Người Việt vẫn nhỏ con

10:00 | 20/11/2014

798 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi chiều cao của người Việt hiện nay, đặc biệt là giới trẻ được công bố vẫn thấp hơn so với chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ 10-13cm thì các nhà dinh dưỡng, y tế… trên cơ sở chuyên môn, nghiên cứu của mình liên tục trong thời gian gần đây đã đưa ra những nhận định để lý giải cho tình trạng người Việt vẫn… lùn này. Trong đó, nguyên nhân được nhấn mạnh đặc biệt là dinh dưỡng do chiếm tới 32% sự quyết định phát triển chiều cao, hơn cả yếu tố di truyền và môi trường, vận động…

Năng lượng Mới số 375

“Nấm lùn”

Mặc dù đang học lớp 6 tại Trường THCS Chu Văn An, quận Ba Đình, Hà Nội nhưng cháu Nguyễn Anh Tuấn, con chị Trần Phương Anh chỉ cao 1,2m và được coi là “mi nhon” nhất lớp. Từ khi sinh ra, theo chị Phương Anh, cháu Tuấn Anh chỉ cao thêm 80cm vì lúc sinh ra cháu nặng 3kg và dài 45cm. Trong khi bố cháu hiện cao 1,7m. Còn chị Phương Anh cao 1,58m. Như vậy có thể nói coi cháu Tuấn Anh thuộc diện “thấp bé nhẹ cân”.

Chị Phương Anh chia sẻ, thấp bé như vậy nhưng Tuấn Anh lại không chỉ là “thầy cơm” mà còn nhiều thứ khác đặc biệt như thịt. Mỗi bữa cháu có thể ăn đến 2-2,5 lạng thịt lợn hoặc một miếng bít tết 3-4 lạng. Ngoài ra không kể đến bát mì tôm cháu thường ăn mỗi khi đêm khuya. Nói chung cháu rất “chí thú” với… ăn. “Thế nhưng không hiểu sao cháu vẫn lùn, không cao được như các bạn ở lớp?”, chị Phương Anh thắc mắc.

Cũng như chị Phương Anh, chị Nguyễn Thu Huyền ở Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng không lấy làm “tự hào” về chiều cao… khiêm tốn của cô con gái đang học lớp 10. Đáng lẽ ra ở tuổi này, như nhiều bạn gái cùng lớp khác, con gái chị phải “chân dài đến nách” hoặc ít ra cũng không phải “nấm lùn” như mọi người thường nói vui về những người thấp. Thế mà con gái chị nếu chẳng may có lẫn vào đám học sinh lớp 7, 8 thì cũng chẳng ai nhận ra sự “vượt trội” của một học sinh lớp lớn.

Thậm chí đi với nhiều học sinh THCS khác, con chị Huyền còn bị “kẹp nách”. Nếu như sự thấp bé của con gái chị giống anh hoặc chị thì chị Huyền chẳng có gì phải phiền lòng, đằng này bố của con gái chị thì bị ví như “cái sào”, còn chị thì được mọi người gọi vui “Quý bà chân dài”, vậy mà con gái chị lại có chiều cao… chới với. Chị bảo: “Ăn có ít đâu, có khi còn nhiều hơn cả bố mẹ, thịt gà rán “chơi” (ăn) cả đĩa, khoai tây chiên thì bao nhiêu cũng ít… thế mà chẳng hiểu ăn vào đi đâu hết, làm con bé chẳng lớn gì cả, cứ “giẫm chân tại chỗ” mãi. Bạn nó còn đặt biệt hiệu “chân ngắn” cho nó thế mới chán chứ!”.

Chỉ vì không được bú mẹ?

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, sở dĩ người Việt đến bây giờ vẫn chưa thể sánh vai mới chỉ với các nước châu Á chứ chưa kể châu Âu về chiều cao là do chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp, mặc dù khẩu phần ăn cũng như năng lượng trong mỗi bữa đã được cải thiện đáng kể so với 15 năm trước đây. Trong chế độ dinh dưỡng lại chia thành 3 nguyên nhân nhỏ ấy là thời kỳ mang thai, thời kỳ bú mẹ và thời kỳ phát triển của trẻ. Trong đó, thời kỳ mang thai, do người mẹ không được chăm sóc tốt dẫn đến bệnh tật để rồi thai nhi bị suy dinh dưỡng hoặc giảm hấp thụ dinh dưỡng.

