếp đến là New York có 24 ca, Washington: 13 ca. Còn lại là các bệnh nhân rải rác khắp nơi.

Tuy nhiên, trong số những ca mắc sởi ấy ở Mỹ rất may chưa có bệnh nhân nào tử vong. Lần cuối cùng, Mỹ có bệnh nhân tử vong vì sởi là vào năm 2005.

Bà Schutchat đã đánh giá rất cao hiệu quả của chương trình tiêm chủng sởi cho trẻ em bởi đã giúp giảm đáng kể nếu như không muốn nói là “xóa sổ” căn bệnh sởi ở nước Mỹ. Nhưng cũng chính vì hiệu quả này mà dẫn đến số bệnh nhân sởi tăng lên nhanh chóng như  ở Mỹ hiện tại. Do quan niệm của một số bác sĩ rằng bệnh sởi đã được giải quyết triệt để nên họ chủ quan và không còn nhận ra những triệu chứng của căn bệnh này, làm cho chẩn đoán, điều trị không chính xác dẫn đến số bệnh nhân tăng nhanh.

Bác sĩ Julia Sammons nói: “Do sự thành công của việc tiêm phòng vaccine sởi nên nhiều bác sĩ chưa bao giờ gặp bệnh nhân mắc sởi và không nhận ra những triệu chứng của bệnh khi khám cho bệnh nhân. Do đó, không có sự cách ly nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh”.

Tại Philippines thời điểm hiện tại, sởi cũng đã được Bộ Y tế nước này công bố thành dịch trên toàn quốc.

“Ổ” dịch được coi là ở Manila với hàng nghìn bệnh nhân, trong đó đã có 23 người tử vong. Còn tính trên toàn quốc thì như đã nói trên Philippines có 2000 ca bệnh và 69 trường hợp đã tử vong.

Như một số nước trong khu vực, Singapore cũng vừa thông báo có 72 ca mắc sởi. Mà nguyên nhân chính là sự lây nhiễm từ 23 người đi du lịch từ Philippines trở về hồi đầu năm.

Đài Loan, Anh và Canada cũng đã công bố có bệnh nhân mắc sởi. Điều đáng nói là những bệnh nhân đầu tiên mang căn bệnh này về chính là những người trở về từ một số nước Đông Nam Á.

Bệnh nhi mắc sởi ở Bệnh viện Nhi Trung ương.

 

Để đối phó với dịch sởi đang hoành hành ở một số nước châu Á, đặc biệt là những nước có nguy cơ là “ổ” dịch, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng Bộ Y tế của các nước bên cạnh thực hiện các biện pháp khống chế dịch thì một trong những giải pháp được chú trọng chính là chiến dịch tiêm vaccine sởi. Bởi hiệu quả từ công tác phòng chống này thể hiện rất rõ qua bao thập kỷ nay, nhất là ở những quốc gia phát triển.

Hơn nữa, từ nguy cơ dịch sởi hiện nay ở các nước cho thấy hầu hết bệnh nhân bị sởi đều là những đối tượng chưa tiêm phòng. Do đó, đây sẽ là giải pháp quan trọng để loại bỏ dịch sởi.

Bài toán tiêm chủng

Tại Việt Nam, dịch sởi cũng bắt đầu hình thành từ cuối năm ngoái khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở Yên Bái vào tháng 10. Nguyên nhân gây nên dịch ở đây được WHO nhận định là do lây nhiễm từ những ca bệnh ở Trung Quốc. Vì người dân giáp đường biên của cả hai nước thường giao thương ở khu vực này dẫn đến “truyền virus” cho nhau có thể qua giao tiếp. Và tính từ đầu năm đến nay, số ca sởi trên toàn quốc đã lên đến hơn 3600 ca, trong đó có 127 ca tử vong.

Cũng cùng nhận định và chung giải pháp như WHO đã đề ra, Bộ Y tế đã xác định tiêm phòng sẽ là một trong giải pháp chính để ngăn ngừa dịch (đối với những đối tượng chưa tiêm phòng) và phân tuyến điều trị (đối với những trường hợp đã mắc bệnh) nhằm tránh lây chéo cũng như giúp công tác điều trị hữu hiệu hơn.

Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhân sởi ở Bệnh viện Nhi Trung ương.

 

Để thực hiện biện pháp này, suốt thời gian qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Y tế Dự phòng tổ chức những đợt tiêm vét vaccine phòng sởi cho những trường hợp chưa tiêm hoặc không xác định được tình trạng tiêm chủng đồng thời mở rộng đối tượng được tiêm chủng. Và kết quả cũng đã thể hiện được ít nhiều.

Để tăng hiệu quả đó hơn nữa, mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đã đồng ý với đề xuất của Sở Y tế Hà Nội về việc mở rộng độ tuổi tiêm phòng sởi cho trẻ từ 10 tuổi trở xuống. Và tính đến ngày 24-4, tỷ lệ tiêm chủng của Hà Nội đã đạt 97%. Bộ trưởng Bộ Y tế dự báo: “Nếu làm công tác tiêm phòng tốt như vậy thì khoảng 2 tuần hoặc 10 ngày nữa trên địa bàn thành phố sẽ không còn ca bệnh  mới nào. Vì số trẻ được tiêm trong thời gian qua chỉ sau tiêm 10-14 ngày là có miễn dịch với virus sởi”.

Cùng với Hà Nội, Bộ Y tế sẽ triển khai kế hoạch tiêm bổ sung vaccine sởi miễn phí cho trẻ từ 2-10 tuổi ở các tỉnh, thành phố có nguy cao như TP Hồ Chí  Minh, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Dương… Thời gian dự tính từ tháng 5-7/2014.

Bên cạnh đó, cũng có kế hoạch tiêm phòng vaccine sởi-rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi trên phạm vi toàn quốc. Nhưng đây sẽ là một kế hoạch được phê duyệt riêng.

Sởi là một căn bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm nếu như nó biến chứng vào phổi hoặc não. Bởi vậy, cách phòng ngừa tốt nhất như WHO và các chuyên gia y tế trong nước khẳng định chỉ có thể là tiêm phòng vaccine sởi do 90% là ngăn ngừa được bệnh.

 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Nguyên nhân tổng quát nhất của dịch sởi lần này là yếu kém trong công tác tiêm chủng.

Có tới 86,4% các ca mắc sởi chưa hề được tiêm chủng hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng. Chỉ có 9,9% là đã tiêm chủng được 1 mũi trong khi yêu cầu phải là 2 lần. Nhận định này càng được củng cố qua kết quản hạn chế của đợt tiêm vét bệnh sởi tháng 3-4. Tỷ lệ tiêm chủng cả nước chỉ đạt 65,3%. Kết quả này rất thấp so với mục tiêu 95%”.

 

T.Anh

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.