Đến thời kỳ cho con bú thì vì thiếu hiểu biết, nhiều cha mẹ không cho con bú sữa mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu nên thiếu canxi, hệ tiêu hóa không tốt. Cuối cùng là thời kỳ phát triển, từ chế độ dinh dưỡng thiếu hụt nhiều chất quan trọng như protein, vitamin, khoáng chất cùng với việc không tiếp cận được hệ thống y tế, nguồn nước sạch và hệ thống vệ sinh tốt, nhất là ở các vùng quê nghèo đã dẫn đến chiều cao của trẻ đã không phát triển được tối đa.

Theo khảo sát của các chuyên gia dinh dưỡng trên cơ sở các nguyên nhân này thì chỉ 62% trẻ được bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh; 20% được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; 22% trẻ được bú mẹ đến 24 tháng tuổi. Đây là tỷ lệ chưa cao về trẻ được bú mẹ tuyệt đối. Trong khi đó, việc ăn dặm của trẻ lại diễn ra quá sớm hoặc không đúng cách, thức ăn lại thiếu đa dạng nên trẻ thiếu canxi trầm trọng làm hạn chế không chỉ chiều cao mà cả hệ thần kinh, hệ miễn dịch, những cơ quan, hoạt động có vai trò quyết định co giãn của cơ bắp… Chưa kể đến trẻ còn quấy khóc về đêm, chậm mọc răng, còi xương, thở nhanh, tím tái, co cứng toàn thân… vì thiếu canxi… Nguyên nhân thứ ba mà các chuyên gia khảo sát là ở một số vùng nghèo, trẻ không đủ thực phẩm để ăn đã gây ra tình trạng thiếu hụt protein, vitamin, khoáng chất…

Tình trạng này đã khiến trẻ em có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn gây bệnh, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ cơ xương khớp, cũng có nghĩa là ảnh hưởng đến sự lớn lên của trẻ về thể chất. PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhận định: “Mặc dù được “nhồi nhét” ăn rất nhiều nhưng khẩu phần ăn của trẻ em Việt Nam hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu về năng lượng và thiếu hàm lượng các chất đạm có giá trị dinh dưỡng cao. Thêm vào đó, khẩu phần ăn cũng mới chỉ có 60% nhu cầu canxi được đáp ứng trong khi quá trình tăng trưởng của trẻ thì rất cần canxi để tạo khối xương cho phát triển tốt hơn về chiều cao”.

Dinh dưỡng phải hợp lý

Bởi vậy, để giúp cho trẻ phát triển chiều cao tối đa theo khả năng của cơ thể cũng như bảo đảm trẻ đủ các chất dinh dưỡng, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý theo từng chu kỳ của vòng đời. Cụ thể, đời người có 3 giai đoạn phát triển chiều cao vượt trội là giai đoạn bào thai, giai đoạn từ sơ sinh đến 3 tuổi và giai đoạn dậy thì (đối với con gái từ 10-16 tuổi, con trai từ 12-18 tuổi) thì đối với mỗi giai đoạn ấy phải có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Chẳng hạn, ở giai đoạn bào thai, người mẹ cần được cung cấp đầy đủ các chất để con đạt được ít nhất 50cm chiều dài và nặng khoảng 3kg khi chào đời. Dấu hiệu để biết người mẹ có ăn đủ chất hay không thông thường dựa trên mức độ tăng cân trong thời kỳ mang thai, tức là tăng khoảng 10-16kg so với trọng lượng ban đầu trước khi mang thai.

Ở thời kỳ sơ sinh đến 3 tuổi, trẻ phải được bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu và chỉ khi nào đủ 6 tháng tuổi mới ăn bổ sung và phải ăn bổ sung đúng cách. Thức ăn trong giai đoạn này cần đủ các chất: đạm, đường, chất béo, vitamin, khoáng chất. Tuy nhiên, chất đạm phải xuất phát từ thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu… vì đây là protein giúp cơ thể tăng trưởng và phát triển.

Giai đoạn 3-10 tuổi, chế độ ăn uống của trẻ cũng cần đủ 4 chất dinh dưỡng trên. Bên cạnh đó, chú ý các vi chất cần thiết cho sự phát triển chiều cao như sắt, kẽm, canxi, vitamin D… phải bổ sung đầy đủ. Và các chất này có thể từ những thực phẩm như: cua, cá, tôm, ốc, các loại rau củ…

Ở giai đoạn dậy thì, giai đoạn phát triển vượt trội nhất của đời người, theo các chuyên gia dinh dưỡng, để có thể tăng trưởng chiều cao đạt “chuẩn” từ 8-12cm/năm, mỗi ngày trẻ phải bảo đảm được ăn từ 2.200-2.700calo, tùy vào tuổi và giới, tức tương đương với lượng ăn của người trưởng thành. Trẻ dậy thì do phát triển cơ bắp nên lượng đạm cần cao hơn người trưởng thành. Mỗi ngày trung bình trẻ cần 200-300g thịt, cá, trứng, các loại đậu… 50-60g chất béo, 300-400g thực phẩm giàu bột đường như gạo, bột mì, khoai… 300-500 rau quả các loại và ít nhất 300ml sữa/ngày…

Nếu thực hiện đúng chế độ dinh dưỡng trên kết hợp với các giải pháp khác như vận động, các chuyên gia dinh dưỡng hy vọng chiều cao của người Việt, đặc biệt là lớp trẻ sẽ làm chủ đất nước trong tương lai sẽ không chỉ khắc phục được 10 -13cm thấp hơn so với chuẩn của WHO hiện nay mà còn có thể sánh vai với các quốc gia có tầm vóc con người “cao to” ở châu Á.

UNICEF vừa hoàn thành bộ công cụ: “Nghiên cứu sự ảnh hưởng của nước vệ sinh không tốt với sức khỏe trẻ em”, trong đó nêu rõ các bệnh nhiễm giun, tiêu chảy, suy dinh dưỡng dẫn đến… thấp còi.

Theo bà Nguyễn Thanh Hiền, chuyên gia nước sạch và vệ sinh môi trường Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc cho báo giới biết, Ngân hàng Thế giới đã dựa trên chính nghiên cứu này của UNICEF để công bố nước vệ sinh bẩn cũng là nguyên nhân gây… thấp còi ở trẻ em Việt Nam. Họ đã phân tích trên cơ sở lấy chỉ số chiều cao của trẻ em với tình trạng nhà hộ tiêu gia đình hiện nay thì kết luận đưa ra đã khá chuẩn xác ứng với các tỉnh miền núi là nếu sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chiều cao trẻ em có thể sẽ nâng thêm 3,7cm.

UNICEF vừa hoàn thành bộ công cụ: “Nghiên cứu sự ảnh hưởng của nước vệ sinh không tốt với sức khỏe trẻ em”, trong đó nêu rõ các bệnh nhiễm giun, tiêu chảy, suy dinh dưỡng dẫn đến… thấp còi. Theo bà Nguyễn Thanh Hiền, chuyên gia nước sạch và vệ sinh môi trường Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc cho báo giới biết, Ngân hàng Thế giới đã dựa trên chính nghiên cứu này của UNICEF để công bố nước vệ sinh bẩn cũng là nguyên nhân gây… thấp còi ở trẻ em Việt Nam.

Họ đã phân tích trên cơ sở lấy chỉ số chiều cao của trẻ em với tình trạng nhà hộ tiêu gia đình hiện nay thì kết luận đưa ra đã khá chuẩn xác ứng với các tỉnh miền núi là nếu sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chiều cao trẻ em có thể sẽ nâng thêm 3,7cm.


Nguyễn Xuân